Trong mùa họp đại hội đồng cổ đông năm 2015, một loạt ngân hàng thương mại (NHTM) bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế mức chia cổ tức bằng tiền mặt. Ví dụ, Ngân hàng Liên Việt dự kiến chia 10% nhưng chỉ được NHNN duyệt mức 6%, Ngân hàng Quốc tế dự kiến chia 11% nhưng chỉ được NHNN duyệt mức 9%... Liệu câu chuyện này có còn lặp lại trong mùa họp đại hội đồng cổ đông năm 2016?
Lý do khống chế mức chia cổ tức được đại diện NHNN phát biểu ngay tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2015 của một số ngân hàng là “thực hiện chủ trương tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng”.
Lý do này, theo lãnh đạo một NHTM, mới nghe qua thì rất chính đáng, song bản thân nó chứa đựng mâu thuẫn. Theo quy định của chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), các TCTD phải thực hiện phân loại và trích lập dự phòng đầy đủ để phòng ngừa rủi ro theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, luật yêu cầu các TCTD phải lượng hóa và đưa toàn bộ giá trị rủi ro sau khi lượng hóa vào chi phí, có như vậy, lợi nhuận kế toán mới phản ánh lợi nhuận “thực” của TCTD. Nguyên tắc thận trọng này được áp dụng với mọi doanh nghiệp, nhưng đặc biệt khắt khe đối với các định chế có nhận tiền gửi của người dân như các NHTM.
Như vậy, việc khống chế mức chia cổ tức của các TCTD chỉ có thể hiểu được khi NHNN đồng thời thừa nhận, hoặc là các quy định về phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD chưa phản ánh đúng mức độ rủi ro tài sản của các TCTD hoặc là NHNN đã... “dung túng” cho các TCTD thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn tái cơ cấu các ngân hàng vừa qua, đây là điều hoàn toàn hiểu được. Ngoài việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) với mục đích “nhốt” nợ xấu cho các TCTD, cho phép các NHTM được cơ cấu lại khoản vay nhưng giữ nguyên nhóm nợ, NHNN còn ban hành một loạt cơ chế đặc biệt cho phép các TCTD được xử lý nghiệp vụ các vấn đề phát sinh mà có thể dự đoán chủ yếu xung quanh việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, để giải quyết nợ xấu, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mà mới đây nhất là của ông Nguyễn Xuân Thành (ở Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, tại báo cáo “Ngân hàng thương mại Việt Nam: Từ những thay đổi về luật và chính sách giai đoạn 2006-2010 đến các sự kiện tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015”), giải pháp duy nhất và rốt ráo là tăng vốn cho các NHTM.
Như vậy, việc NHNN không cho phép các TCTD chia cổ tức cho các cổ đông có thể là lợi bất cập hại. Với những biến động lình xình trên thị trường chứng khoán trong cả giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng vừa qua, lợi nhuận về vốn là không mấy hấp dẫn, nên cổ tức tiền mặt càng trở nên quan trọng đối với các nhà đầu tư. Điều này không chỉ đúng với các nhà đầu tư cá nhân, mà còn đúng cả với các nhà đầu tư tổ chức.
Cũng như việc NHNN định sẵn các tiêu chuẩn phân loại và trích lập dự phòng rủi ro cho các TCTD, các nhà đầu tư tổ chức cũng định giá cổ phiếu theo các tiêu chuẩn định sẵn, trong đó, cổ tức bằng tiền mặt là một tiêu chí hết sức quan trọng. “Chúng tôi cũng có những quy trình định giá khá cứng nhắc để hỗ trợ cho quyết định đầu tư của mình... Nếu NHNN đúng khi giúp các NHTM làm đẹp báo cáo tài chính, thì cũng với lý do đó, NHNN nên cho phép các NHTM được chia cổ tức bằng tiền mặt”, một chuyên viên quản lý tài sản đề nghị được giấu tên nói.
Theo một số ý kiến khác, hạn chế các NHTM chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt nếu đây không phải là chủ trương của chính ngân hàng được cuộc họp đại hội đồng cổ đông thông qua.
Thực tế cho thấy tốc độ tăng vốn chủ sở hữu của các TCTD trong năm 2015 chỉ ở mức 5,65% so với mức tăng 16,4% của vốn tự có (tức là tăng từ các nguồn nội bộ của TCTD do việc phát hành vốn cấp 2 được tính vào vốn tự có của NHTM trong năm 2015 là không đáng kể). Ngay cả khi toàn bộ khoản tăng vốn điều lệ được huy động từ bên ngoài (thực tế nhiều TCTD tăng vốn điều lệ cũng bằng các nguồn tích lũy), có thể thấy nguồn vốn từ bên ngoài đổ vào các NHTM là rất nhỏ so với nguồn vốn tự tích lũy mà một phần không nhỏ là từ các “sáng tạo tài chính”, theo vị này.
Bước sang 2016, các “sáng tạo tài chính”, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sẽ không thể phát huy tác dụng như những năm trước đó do việc áp dụng đầy đủ các quy định của Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ tháng 4-2015.
Trong năm 2015, tổng tài sản của các TCTD đã tăng lên 12,35%. Năm 2016 này, các TCTD kỳ vọng mức tăng còn cao hơn nữa do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Vì vậy, việc huy động nguồn vốn từ bên ngoài sẽ là một trong những mục tiêu trọng tâm của các NHTM trong năm nay. Đây là một lý do có thể lý giải cho đợt tăng lãi suất ồ ạt đang diễn ra ở các ngân hàng, song nó chưa phải nguồn cơn duy nhất của cơn sóng lãi suất đang làm đau đầu các doanh nghiệp này.
Cổ tức và các phương án tăng vốn điều lệ có thể dự báo vẫn là các điểm nóng nhất của mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay của các NHTM. Thị trường có quyền yêu cầu và hy vọng một cách hành xử mới của NHNN về quyền tự quyết của các NHTM trong chính sách cổ tức!
Theo TBKTSG