Nuôi Artemia – Lối thoát nghèo cho diêm dân

VietTimes -- Trứng artemia dùng làm thức ăn cho con giống các loài thủy sản, nhất là tôm giống. Hiện sản xuất trong nước chỉ cung ứng được phần nhỏ, còn lại phải nhập khẩu số lượng lớn trứng artemia. Ngược lại, trứng artemia “Made in Vietnam” đã xuất đi nhiều nước, được đánh giá là “có chất lượng hàng đầu thế giới”.
Ảnh minh họa

Trứng artemia hiện“cung” luôn không đủ “cầu”. Trong khi đó, artemia lại phát triển tốt trên nền đất mặt ruộng làm muối. Muối cứ rớt giá thê thảm triền miên, nhưng diêm dân vẫn “đặt cược” vào muối, mà không chuyển sang nuôi artemia.

Con Artemia

Thị trường vô tận

 Artemia là loài bào xác nhỏ bé du nhập vào Việt Nam năm 1986 được thuần hóa và đưa vào sản xuất thương mại năm 1990. Trứng artemia chứa rất nhiều dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng làm thức ăn trong sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là tôm giống mà hiện chưa có sản phẩm thay thế.

Việt Nam hiện có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 600.000 - 700.000 ha (riêng ĐBSCL chiếm trên 80%). Nhu cầu con giống mỗi năm cần 130 tỷ con với 1.240 doanh nghiệp, cơ sở ươm nuôi, cung ứng tôm giống, nhu cầu về trứng artemia rất lớn. Hiện artemia sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, mỗi năm các doanh nghiệp phải nhập tới 160 tấn trứng artemia cho sản xuất tôm giống.

Thu hoạch trứng artemia

Bộ NN-PTNT vừa có kế hoạch nâng tôm nước lợ lên mặt hàng "chiến lược" để bù đắp cho sản xuất nông nghiệp sụt giảm. Không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới có nuôi thủy sản, kể cả thủy sản nước lạnh và cá cảnh cũng có nhu cầu nhập khẩu trứng artemia rất cao. Vì vậy, thị trường tiêu thụ trứng artemia được đánh giá là có tiềm năng bất tận, ít nhất cũng một vài thập kỷ tới. Artemia có ở nhiều nước nhưng lại chủ yếu được khai thác tự nhiên chứ không nuôi được. Mỹ là nước xuất khẩu artemia lớn nhất thế giới nhưng cũng khai thác tự nhiên theo mùa vụ. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đủ điều kiện sản xuất được artemia.

Điều bất ngờ mà TS. Nguyễn Văn Hòa, Gíám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thủy sản (Đại học Cần thơ) cho biết: Trứng artemia “Made in Vietnam" được các chuyên gia, khách hàng nước ngoài đánh giá là “có chất lượng hàng đầu thế giới”, "thách thức" cả sự cạnh tranh của sản phẩm cùng loại ở Bỉ, Mỹ, Hàn Quốc... dù có giá bán cao gấp đôi sản phẩm của Mỹ. Trứng artemia của ta chỉ tiêu thụ phần nhỏ trong nước, chủ yếu được xuất sang các nước Mỹ, Nhật, Nga, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, EU… khách muốn mua phải đặt hàng trước. Tiềm năng sản xuất và thị trường như "nằm mơ" nhưng hiện cả nước mới chỉ có 2 tỉnh ĐBSCL sản xuất artemia là Bạc Liêu và Sóc Trăng với diện tích khiêm tốn.

Sóc Trăng có 570 ha nuôi artemia theo mô hình HTX khép kín ở thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, 3 HTX chuyên sản xuất, 1 HTX đảm nhận kỹ thuật và làm dịch vụ cung ứng giống, vật tư, bao tiêu sản phẩm. Bạc Liêu mới chỉ có 200 ha nuôi artemia. Tỉnh đang lập dự án nâng diện tích lên 500 ha vào năm 2020 với vốn đầu tư 17 tỷ đồng và sẽ nuôi theo mô hình HTX.

Với diện tích nuôi artemia như thế so với nhu cầu hiện nay vẫn chẳng thấm tháp là bao...

Ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết: Sản phẩm trứng artemia thương hiệu Vĩnh Châu được xuất khẩu sang nhiều nước và nổi tiếng thế giới do được bán giá cao hơn sản phẩm cùng loại và nhất là chưa bao giờ bị ép giá, cung luôn không đủ cầu. Sóc Trăng đã xác định artemia là 1 trong 5 vật nuôi chủ lực của tỉnh.

Cứu cánh cho nghề muối ?

