Đến nay, mùa Đại hội cổ đông ngân hàng đã đi qua quá nửa và vẫn tiếp tục là một năm buồn cho các cổ đông khi nhiều ngân hàng vẫn nói không với cổ tức.
Nhiều năm không một xu cổ tức
Tại ĐHCĐ một ngân hàng cổ phần T. mới đây, mặc dù chưa đến phần thảo luận, 3 cổ đông của ngân hàng đã lần lượt đứng lên chất vấn một cách gay gắt về việc tại sao từ năm 2011 đến nay ngân hàng quên quyền lợi của cổ đông, không chia một xu cổ tức cho cổ đông, trong khi thù lao của lãnh đạo vẫn cao.
Đáp lại thắc mắc này, vị Chủ tịch ngân hàng trên đã phải dành thời gian rất lâu để trần tình mong cổ đông hết sức bình tĩnh và thông cảm.
Theo vị lãnh đạo này, việc ngân hàng không chi trả cổ tức vì muốn giữ lại lợi nhuận để tăng năng lực cạnh tranh và sắp tới sẽ áp dụng Basel II, cần phải có giai đoạn chuẩn bị để áp dụng tuân theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
"Việc chia cổ tức hay không chia cổ tức, tôi cũng là cổ đông nếu các quý vị được 1 thì tôi được nhiều hơn chút, các quý vị không được chia tôi cũng không được chia. Không chia cổ tức vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu, ngân hàng không ai rút đi 1 đồng nào của cổ đông cả”, ông phân trần.
Ví dụ trên đây là minh chứng điển hình cho nỗi mong ngóng vô vọng nhiều năm của cổ đông. Còn cổ đông của những ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu như SCB, TPBank, VietABank,... đã xác định rõ họ sẽ còn phải "nhịn" cổ tức thêm một thời gian nữa.
"Các lãnh đạo cứ nói không ăn còn để đấy nhưng để lâu lắm rồi, chúng tôi muốn được chia năm nay đã, được năm nào hay từng ấy cho đỡ xót xa khi nhiều năm đầu tư vào ngân hàng mà không sinh lời, thậm chí muốn bán cổ phiếu mà giá thấp và vô cùng khó bán", một cổ đông ngân hàng buồn bã chia sẻ.
Rất hiếm được nhận cổ tức bằng "tiền tươi thóc thật"
Câu chuyện cổ tức không chỉ diễn ra kịch tính ở các ngân hàng nhỏ mà vẫn có phần căng thẳng tại chính các ngân hàng lớn có lợi nhuận dẫn đầu thị trường.
Mới đây, cổ đông của BIDV đã phân bì tại sao lợi nhuận thuần cho cổ đông rất cao so với nhiều ngân hàng như Vietcombank mà cổ đông của họ còn chia 10% cổ tức. Vậy tại sao BIDV lại không chia cổ tức theo kế hoạch ban đầu mà giảm xuống 8,5% và trả bằng cổ phiếu?
Giải đáp vấn đề này, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết việc thực hiện chia cổ tức còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Sau khi sáp nhập với ngân hàng MHB, số lượng cổ phiếu của BIDV tăng lên đồng nghĩa số lượng cổ phiếu chia cổ tức tăng lên nên sẽ khó giữ đượcc mức cổ tức như ban đầu.
Nếu thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, việc thực hiện tăng vốn hơn 9,4 nghìn tỷ trong năm nay sẽ rất khó. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng là chỉ đạo của NHNN, ngân hàng sẽ dùng nguồn lực đó để tăng năng lực tài chính của ngân hàng.
"Chúng tôi thấy 8,5% là phù hợp, không thấp hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, vẫn đảm bảo lợi ích của cổ đông đồng thời mong cổ đông thông cảm chia sẻ đóng góp với ngân hàng", vị lãnh đạo trên lý giải.
Năm 2015, nhiều ngân hàng đã được NHNN phê duyệt chia cổ tức bằng cổ phiếu như VPBank, ACB, Nam Á...Theo lãnh đạo của NHNN, cơ quan này đang khuyến khích các ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực vốn.
Lý do, thời gian qua, tổng tài sản của các ngân hàng tăng quá nhanh trong khi vốn chủ sở hữu lại quá thấp, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) giảm mạnh. Vì vậy, cùng với việc tìm kiếm đối tác để phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu thưởng…, thì trả cổ tức bằng cổ phiếu là một trong những giải pháp hữu hiệu để các ngân hàng tăng vốn trong thời gian tới.
Hơn nữa, trong quá trình ngành ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động. Việc tăng trích lập dự phòng làm lợi nhuận sụt giảm nên cổ tức chia cho cổ đông không như trước đây, khiến nhiều cổ đông bức xúc.
Theo quan sát của người viết, không khí ĐHCĐ năm nay sẽ còn căng thẳng và nóng bỏng bởi nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục xin cổ đông không chia cổ tức, để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, nhất là các nhà băng sau sáp nhập.
Theo Trí thức trẻ