One4One dấn thân với vườn sinh thái chữa lành đất đai

Viettimes -- Không phải mô hình vườn sinh thái cảnh kiểu như mọi người thường kéo đến thăm quan, nghỉ dưỡng, mà là biện pháp canh tác chữa lành cho đất đai.
Nhiều sản phẩm từ vườn sinh thái của One4One tốt cho sức khỏe người dùng
Nhiều sản phẩm từ vườn sinh thái của One4One tốt cho sức khỏe người dùng

Một thế giới bệnh tật

Ngày nay, lòng tham, thói quen hưởng thụ tiện nghi, theo đuổi thành công vật chất đã dẫn đến một thế giới sản xuất và tiêu dùng ồ ạt phát triển khắp nơi. “Hãy cảnh giác với ý tưởng “tiêu dùng xanh” bởi ngay cả như thế cũng là đang cổ vũ cho một nền văn hóa tiêu dùng và tự biến bản thân thành những cỗ máy tiêu dùng”, tiến sĩ Vandana Shiva - một nhà vật lý học và nhà hoạt động môi trường sinh thái tại Ấn Độ đã cảnh báo như vậy.

Tiến sĩ Vandana Shiva hoạt động để bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây trồng, với quan niệm hạt giống là nền tảng của nông nghiệp, là phương tiện sản xuất và sinh kế của nông dân, đã thẳng thắn đặt ra quan điểm đừng để mình bị chủ nghĩa “tiêu dùng xanh” quyến rũ, bởi nếu chỉ trở thành những người tiêu dùng đơn thuần, và bị phụ thuộc, thậm chí bị thống lĩnh bởi công nghệ sản xuất giá rẻ bao trùm toàn cầu, nghĩa là đang đánh mất chính mình, chính cái riêng biệt quý giá của dân tộc mình.

Bưởi da xanh được bảo tồn giống gốc tại tỉnh Bến Tre trong vườn sinh thái tự nhiên
 Bưởi da xanh được bảo tồn giống gốc tại tỉnh Bến Tre trong vườn sinh thái tự nhiên

Bỏ lên núi ở liền hàng chục năm để thực hành nông nghiệp tự nhiên, nhà nông học Masanobu Fukuoka (Nhật Bản) từ vài chục năm trước đây đã làm rung động nước Nhật và sau đó là cả thế giới với cách làm nông nghiệp chữa lành đất đai, chữa lành vũ trụ bệnh tật và phi lý.

Nhóm bạn trẻ sáng lập dự án One4One có cùng quan điểm với tiến sĩ Shiva và nhà nông học Fukuoka, đã miệt mài hướng dẫn nông dân Việt trồng và bảo tồn các giống gốc, thuần Việt như Bưởi da xanh, Dừa của vùng Bến Tre. Ở thời điểm mới bắt đầu dự án, cách đây 4 năm, vẫn nhiều người Việt gọi họ là “khùng”.

Là vì giáo dục nhiều năm qua đã gieo vào các thế hệ niềm tin theo đuổi thành công vật chất, để rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng mọi năng lực của mình cho việc kiếm tiền và tiêu thụ, hòng tìm kiếm cái gọi là sự ổn định, bền vững cho riêng mình.

Những trái bưởi da xanh được trồng trong vườn sinh thái tự nhiên nhìn không láng mượt, đẹp mắt như trái từ những vườn được kích thích để tăng năng suất
 Những trái bưởi da xanh được trồng trong vườn sinh thái tự nhiên nhìn không láng mượt, đẹp mắt như trái từ những vườn được kích thích để tăng năng suất 

Cho đến một ngày, xã hội tiêu dùng và theo đuổi sở hữu vật chất đã bộc lộ những hệ quả nghiêm trọng về môi trường, thực phẩm, bệnh tật và các vấn nạn xã hội, không chừa lối cho bất kì người “thành công” nào, thì đến lúc đó chúng ta mới bắt đầu hỏi nhau: “Liệu có sự bền vững nào chỉ riêng rẽ cho từng cá thể?”

“Cài đặt” lại niềm tin

 Nhưng thật khó có thể thoát ra khỏi một ý thức đã được “cài đặt” thành niềm tin về sự an toàn vật chất, để không ít người phải đắn đo đứng giữa ngã ba đường chọn cho mình câu trả lời: vì thân hay vì cộng đồng?

