Obama đến Việt Nam và TPP

Một trong những điểm nhấn của chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama là thúc đẩy việc thông qua và triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nếu Tổng thống Obama không thúc đẩy được Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong nhiệm kỳ của ông thì TPP sẽ như thế nào dưới nhiệm kỳ tổng thống Mỹ khác?
Nếu Tổng thống Obama không thúc đẩy được Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong nhiệm kỳ của ông thì TPP sẽ như thế nào dưới nhiệm kỳ tổng thống Mỹ khác?

Nhưng vấn đề đặt ra là liệu ông Obama có thể cam kết một điều ngược lại: thúc đẩy chính Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong nhiệm kỳ của ông và nếu không làm được điều này, liệu TPP sẽ như thế nào dưới nhiệm kỳ tổng thống Mỹ khác.

Phía Việt Nam thì đã có lộ trình khá rõ ràng. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2016 cho biết, sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. Thậm chí, Chính phủ cũng đã giao các bộ, ngành và địa phương đề xuất phương án điều chỉnh pháp luật cụ thể phù hợp với lộ trình và yêu cầu của Hiệp định TPP.

Về phía Mỹ, động thái tích cực nhất cho tới nay là việc Quốc hội nước này, vào tháng 7 năm ngoái, đã trao quyền đàm phán nhanh (TPA) cho phía Chính phủ Mỹ nhờ đó quá trình đàm phán TPP mới kết thúc và được các bên chính thức ký kết vào ngày 4-2-2016. Với TPA, Quốc hội Mỹ sẽ thông qua TPP theo kiểu trọn gói, tức phê chuẩn hay chưa phê chuẩn chứ không thể thay đổi từng điều khoản nữa.

Vấn đề là cho đến nay, không ai biết bao giờ thì Quốc hội Mỹ sẽ đưa chuyện TPP ra bàn để phê chuẩn. Năm nay lại là năm bầu cử tổng thống và Quốc hội Mỹ nên chưa biết kết quả phê chuẩn sẽ như thế nào. Bởi theo truyền thống, Chính phủ Mỹ thường dựa vào phía đảng Cộng hòa để thông qua các hiệp định thương mại vì phía đảng Dân chủ thường phản đối các hiệp định tự do hóa thương mại như thế này.

Ngay cả bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng, từng đóng vai trò quan trọng trong đàm phán TPP, nay trong tư cách ứng cử viên tổng thống cho đảng Dân chủ vừa mới tuyên bố phản đối việc thông qua TPP khi chưa qua mùa bầu cử. Theo tường thuật của báo chí Mỹ, khi được hỏi: Nếu được bầu làm tổng thống, liệu bà có phản đối việc tổ chức bỏ phiếu cho TPP [tại Quốc hội] trong một kỳ họp “chuyển giao” trước khi bà nhậm chức? Bà Clinton đáp: Tôi đã nói tôi phản đối Hiệp định TPP - và điều đó có nghĩa trước và sau bầu cử. Đại diện cho phía đảng Cộng hòa, ứng cử viên hàng đầu Donald Trump thì từ lâu đã nói rõ ý định “xóa bài làm lại” đối với TPP. Việc hầu như các ứng cử viên hàng đầu của cả hai đảng được cử tri ủng hộ nhiều nhất đều phải bày tỏ sự chống đối với TPP cho thấy các nghị sĩ Quốc hội Mỹ không thể nào ngó lơ xu hướng này nếu muốn chiếm phiếu của cử tri đang muốn phục hồi chủ nghĩa bảo hộ.

Như vậy vai trò còn lại của ông Obama, nếu có, là làm sao thúc đẩy đưa TPP ra thảo luận và phê chuẩn vào kỳ họp “chuyển giao”, tức đã bầu xong Quốc hội mới nhưng chưa nhậm chức, Quốc hội cũ có phê chuẩn cũng không ảnh hưởng nhiều đến uy tín của từng nghị sĩ. Liệu ông Obama có làm được việc này không là một câu hỏi lớn, ít ra là cũng với nội bộ đảng Dân chủ của ông.

TPP mà không có Mỹ liệu có khả thi?

Thật ra TPP vẫn có thể có hiệu lực mà không cần tất cả 12 nước thành viên hoàn tất quá trình phê chuẩn trong từng nước. Nếu trong vòng hai năm, có ít nhất sáu nước thành viên chiếm ít nhất 85% GDP của 12 nước ban đầu ký kết thì hiệp định có hiệu lực 60 ngày sau khi kết thúc thời hạn hai năm. Hiệp định cũng có thể có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày có ít nhất sáu nước thành viên chiếm ít nhất 85% GDP của 12 nước thông báo rằng họ đã phê chuẩn TPP.

Tuy nhiên tính riêng Mỹ đã chiếm đến 62% GDP của cả 12 nước (Nhật chiếm 17%) nên chỉ cần một trong hai nước này không phê chuẩn thì xem như thua. Ngoài ra, lợi ích từ TPP đem lại cho Việt Nam chủ yếu đến từ quan hệ giao thương với Mỹ. Mọi người đều kỳ vọng lớn vào 98% kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản và 75% kim ngạch hàng công nghiệp của Việt Nam vào Mỹ được miễn thuế ngay sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Riêng với dệt may, người ta cũng kỳ vọng đến 95% dòng thuế được bãi bỏ hay giảm mạnh.

Từ đó nhìn lại quá trình chuẩn bị cho TPP mới thấy nổi lên một vấn đề khá lớn. Để hưởng thuế suất ưu đãi của TPP, mặt hàng dệt may sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Thế nên Việt Nam đang hoan nghênh các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành dệt nhuộm. Mặc dù có băn khoăn về tác động lên môi trường, sự cần thiết của cụm từ “từ sợi trở đi” có thể phần nào đó tác động lên việc phê duyệt các dự án như thế.

Giả dụ TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua, liệu việc phê duyệt các dự án dệt nhuộm gây hại môi trường mà không cân nhắc kỹ có phải là điều khôn ngoan?

Đặt vấn đề này để thấy, cho dù ông Obama có cam kết như thế nào, chính trường Mỹ dù có ra sao, yếu tố môi trường vẫn phải là yếu tố quyết định chứ không phải là sự thúc bách của ai hay của bất kỳ ngành nào.

Theo TBKTSG