Trung Quốc tỏ ý không đứng về bên nào ở Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trung Quốc nói sẵn sàng tham gia cùng "tất cả các bên" để xoa dịu khủng hoảng chính trị ở Myanmar và tỏ ý không đứng về bên nào.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh hôm nay. Ảnh: Xinhua.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh hôm nay. Ảnh: Xinhua.

"Trung Quốc sẵn sàng tiếp xúc, liên lạc với tất cả các bên trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và ý nguyện của người dân Myanmar, nhằm đóng vai trò xây dựng để xoa dịu căng thẳng", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trong cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh hôm nay.

Trung Quốc trước đó cho biết tình hình ở Myanmar, quốc gia láng giềng đang rơi vào khủng hoảng sau đảo chính quân sự tháng trước, "hoàn toàn không phải những gì Trung Quốc muốn thấy" và bác tin đồn trên mạng xã hội rằng Trung Quốc tham gia đảo chính, gọi đó là những tin đồn "vô nghĩa".

Phương Tây lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính ở Myanmar, trong khi Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định. Tuy nhiên, Trung Quốc đồng thuận tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức bị giam và bày tỏ quan ngại tình trạng khẩn cấp.

"Trung Quốc có quan hệ hữu nghị lâu dài với tất cả các đảng và phe phái ở Myanmar, gồm đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Tình hữu nghị với Trung Quốc luôn là sự đồng thuận của tất cả các bên ở Myanmar", ông Vương nói. "Dù tình hình Myanmar thay đổi thế nào, quyết tâm thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Myanmar của Trung Quốc sẽ không dao động, và phương hướng thúc đẩy hợp tác hữu nghị Trung Quốc - Myanmar cũng không thay đổi".

NLD, đảng của bà Suu Kyi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, quân đội cáo buộc xảy ra gian lận trong bầu cử và tổ chức đảo chính. Ủy ban bầu cử Myanmar bác cáo buộc của quân đội.

Một nhà vận động hành làng người Canada gốc Irael được quân đội Myanmar thuê hôm 6/3 nói rằng các tướng lĩnh muốn rời chính trường sau cuộc đảo chính và tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ, tách khỏi Trung Quốc. Người này cáo buộc chính phủ của bà Suu Kyi thúc đẩy quan hệ gần gũi với Trung Quốc để "lấy lòng" các tướng quân đội.

Hàng trăm nghìn người Myanmar đã biểu tình phản đối đảo chính trong tháng qua, bất chấp bạo lực từ lực lượng an ninh. Một số cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, với những người biểu tình cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ chính quyền quân sự. Trung Quốc, nước có lợi ích kinh tế và chiến lược quan trọng ở Myanmar, nói không được thông báo trước về cuộc đảo chính.

Theo Vnexpress