Tờ Asia Times Online Hồng Kông ngày 31/8 cho rằng mặc dù quan chức ngoại giao hai nước Mỹ và Nga đã tìm cách để đạt được đồng thuận về giải quyết vấn đề Syria, nhưng cùng với các bên trong cuộc xung đột có lập trường đối lập nhau, tình hình thực tế của Syria lại bắt đầu thay đổi.
Hiện nay, người Kurd và quân Chính phủ Syria đang tiến hành đối đầu trực tiếp, rất nhiều nước trong và ngoài khu vực đều trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh này. Điều này có thể sẽ làm sâu sắc thêm “đường đứt gãy” sắc tộc và làm cho xung đột lan rộng khắp khu vực Trung Đông.
Do Mỹ ủng hộ người Kurd chiến đấu với quân Chính phủ Syria, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ủng quân Chính phủ Syria. Người Kurd trong lãnh thổ của Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị ép phải phản ứng với cuộc chiến tranh này.
Điều này sẽ khiến cho các sắc tộc thiểu số sẽ tiếp tục mất đi lãnh thổ.
Cho dù cuộc chiến chống IS cuối cùng có thể giành chiến thắng, nhưng xung đột sắc tộc đang nổi lên ở Syria hiện nay cho thấy có dấu hiệu leo thang căng thẳng. Trung Đông hiện đại có thể sẽ tiếp tục gây ra phiền phức cho bản thân mình.
Những thông tin về các chiến binh người Kurd (được Mỹ ủng hộ) phát động tấn công đối với quân Chính phủ Syria ở thành phố Al Hasakah hoặc ngược lại đã bắt đầu xuất hiện vào ngày 21/8/2016.
Thành phố Al Hasakah nằm ở khu vực đông bắc Syria, chủ yếu do người Kurd kiểm soát. Cuộc chiến xảy ra ở thành phố này là cuộc đối đầu bạo lực nhất hơn 5 năm qua giữa lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) và Damascus.
Cuộc xung đột này đang xảy ra dưới sự yểm trợ của Quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ triển khai lực lượng mạnh ở thành phố này và đang lãnh đạo YPG.
YPG đã trải qua một thời gian tương đối dài đóng vai trò nòng cốt trong cuộc chiến chống IS do Mỹ lãnh đạo. Họ hầu như đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại quân Chính phủ Syria - điều này đương nhiên cũng có nghĩa là tấn công Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi máy bay chiến đấu Mỹ và Syria xảy ra đối đầu, Washington tuyên bố rõ ràng là sẽ "áp dụng mọi hành động cần thiết" để bảo vệ các binh sĩ đặc nhiệm trên chiến trường.
Trong cuộc chiến này, các nước như Saudi Arabia đã phát hiện lại có một cơ hội có thể làm “trọng thương” quân Chính phủ Syria và làm cho những thành quả chiến đấu chống IS của họ tiêu tan.
Saudi Arabia từng đề nghị cung cấp viện trợ tài chính và quân sự cho lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria để họ có thể tiếp tục chiến đấu với quân Chính phủ Syria.
Mặc dù trên 5 năm qua giữa người Kurd và quân Chính phủ Syria đã tiến hành rất nhiều hợp tác, nhưng Saudi Arabia nhiều lần cung cấp hỗ trợ cho các hành động chiến đấu của người Kurd nhằm vào quân Chính phủ Syria. Điều kiện trao đổi chính của họ chính là tiếp tục chiến đấu ở khu vực kiểm soát của người Kurd trong lãnh thổ Syria.
Cuộc chiến này không chỉ mở rộng ở Syria, hơn nữa đang chuyển hướng sang xung đột sắc tộc tồi tệ. Điều này có thể sẽ đe dọa đến cục diện chiến trường vốn đã nguy hiểm.
Thành công của người Kurd trong cuộc chiến chống IS ở Syria chắc chắn đã giúp họ giành được lãnh thổ cho mình, từ đó giúp họ trở thành một lực lượng mạnh ở Syria và trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp quyết định tương lai của Syria - bất kể ông Bashar Assad có tiếp tục cầm quyền hay không.
Họ đang tìm cách củng cố những thành quả may mắn có được nhờ sự giúp đỡ của Mỹ.
