Nỗi lòng nhà đầu tư ngoại

Trò chuyện với Đầu tư Bất động sản cuối tuần qua, ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch Keller Williams Commercial Northern Việt Nam tỏ ra bức xúc với cách đặt vấn đề trên một phương tiện truyền thông về việc các “cò đất thời mới dựa hơi thương hiệu ngoại để hớt váng”!?
Nỗi lòng nhà đầu tư ngoại

Hoạt động ở môi trường nào sẽ phải tuân theo những quy chuẩn pháp luật ấy, nên nói chuyện “dựa hơi” để “hớt váng” là khó. Nhưng điều khiến ông Đăng băn khoăn là những rào cản với nhà đầu tư ngoại vào thị trường bất động sản dường như vẫn lớn, kể cả rào cản từ cái nhìn dò xét với các nhân tố mới. Dù với Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 tới đây, chính sách đã và đang bắt đầu hé dần cho những người không mang quốc tịch Việt vào sở hữu, kinh doanh bất động sản.

Chuyện là mới đây, một sự kiện rất được thị trường quan tâm khi Vingroup, thương hiệu bất động sản số 1 Việt Nam bắt tay với Keller Williams trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và thương mại tại mọi dự án bất động sản mà Tập đoàn Vingroup triển khai. Sự kiện này cũng đánh dấu mốc cho sự thâm nhập của thương hiệu Keller Williams vào thị trường Việt Nam.

Đây là một động thái đáng mừng. Nhất là khi Keller Williams là công ty dịch vụ bất động sản đứng đầu thế giới với trên 112.000 đại lý môi giới và lượng giao dịch năm 2014 đạt tổng giá trị 185 tỷ USD. Điều này thể hiện thị trường bất động sản Việt Nam đang bắt đầu được “tính đến” trong các bài toán kinh doanh của các đại gia địa ốc ngoại.

Dĩ nhiên, đặt chân vào một thị trường mới luôn là điều cần suy tính. Với Keller Williams thì dù “vùng đất mới” giàu tiềm năng đến đâu cũng không dễ để họ phải đánh mất mình, kể cả với hình thức nhượng quyền kinh doanh thương hiệu. Theo ông Đăng, để đối tác trong nước được sử dụng thương hiệu này, cùng với rất nhiều quy chuẩn, các nhân sự sẽ phải lần lượt theo học khoảng 70 khóa ngắn dài về dịch vụ môi giới, tư vấn theo “giáo trình” của Keller Williams.

Trong khi đó, thực tế thì giai đoạn để có thể "hớt váng" thị trường địa ốc kiểu “đánh nhanh rút gọn” cũng đã qua từ lâu!

Từ câu chuyện nhỏ này mở ra một câu hỏi lớn hơn là liệu thị trường bất động sản Việt Nam đã thực sự mở đủ để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài? Nếu nhìn từ yếu tố “thiên thời, địa lợi” thì rõ ràng, bất động sản Việt Nam đang có cơ hội lớn!

Như một quy luật “hết cơ bĩ cực đến hồi thái lai”, sau 6 - 7 năm trầm lắng, khủng hoảng, thị trường đang đón một làn gió tươi mới từ cả cung lẫn cầu. Thể hiện qua thanh khoản gần đây cứ sau mỗi quý lại đón một kỷ lục mới. Đó là thiên thời!

Tới đây, hàng loạt hiệp định thương mại sẽ được ký kết, đặc biệt là TPP. Khả năng đón dòng vốn FDI nói chung và vốn vào địa ốc nói riêng là rất lớn. Điều này được ông Timothy Horton, Giám đốc điều hành Cusman & Wakefield Việt Nam xác tín khi chia sẻ với người viết rằng, hàng loạt nhà sản xuất lớn trên thế giới, nhất là ngành công nghiệp kỹ thuật cao và công nghiệp phụ trợ đang có những động thái chuyển “đại bản doanh” về Việt Nam.

Lạc quan hơn, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội còn nhận định, 2015 sẽ là một năm phát triển đầy hứng khởi của bất động sản Việt Nam.

Và trên thực tế, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, hiện các nhà đầu tư ngoại đã rót tới 48,4 tỷ USD vào bất động sản Việt Nam tính đến ngày 20/3/2015. Lĩnh vực này tiếp tục giữ vị trí á quân trong các ngành thu hút vốn ngoại nhiều nhất.

Nên nói như CEO Cusman & Wakefield Việt Nam, rằng bất động sản Việt Nam đang trở thành một đối thủ đáng gờm trong thu hút đầu tư ở châu Á, thiết nghĩ cũng không phải quá lời. Và đó chính là địa lợi!

Vậy thì đâu là nhân hòa?

Có lẽ đó là việc cụ thể hóa những điểm tiến bộ của chính sách mới vào cuộc sống, là bớt đi những nghi ngại về việc nhà đầu tư ngoại sẽ đổ vốn vào tạo bong bóng nhà đất.

Đó là những điều cả thị trường chờ đợi. Tiếc thay, lộ trình này có vẻ đang diễn ra khá chậm. Bên cạnh đó, còn có những điểm khá khó hiểu, chẳng hạn như khi Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản không có một chữ nào cụ thể hóa quyền được kinh doanh địa ốc của nhà đầu tư ngoại (?).

Câu chuyện những tinh thần đổi mới của chính sách rơi rụng dần trong quá trình áp dụng không phải chưa có tiền lệ. Chưa kể cái tâm thế dò xét, định kiến, dù nhỏ như trường hợp của Keller Williams có thể là điều khiến người ta còn e ngại về yếu tố… “nhân hòa”!             

Theo ĐTCK