Nuốt mật cá chép sống, người đàn ông đi ngoài liên tục vì ngộ độc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi ăn tối, người đàn ông 44 tuổi đã nuốt sống mật cá chép cùng 1 chén rượu rồi rơi vào tình trạng ngộ độc, đau bụng, đi ngoài liên tục.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc mật cá chép (Ảnh - BVCC)
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc mật cá chép (Ảnh - BVCC)

Các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.X.K., 44 tuổi, vào viện trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều, nôn ra dịch vàng nâu, không lẫn máu, bụng chướng nhẹ, ấn đau hạ sườn phải.

Trước đó, gia đình anh K. đã làm thịt một con cá chép nặng khoảng 4kg chế biến thành các món ăn. Khi ăn tối, anh K. đã nuốt mật cá chép sống cùng với một chén rượu. 1 tiếng sau, anh K. bị đau âm ỉ ở vùng bụng quanh rốn, nôn nhiều ra thức ăn và liên tục đi ngoài phân lỏng. Tuy vậy, gia đình vẫn tiếp tục để bệnh nhân ở nhà theo dõi. Đến nửa đêm, tình trạng bệnh ngày càng nặng nên người nhà anh K. mới đưa anh vào viện cấp cứu.

Tại Khoa cấp cứu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc mật cá chép và nhanh chóng cấp cứu, hồi sức cho người bệnh. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy đa tạng nặng nề do ngộ độc, men gan tăng cao, suy thận cấp. Bệnh nhân tiếp tục được cấp cứu, điều chỉnh các rối loạn nước điện giải, lợi tiểu, uống than hoạt, nhuận tràng và theo dõi sát các diễn biến có thể xảy ra.

Cá chép (Ảnh minh hoạ)

Cá chép (Ảnh minh hoạ)

Theo các bác sĩ, khi bị ngộ độc mật cá, nếu nhẹ người bệnh thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng nhiều lần, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận cấp, suy gan cấp, suy đa tạng, hôn mê, thậm chí tử vong. Phác đồ điều trị cơ bản là nhanh chóng thải trừ chất độc ra khỏi cơ thể, điều chỉnh các rối loạn nước, điện giải. Nếu nặng hơn có thể gây viêm hoại tử ống thận gây suy thận cấp, cần phải lọc máu ngoài thận cấp cứu.

Do tính chất và mức độ phổ biến của ngộ độc các loại mật cá, nên đã có nhiều cảnh báo của các chuyên gia về sự nguy hiểm của ngộ độc mật cá nhưng vẫn có rất nhiều người vẫn tin vào những câu chuyện được “nghe đồn”, “rỉ tai” nhau về nuốt mật cá với mục đích chữa các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay chưa có công trình khoa học nào chứng minh tác dụng điều trị bệnh của mật cá cũng như mật của một số loài động vật khác.

Qua trường hợp bệnh nhân K., các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cảnh báo: Để đảm bảo sức khỏe, người dân chỉ ăn cá khi đã nấu, nướng chín kỹ vừa đảm bảo vệ sinh và tránh nguy cơ nhiễm giun sán và các nhiễm trùng nhiễm độc khác. Người dân không nên ăn lòng cá chép vì rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán). Khi làm thịt cá chép, người dân không nên nấu cả con và không bỏ mật. Không ít người nghĩ cá chép bổ khi nấu cả con và không bỏ mật. Đây là một sai lầm có thể gây ngộ độc, mật cá chép có chứa chất tetrodotoxin. Khi cá chép có cân nặng càng lớn thì lượng mật có độc tố càng cao.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người dân cần phải rửa sạch bỏ mật và lòng cá trước khi nấu. Ngoài ra, sau khi ăn cá trong khoảng 24 giờ mà xuất hiện tình trạng buồn nôn, đau bụng, vàng da, tiêu chảy... thì nên chủ động tới bệnh viện khám ngay để được cứu chữa kịp thời nếu bị ngộ độc.