Hamp năm nay 55 tuổi và là một trong những lãnh đạo không phải người Nhật có chức vụ cao nhất hãng xe này. Thư từ chức được bà nộp lên ngày 30/6 vừa được Toyota chấp thuận vì lo ngại ảnh hưởng từ vụ bắt giữ ngày 18/6. Bà Hamp khi đó bị cáo buộc đưa trái phép thuốc giảm đau phải kê đơn vào Nhật Bản.
Việc này là một đòn giáng vào nỗ lực quốc tế hóa và đa dạng hóa trong đội ngũ lãnh đạo của Toyota. Đây cũng là bước lùi trong chính sách tăng quyền lực của phụ nữ trong các công ty của Thủ tướng Shinzo Abe, nhằm hiện đại hóa và tạo đà cho nền kinh tế. Ông kêu gọi các công ty Nhật Bản có ít nhất 30% vị trí lãnh đạo thuộc về nữ giới.
"Các công ty Nhật Bản sẽ phải chịu hậu quả. Sự đối xử của cảnh sát và truyền thông với bà Hamp chính là thông điệp hà khắc với các lãnh đạo ngoại quốc đang cân nhắc tới Nhật Bản làm việc", Jeff Kingston - giáo sư tại Đại học Temple nhận xét.
Chủ tịch Toyota - Akio Toyoda đã mở một cuộc họp báo một ngày sau khi bà Hamp bị bắt để khẳng định ông tin bà không cố tình làm trái pháp luật Nhật Bản. "Tôi đã tuyển dụng và cất nhắc bà Hamp, bất kể giới tính hay quốc tịch, vì chúng tôi muốn chọn người phù hợp nhất với vị trí này. Chúng tôi thực sự muốn trở thành công ty toàn cầu, và đó là bước đi có giá trị đầu tiên", ông nói.
2 tuần trước, cảnh sát Tokyo đã bắt giữ Hamp do nghi ngờ bà nhập thuốc giảm đau oxycodone trái phép. Họ sẽ tạm giam bà cho đến ngày 8/7, trước khi công tố viên đưa ra cáo trạng.
Hamp được bổ nhiệm làm giám đốc truyền thông Toyota vào tháng 4. Bà rời vị trí Phó chủ tịch cấp cao PepsiCo để gia nhập Toyota vào tháng 6/2012. Trước đó, bà cũng từng làm việc cho General Motors.
Theo VnExpress