Từ câu chuyện khoa học viễn tưởng được viết bởi Isaac Asimov 8 thập niên trước đây đến bộ phim hoạt hình "Dilbert" hôm nay, mối quan hệ giữa robot và con người từ lâu luôn có sức hấp dẫn và... làm cho con người phải lo lắng.
Thậm chí đã xuất hiện một thuật ngữ, "robophobia," (nỗi khiếp đảm robot) để diễn tả sự lo lắng vô lý trước robot và các máy móc tự động hóa tiên tiến khác.
Và có cả những lo ngại quá mức bùng phát ở một số người do xem quá nhiều phim "Terminator" (Kẻ hủy diệt).
Steve Wozniak - người đồng sáng lập hãng máy tính Apple đi trước thời đại từng đưa ra ý kiến cho rằng rồi đây robot sẽ biến chúng ta thành vật nuôi của chúng. Nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking và doanh nhân công nghệ Elon Musk cũng đã cảnh báo về mối nguy hiểm khi con người đi quá xa, quá nhanh, trong việc phát triển "những con robot biết suy nghĩ" với trí tuệ được lập trình có thể cho phép hình thành sự tự nhận thức, tương tự như loài máy người trong loạt phim "Westworld " của hãng HBO.
Từ năm 2014, Stephan Hawking đã nói với BBC rằng, "phát triển đầy đủ trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến sự kết thúc của nhân loại."
Chuyện là thế này, các nhà nghiên cứu hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về dự báo, còn bao lâu nữa tính từ bây giờ thì mối đe dọa như vậy có thể tồn tại.
Cho đến nay, số vụ tai nạn gây chết người do robot chỉ là rất nhỏ trong số các vụ tai nạn công nghiệp. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 2015, tại một nhà máy sản xuất phụ tùng nhựa cho ô tô ở Ionia, bang Michigan (Mỹ), một nữ kỹ thuật viên 57 tuổi đã bị một robot gây tử vong. Ông chồng đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang, cáo buộc một robot bị hỏng hóc “bất ngờ” lôi bà xuống và đập vào đầu.
Với tư cách là giám đốc công nghệ cho một tổ chức công - tư đang tìm cách nỗ lực thúc đẩy giải pháp sản xuất robot tại Hoa Kỳ, giáo sư Howie Choset của Đại học Carnegie Mellon (Pittsburgh) cảm nhận thấy sứ mệnh của mình gặp nhiều khó khăn bởi sự lo ngại rằng robot lấy đi việc làm của con người.
Ông nói: “Bạn phải bắt đầu cuộc thảo luận này với tiền đề là việc tự động hóa và đổi mới tạo thêm việc làm”, bởi nó sẽ tạo ra các sản phẩm mới, quy trình mới và những chỗ làm mới để vận hành các sản phẩm đó.
"Sau đó, bạn phải tự hỏi mình, tại sao robot lại phải khác biệt? Rồi ngay lập tức, mọi người đều nói, 'Đúng rồi, robot thông minh, chúng làm được những gì con người có thể làm, và sự sợ hãi này chính là thứ được thẩm thấu qua khoa học viễn tưởng".
So sánh sự lo ngại robot hiện nay với nỗi sợ hãi tác động của động cơ hơi nước vào thế kỷ 19, giáo sư Choset nói: "Robot đâu có gì đáng sợ, chúng chỉ là thế hệ kế tiếp của các công cụ mà thôi".
Ca sĩ Aimee Mann, với sự trợ giúp của nữ diễn viên Laura Linney, đã miêu tả một cách hài hước sự nguy hiểm khi để cho robot giúp bạn quá nhiều trong MV “Mr Robot” (Ngài Robot).
Giáo sư Choset đã thích thú bởi cột tranh hài hước "Dilbert" gần đây về chuyện một ông chủ không thể ngăn nhân viên robot khi ‘anh này’ quyết định bỏ việc.
Chris Boggess, năm nay 18 tuổi, thấy thật đáng sợ khi xem bộ phim "Tôi là Robot" sản xuất năm 2004, nói về một robot sát thủ giả mạo, được xây dựng dựa trên các truyện ngắn của Asimov, nhưng rồi cậu đã dần hiểu ra vấn đề và bắt đầu đánh giá cao tiềm năng của các người máy thông qua chương trình Công nghệ Robot Butler Tech tại Trường Trung học Colerain gần thành phố Cincinnati.
"Ngày đầu tiên tôi đến đây, tôi đã cảm thấy thích thú. Tôi biết đây là nơi tôi cần phải đến" Boggess nói. "Tôi thích robot, thích bất cứ điều gì liên quan đến công nghệ."
Nếu đến một ngày nào đó các robot biết suy nghĩ có được năng lực đe dọa con người, cậu nói, "Tôi sẽ gắng để làm bạn với chúng".