Việt Nam có gần 4.000 km bờ biển, cả 3 miền đều có vùng sản xuất muối, nhưng điệp khúc trúng mùa rớt giá cứ tái diễn suốt 30 năm nay khiến diêm dân chìm trong khốn khó. Vụ muối 2016 do thiên tai hạn, mặn nên chưa bao giờ sản xuất muối trúng mùa đậm như năm nay, nhưng cũng chưa bao giờ mà giá muối lại rớt tận đáy như vừa qua.

Giá muối làm thủ công trên nền đất có lúc xuống “đáy” 250.000đ/tấn, lúc cao nhất cũng chỉ 380.000đ/tấn, diêm dân lỗ nặng. Muối thủ công, muốn có lời giá phải 500.000đ/tấn. Muối sạch sản xuất theo phương thức trải bạt càng "chết lớn", do chi phí đầu tư sản xuất lớn, từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Giá thành sản xuất muối trải bạt 600.000-650.000đ/tấn, muốn có lời phải bán với giá 900.000đ đến 1 triệu đồng/tấn, nhưng năm nay chỉ bán được 500.000đ/tấn. Bạc Liêu có diện tích sản xuất muối lớn nhất ĐBSCL 2.355 ha, hiện tồn kho 155.000 tấn muối. Diêm dân hết chỗ chứa, muối chất đống như núi nhưng phải đi vay nóng để sống hàng ngày. Diện tích sản xuất muối lớn nhất miền Trung là Ninh Thuận với 3.600 ha; trong đó, muối trải bạt 2.900 ha, chiếm 80%, chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư nhưng họ cũng phải "kêu trời" vì muối rớt giá.

Nuôi Artemia

Trong khi đó, artemia rất dễ nuôi, vốn đầu tư thấp và điều đặc biệt là môi trường để artemia sinh trưởng tốt nhất là nền mặt ruộng làm muối. Đây chính là cơ hội mở ra lối thoát cho diêm dân, nếu chuyển canh.

Artemia có những đặc tính "không giống ai" nhưng rất thuận lợi để diêm dân chuyển nghề. Môi trường nước nuôi artemia phải có độ mặn 80-120 %o (phần ngàn). Loài này "ăn bẩn" nhưng phải "ở sạch", thức ăn là phân gà, nhưng không được thả trực tiếp xuống ao mà phải đưa vào ao lắng, gây tảo rồi mới bơm tảo sang cho artemia ăn. Có thể nuôi artemia kết hợp nuôi gà để đạt hiệu quả "2 trong 1". Artemia sinh sản rất nhanh, nuôi 10-15 ngày là đẻ trứng, 25 ngày sau trứng cho thu hoạch liên tục từ tháng 12 năm nay đến tháng 6 năm sau. Mỗi hecta nuôi artemia cho sản lượng từ 100-150 kg/vụ. Trứng artemia có thể sấy khô, đóng hộp rồi tiêu thụ. Giá trứng tươi tại ruộng 1,2-1,5 triệu đồng/kg, trứng khô giá 4,5-5,5 triệu đồng/kg.

Điều kiện để chuyển đổi nghề từ làm muối sang nuôi artemia lý tưởng nhưng diêm dân lại như "ngồi đáy giếng" khi cho rằng đất đã làm muối nhiễm mặn như vậy thì chẳng cây, con gì sống nổi. Ngành nông nghiệp và các địa phương sản xuất muối thì mải mê chạy theo những cây trồng, vật nuôi "chiến lược" không mặn mà với con artemia bé nhỏ nhưng tiềm năng lớn, dù cuộc sống thực tế khốn khổ của diêm dân. Nếu giúp họ chuyển canh sang sản xuất artemia để có cơ hội đổi đời thì địa phương có điều kiện tăng kim ngạch xuất khẩu.

Nuôi artemia cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ và không bị “trúng mùa rớt giá” thê thảm như muối hay cá tra. Các hộ nuôi artemia hiện nay cũng từng nuôi tôm, làm muối bị thua lỗ nên chuyển canh. Nhờ artemia, gần như 100% số hộ chuyển canh đã thoát nghèo vươn lên khá, trong khi các hộ vẫn "ôm" con tôm, cây lúa và hạt muối thì vẫn mãi… tả tơi.

"Tận thu"

Từ trước đến nay, mặt hàng trứng artemia nhập khẩu được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Nhưng Bộ Tài chính vừa đưa mặt hàng trứng artemia vào mã hàng có thuế suất 5%. Áp mức thuế này sẽ làm đội giá thành sản xuất tôm nước lợ - mặt hàng "chiến lược" của Việt Nam; đồng thời, nếu bị truy thu thuế nhập khẩu trứng artemia từ năm 2011 đến nay thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ đối mặt với phá sản.

Bộ NN-PTNT và VASEP đã có văn bản đề nghị xem xét giảm thuế đối với trứng artemia nhập khẩu từ 5% xuống còn 0% nhưng Bộ Tài chính vẫn áp mức thuế suất 3%.