Núi nợ của ngân hàng quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Được lập ra để giải quyết các khoản nợ khó đòi cho nền tài chính Trung Quốc, Huarong lại trở thành một gánh nặng sau vụ tham nhũng gây chấn động của người đứng đầu.

Theo Bloomberg, đã 11 tuần từ khi ông Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin) bị kết án tử hình ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, bóng đen của vụ tham nhũng lớn nhất đất nước tỷ dân vẫn bao trùm lên toàn ngành tài chính Trung Quốc.

Từng được mệnh danh là "Thần của cải" ở quốc gia tỷ dân, ông Lại là cựu Chủ tịch China Huarong Asset Management, công ty quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc về quy mô. Theo tạp chí Tài Kinh, ông Lại bị cáo buộc tham nhũng và nhận hối lộ lên đến 1,79 tỷ NDT (258 triệu USD) trong hơn 10 năm tại chức.

Vụ án gây chấn động dư luận Trung Quốc bởi số tiền khổng lồ và nhiều chi tiết gây bất ngờ. Theo Weibo, cảnh sát đã lục soát nhà riêng của ông Lai và phát hiện 3 tấn tiền mặt được cất giấu trái phép.

Ông cũng bị cáo buộc có quan hệ ngoài luồng với hơn 100 người tình, bao nuôi những người này tại các ngôi nhà thuộc dự án bất động sản của công ty con chuyên về bất động sản của Huarong ở Hải Chu (Quảng Đông).

Ngân hàng "tồi" quản lý nợ xấu

Huarong là một trong những doanh nghiệp nhà nước nợ trái phiếu quốc tế nhiều nhất trên toàn thế giới. Huarong nợ các trái chủ trong và ngoài nước số tiền tương đương 42 tỷ USD. Theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, khoảng 17,1 tỷ USD trong số đó sẽ đến hạn vào cuối năm 2022.

Những năm 1990, Huarong được thành lập sau một loạt những sự sụp đổ của nền tài chính châu Á. Lấy ý tưởng ngăn chặn làn sóng vay nợ xấu đe dọa hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc lúc bấy giờ, ngân hàng Huarong đóng vai trò một "ngân hàng tồi" - nơi giữ hàng tỷ USD các khoản vay không hiệu quả của các công ty nhà nước.

Huarong Asset Management từng là công ty quản lý nợ xấu lớn nhất của Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Huarong Asset Management từng là công ty quản lý nợ xấu lớn nhất của Trung Quốc. Ảnh: China Daily.

Với ba ngân hàng "tồi" khác, Huarong đổi các khoản nợ quá hạn lấy cổ phần tại hàng trăm doanh nghiệp nhà nước lớn khắp toàn quốc. Trong quá trình này, Huarong đã giúp nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miên xoay chuyển tình thế, đơn cử như Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc.

Sau khi ông Lại Tiểu Dân tiếp quản Huarong vào năm 2012, ngân hàng vươn xa hơn và đẩy mạnh sang lĩnh vực đầu tư, quỹ tín thác, bất động sản. Công ty quốc doanh nắm giữ vị thế quan trọng trong ngành tài chính trị giá 54.000 tỷ USD của Trung Quốc.

Điều trớ trêu là từ mục đích sinh ra để giải quyết rắc rối trong nền tài chính Trung Quốc, Huarong ngày nay lại trở thành một rắc rối khó xử lý với với núi nợ khổng lồ sau hàng loạt bê bối tham nhũng của người đứng đầu.

Thời kỳ đỉnh cao và lụn bại của doanh nghiệp quốc doanh hàng đầu

Dù cổ phiếu công ty sụt giảm đến 67% kể từ khi niêm yết đến nay, "đệ nhất tham quan" Trung Quốc lại không gặp chút khó khăn gì trong kế hoạch thực thi các tham vọng của mình bởi niềm tin tưởng tuyệt đối của nhà đầu tư vào sự hậu thuẫn của chính phủ. Giới đầu tư đều nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ luôn "chống lưng" một công ty quốc doanh chủ chốt như Huarong.

Nhờ đó, công ty của ông Lại dễ dàng vay tiền trên thị trường nước ngoài với mức lãi suất thấp chỉ 2,1%. Đồng thời, Huarong còn vay nhiều hơn ở thị trường liên ngân hàng trong nước.