Quan chức Liên minh Đảng Dân chủ Người Kurd (PYD) - một trong những đảng phái chính của người Kurd ở Syria - cho biết sự cảnh cáo của Mỹ còn lâu mới đủ.
Ông nói: "Trước đó, Lầu Năm Góc từng bày tỏ lập trường, nhưng chúng tôi cần nhiều hơn thế. Sự im lặng của liên minh quốc tế không phải là việc tốt. Chiến tranh đang mở rộng". Quan điểm này có nguồn gốc từ nhận thức: Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã đồng ý làm thay đổi những thành quả mà người Kurd đã đạt được trong cuộc chiến chống IS cho đến nay.
Quan chức PYD Abdullah Salam Ahmed nói: "Đây là kết quả đồng thuận (thủ tiêu thành quả của người Kurd ở Syria) của Nga, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy không hài lòng với chiến thắng gần đây của họ (người Kurd) ở Manbij... Thổ Nhĩ Kỳ muốn ngăn chặn người Kurd".
Trái lại, cơ sở cho quan điểm của chính quyền Syria là phải làm được việc dưới đây: Xóa sạch các phần tử khủng bố IS ở khu vực này và để Syria thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhằm ngăn chặn ly khai.
Quyết định bản chất liên quan đến thống nhất "quốc gia" hay thống nhất "sắc tộc" - nó chắc chắn sẽ làm cho cuộc chiến ở Syria trở thành một cuộc "nội chiến" điển hình, nhưng rất nhiều các sắc tộc khác và nhóm thiểu số tôn giáo sẽ cảm thấy rơi vào tình cảnh khó khăn.
Rất nhiều người đều cảm thấy lo ngại cho lợi ích của người Ả rập và các sắc tộc thiểu số khác ở thành phố do người Kurd kiểm soát.
Có một số bài báo cho rằng, cùng với cuộc chiến tiếp tục diễn ra gay gắt, vài nghìn người không phải dân tộc Kurd, trong đó có các tín đồ Cơ đốc giáo đã chạy trốn đến nông thôn.
Cùng với cuộc tranh giành quyền kiểm soát giữa các nhóm sắc tộc "đa số" gây sức ép cho các nhóm sắc tộc "thiểu số", vấn đề sắc tộc rất có khả năng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, hơn nữa xét tới tình hình sắc tộc đa dạng của Trung Đông, vấn đề sắc tộc có lẽ sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nước.
Nếu một cuộc "xung đột sắc tộc" nổi lên ở khu vực này, rất nhiều quốc gia Ả rập yếu sẽ phát hiện ra bản thân họ đã đi đến bờ vực của ly khai sắc tộc và có khả năng cuối cùng bị sụp đổ.
Những nước ổn định nhất như Ai Cập và Iran có thể sẽ duy trì toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững lập trường của họ trong cuộc chiến này, bởi vì họ có lực lượng phòng thủ mạnh và có sự kiểm soát ý thức hệ vững chắc đối với chính quyền.
Các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Yemen, Syria, Iraq, Saudi Arabia, Kuwait và Qatar yếu hơn nhiều. 3 nước sau đều nhận được sự hỗ trợ của phương Tây, nhưng cũng yếu ớt và phức tạp.
Cục diện căng thẳng sẽ nổi lên sau khi IS bị đánh bại, bởi vì hiện nay giữa các sắc tộc như người Ả rập phái Sunni, người Ả Rập phái Shiite, người Kurd phái Sunni, người Turkmen phái Shiite, tín đồ Cơ đốc giáo và người Yazidi hoàn toàn không đạt được các thỏa thuận rõ ràng.
Điều làm cho vấn đề càng trở nên phức tạp là hầu như tất cả các sắc tộc đều dùng các loại cách thức để tham gia xung đột quân sự và gia nhập vào một bên hoặc một bên khác, từ đó làm cho tình hình trở nên đậm tính chất bạo lực, đến nỗi không thể tiến hành đàm phán giải quyết hòa bình chỉ bằng các nhóm sắc tộc chủ yếu.
Điều này có nghĩa là nếu chiến tranh đang lan rộng thì tiến trình đàm phán cũng sẽ phải mở rộng tương ứng, phải có tính đại diện hơn thì mới có tính khả thi.