Nguyễn Thị Thái Bình và Nguyễn Minh Tuấn – hai sáng lập viên của doanh nghiệp xã hội One4One ngày ấy cũng đứng trước thử thách tương tự để chọn lựa lối đi cho riêng mình, khi muốn sống một cuộc sống cống hiến và ý nghĩa, nhưng trong lòng chưa vượt qua được nỗi sợ thiếu thốn vật chất.

Dẫu thế, cửa sẽ mở cho những ai không ngừng gõ. Doanh nghiệp xã hội One4One được thành lập lấy sứ mệnh là sinh kế bền vững cho lao động nông thôn chính là câu trả lời: “Đừng đưa mình vào thế phải lựa chọn, luôn có giải pháp bền vững và hạnh phúc, chúng ta hoàn toàn có thể bền vững trong những mục tiêu xã hội bền vững, cống hiến không nhất định là phải hy sinh”.

Sau khi ổn định vùng nguyên liệu sạch, One4One đã phát triển nhiều cửa hàng bán lẻ các sản phẩm tinh khiết từ vườn sinh thái trên địa bàn TP.HCM
 Sau khi ổn định vùng nguyên liệu sạch, One4One đã phát triển nhiều cửa hàng bán lẻ các sản phẩm tinh khiết từ vườn sinh thái trên địa bàn TP.HCM

Đôi bạn đồng chí hướng trăn trở khi thấy bối cảnh quê hương chuyển biến, lao theo năng suất, con người đầu độc cây và đất bằng nhiều loại hóa chất, vì nông phẩm bị ép giá nên nông dân bán ruộng vườn vào làm công các khu công nghiệp, khiến những vùng đất trở nên hoang hóa, giá trị quê hương bị bỏ quên. Khởi nghiệp từ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre với dự án đầu tiên, mô hình doanh nghiệp xã hội One4One kinh doanh dầu dừa tinh khiết với nhân công chính là các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Sau vài năm thử nghiệm và thành công, Tuấn và Bình đã mô hình hóa các dự án sinh kế để có thể nhân rộng đến các vùng miền khác.

Đề cập đến câu chuyện sinh kế bền vững, mỗi sản phẩm, mỗi dự án ngoài mục tiêu thu nhập ổn định cho người dân, đều phải đáp ứng các yếu tố mà One4One đã lựa chọn tuyên bố hệ giá trị cho mình, bao gồm tính địa phương và truyền thống: bảo tồn bản sắc và khai thác thế mạnh địa phương.

Bằng việc bao tiêu sản phẩm, các vùng trồng đều được hướng dẫn chuyển đổi canh tác theo hướng sinh thái, bảo vệ đất đai được tự nhiên màu mỡ, không bị hoang hóa hoặc tàn phá bởi thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân vô cơ để đảm bảo tính tự nhiên.

Tôn trọng môi trường sống và bảo hệ hệ sinh thái trong vùng, sản phẩm được khai thác vừa đủ, đáp ứng tính bền vững. Đặt con người làm trọng tâm, ngoài sinh kế bền vững còn là những hoạt động chăm lo đời sống và nhận thức của bà con nông dân, thể hiện tính nhân văn của dự án. Ngoài ra, còn phải đảm bảo tính tiếp nối với các hoạt động học bổng, hướng nghiệp truyền lửa cho một thế hệ tiếp theo.

Không phải dự án nào của One4One cũng thành công, những khó khăn và thử thách có thể kể không bao giờ ngớt, tuy nhiên đã có nhiều hơn một dự án được đưa vào vận hành, tính tới hiện tại đã có hơn 40 sản phẩm từ các vùng dự án đã được đưa ra thị trường. Dự án về Dừa là dự án đầu tiên đã triển khai hơn 4 năm, sắp tới sẽ mở rộng hỗ trợ sinh kế cho lao động địa phương. Các lao động tham gia được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, có sổ tiết kiệm cho các lao động xuất sắc và được tham gia những khóa đào tạo giúp thay đổi nhận thức về canh tác không hóa chất.

Như quan niệm của nhà nông học Fukuoka, con đường hoàn nguyên của con người chính là sự buông bỏ tất cả những gì chống lại thiên nhiên và trái với thiên nhiên để quay về với thiên nhiên, để con người trở lại là một thành tố của thiên nhiên.