Ông Lại Tiểu Dân năm 2016. Ảnh: CNN.

Ông Lại Tiểu Dân năm 2016. Ảnh: CNN.

Kể từ khi Huarong được tái cấu trúc và trở thành một công ty thương mại từ tháng 10/2012, các ngân hàng của Phố Wall ồ ạt gõ cửa đề nghị hợp tác. Nhiều lãnh đạo cấp cao như Michael Evans (Goldman Sachs) hay Shane Zhang (Morgan Stanley) đánh giá cao thành công của Huarong và bày tỏ mong muốn mua cổ phần.

Trước khi Huarong thực hiện niêm yết cổ phiếu tại sàn Hong Kong vào năm 2015, công ty đã bán 2,4 tỷ USD cổ phần cho nhóm nhà đầu tư bao gồm Warburg Pincus, Goldman Sachs và một quỹ tài sản của Malaysia. Dữ liệu tổng hợp cho thấy hai quỹ đầu tư BlackRock và Vanguard Group cũng sở hữu nhiều cổ phiếu của Huarong.

Năm 2016, Huarong nhanh gọn xử lý được hơn 50% trong số 510 tỷ nhân dân tệ (78 tỷ USD) các khoản nợ khó đòi của các ngân hàng Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, đế chế tài chính của ông Lại có gần 200 đơn vị trong và ngoài nước. Năm 2017, "ông thần của cải" cho biết sẽ sớm có kế hoạch IPO ở thị trường Trung Quốc đại lục.

"Việc vỡ nợ tại một công ty quốc doanh trung ương như Huarong là chưa từng có. Nó đã đánh dấu một sự xoay chiều cho thị trường tín dụng Trung Quốc và châu Á"

Ông Owen Gallimore, người đứng đầu mảng chiến lược tín dụng tại ngân hàng Australia & New Zealand.

Tuy nhiên, kế hoạch đó đã không thành. Năm 2018, ông Lại bị bắt, thú nhận một loạt tội danh kinh tế đã gây ra trong suốt những năm điều hành Huarong. Cảnh sát phát hiện ra 3 tấn tiền mặt, tương đương 200 triệu nhân dân tệ (30,6 triệu USD) khi lục soát một căn hộ cả ông ở Bắc Kinh.

Cảnh sát còn kiểm kê thêm hàng loạt bất động sản, đồng hồ xa xỉ, tác phẩm nghệ thuật và vàng được cất giấu trong kho tàng tài sản của "đệ nhất tham quan" Trung Quốc.

Ông Lại bị Tòa án Nhân dân thành phố Thiên Tân kết tội nhận hối lộ 277 triệu USD từ năm 2008 đến năm 2018. Ông cũng là tội phạm kinh tế hiếm hoi bị xử tử hình bởi có ảnh hưởng chính trị xấu và đi ngược lại các hướng dẫn và quy tắc tài chính của chính phủ Trung Quốc.

Ông Lại Tiểu Dân đã biến Huarong thành một ngân hàng cho vay bóng tối đầy quyền lực, mở rộng tín dụng cho những công ty không đủ điều kiện vay ở các ngân hàng chính thống.

Bị cáo Lại tại phiên tòa xét xử ở Tòa án thành phố Thiên Tân. Ảnh: Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc.

Bị cáo Lại tại phiên tòa xét xử ở Tòa án thành phố Thiên Tân. Ảnh: Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc.

Sự thật chỉ vỡ lỡ khi ông Lại bị bắt. Từ một cựu quan chức cấp cao tại cơ quan quản lý ngân hàng quốc gia, ông Lại đã thao túng các khoản vay mà không có sự giám sát của hội đồng quản trị và ủy ban quản lý rủi ro. Một nhân viên tín dụng ở Huarong cho biết đích thân ông Lại chịu trách nhiệm cho hầu hết khoản vay nước ngoài của công ty.

Sau khi ông Lại bị bắt giữ, Huarong như rắn mất đầu. Trong giai đoạn 2017-2019, thu nhập ròng của ngân hàng giảm mạnh 95%, xuống còn 1,4 tỷ nhân dân tệ (214 triệu USD). Nửa đầu năm 2020, thu nhập tiếp tục giảm 92%. Tài sản của công ty bốc hơi 165 tỷ nhân dân tệ (25,2 tỷ USD).

