Thống kê của VietTimes từ báo cáo tài chính quý 1/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, tổng dư nợ cho vay khách hàng (thị trường 1) tại thời điểm 31/3/2023 đạt 8,81 triệu tỉ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm.
Trong đó, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) của 27 ngân hàng đạt 155.081,5 tỉ đồng, tăng 27% so với đầu năm; khiến tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ mức 1,44% hồi đầu năm lên 1,75% tại cuối quý 1/2023.
Chất lượng tín dụng các ngân hàng đã xấu đi đáng kể khi nợ cần chú ý (nhóm 2) tăng 42,5%, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 80,2%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 33,3%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 2,9%.
Còn theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,91% vào cuối tháng 2 năm nay, so với 2% thời điểm cuối năm ngoái.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận nợ nhóm 5 tăng 12,9% sau 3 tháng đầu năm 2023. Nợ nhóm 2 của BIDV cũng tăng 44,6%, nợ nhóm 3 tăng 3,2 lần, nợ nhóm 4 tăng 59,1%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,15% lên 1,54%.
Xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Viecombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) khi nợ nhóm 2-4 tăng mạnh.
Cụ thể, nợ nhóm 2 của Vietcombank tăng 84,7%, nợ nhóm 3 tăng hơn 6 lần, còn nợ nhóm 4 tăng 25,2%. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ mức 0,68% lên 0,84%.
Với VietinBank, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm của nhà băng này đạt 4,57%. Số dư nợ xấu tăng 7,8% lên 17.035,4 tỉ đồng (riêng nợ nhóm 4 tăng gấp đôi lên 4.565 tỉ đồng). Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,23% lên 1,27%.
Ngoài ba ‘ông lớn’ quốc doanh, 15 ngân hàng thương mại cổ phần cũng ghi nhận xu hướng tăng ở cả ba cấu phần nợ nhóm 2 - 4, bao gồm: ABBank, ACB, Eximbank, MB, MSB, NCB, OCB, SaigonBank, SHB, SeABank, Techcombank, TPBank, VietABank, VietBank và VIB.
Trong đó, MB là nhà băng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh nhất với giá trị nợ nhóm 3 tăng hơn gấp đôi; nợ nhóm 4 tăng 32,9%, nợ nhóm 5 tăng 47,2%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,09% lên 1,75%.
Tương tự, nợ nhóm 2 của TPBank tại cuối quý 1/2023 tăng gấp 2,2 lần so với đầu năm, nợ nhóm 3 tăng gấp 3,1 lần, còn nợ nhóm 4 tăng 63,6%. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 0,84% lên 1,44%.
Một số nhà băng quy mô nhỏ hơn như ABBank, OCB, VietBank, VIB cũng ghi nhận nợ nhóm 3-5 trên tổng dư nợ (báo cáo tài chính hợp nhất) vượt quá 3%. Tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
Tích cực tăng vốn
Trước áp lực nợ xấu gia tăng, một số ngân hàng đã chủ động gia cố bộ đệm dự phòng. Như Vietcombank thực hiện tăng quy mô trích lập thêm gần 30% so với đầu năm, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 300%.
Ngoài tăng trích lập, VietinBank đã sử dụng hơn 7.000 tỉ đồng để xử lý các khoản nợ khó đòi, giúp quy mô nợ nhóm 5 giảm hơn 30%.
Nhưng vấn đề là chỉ ít nhà băng có điều kiện để gia cố đệm phòng thủ. Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của VnDirect viết: "Đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm so với quý trước".
Tình hình chung diễn biến kém khả quan nhưng nhiều ngân hàng vẫn đề ra kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng trong năm nay.
Với nhóm "big 4", Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18,1% để tăng vốn lên 55.891 tỉ đồng. BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỉ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng. Còn VietinBank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 66.030 tỉ đồng.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, VPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 12.207 tỉ đồng, lên mức 79.339 tỉ đồng; TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 6.199 tỉ đồng, lên mức 22.016 tỉ đồng; MB dự kiến tăng vốn thêm 9.023,5 tỉ đồng, lên mức 53.683 tỉ đồng./.