Tương lai nào cho Huarong?

Sau cú ngã ngựa của người đứng đầu, tập đoàn China Huarong Asset Management trở thành tấm bia trong tầm ngắm của giới lãnh đạo Trung Quốc trong chiến dịch đàn áp tham nhũng mở rộng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

Huarong không phải doanh nghiệp duy nhất gặp khó trong quả bom nợ đang ngày càng phình to ở Trung Quốc. Theo Fitch Ratings, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã gia hạn 79,5 tỷ nhân dân tệ trái phiếu nội địa trong năm 2020, nâng tỷ lệ thất bại thanh toán trong nước lên 57% từ mức chỉ 8,5% một năm trước đó. Quý I/2021, tỷ lệ này tăng vọt lên 72%.

Từ Hong Kong đến New York, nhiều câu hỏi đặt ra về tương lai khối nợ khổng lồ của Huarong. Nhà đầu tư nghi ngại núi nợ 23,2 tỷ USD mà ông Lại vay trên thị trường nước ngoài có được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ trả hay các nhà đầu tư trái phiếu quốc tế phải nuốt lỗ khối nợ to lớn.

Cách chính phủ Trung Quốc xử lý vấn đề của Huarong có thể mang tính bước ngoặt cho thị trường tín dụng toàn châu Á. Ảnh: Reuters.

Cách chính phủ Trung Quốc xử lý vấn đề của Huarong có thể mang tính bước ngoặt cho thị trường tín dụng toàn châu Á. Ảnh: Reuters.

Mặt khác, những công ty nhà nước chủ chốt như Huarong có còn sở hữu tấm bài miễn tử như giới tài chính toàn cầu từng nhận định, hay có thể sụp đổ bất cứ lúc nào như những doanh nghiệp tư nhân khác cũng là nghi vấn của giới quan sát toàn cầu.

Các chuyên gia tài chính nhận định tương lai của Huarong sẽ mang ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc và các thị trường khắp châu Á. Nếu Huarong không trả được nợ cho nhà đầu tư, cánh doanh nghiệp nhà nước quan trọng sẽ đánh mất niềm tin của nhà đầu tư về khả năng "được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn".

Ông Owen Gallimore, người đứng đầu mảng chiến lược tín dụng tại ngân hàng Australia & New Zealand, cho biết: "Việc vỡ nợ tại một công ty quốc doanh trung ương như Huarong là chưa từng có. Nó đã đánh dấu một sự xoay chiều cho thị trường tín dụng Trung Quốc và châu Á".

Theo một số nguồn tin quen thuộc với vấn đề, Huarong đang đề xuất tái cơ cấu sâu rộng để giảm bớt các mảng kinh doanh thua lỗ. Một nhân viên Huarong tiết lộ các giám đốc điều hành của công ty đã gặp mặt đồng nghiệp ở các ngân hàng nhà nước để xoa dịu những lo ngại về núi nợ khổng lồ.

"Cho phép một doanh nghiệp nhà nước đảm nhận nhiệm vụ giải quyết các rắc rối của hệ thống tài chính là phương án xử lý rủi ro tồi tệ nhất"

Ông Feng Jianlin, chuyên gia phân tích tại viện nghiên cứu FOST (Bắc Kinh).

Cơ quan quản lý đã vào cuộc thảo luận về hoàn cảnh của công ty. Nguồn tin tiết lộ Bộ tài chính Trung Quốc đã đưa ra phương án chuyển cổ phần của mình tại Huarong cho một đơn vị quỹ tài sản quốc gia để giải quyết vấn đề nợ nần.

Ông Feng Jianlin, chuyên gia phân tích tại viện nghiên cứu FOST (Bắc Kinh), nhận xét: "Cho phép một doanh nghiệp nhà nước đảm nhận nhiệm vụ giải quyết các rắc rối của hệ thống tài chính là phương án xử lý rủi ro tồi tệ nhất. Các nhà chức trách phải xem xét lại tác động lan tỏa rủi ro ở quy mô lớn này".

Theo Zingnews.vn