Theo ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp của IFC Việt Nam, các quy định hiện hành mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường mua bán nợ, nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, ‘đá đi đá lại’ giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.
“Thời điểm này, có thể là lúc Việt Nam phải cho thế giới thấy sự nghiêm túc trong vấn đề xử lý nợ xấu, muốn hoạt động kinh doanh nợ xấu thực sự diễn ra”, ông Darryl Dong nói.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nếu Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu thì phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa thì cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình.
"Biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường", ông Darryl Dong đề xuất.
Đồng tình với quan điểm của đại diện IFC Việt Nam, TS. Võ Trí Thành cho rằng cần cân nhắc lại cách tiếp cận xây dựng quy định xử lý nợ xấu, bởi vướng quá nhiều luật và các bên liên quan, để thực sự phát triển thị trường nợ xấu thì cũng có nhiều bên liên quan, công cụ xử lý đa dạng và còn phát triển nên sẽ có sự chồng chéo luật và công cụ.
Do đó, TS. Võ Trí Thành đề xuất 2 phương án xử lý nợ xấu. Một là cân nhắc xây dựng bộ luật riêng. Hai là khi tình hình nợ xấu đang căng thẳng thì trong khi chờ xây dựng bộ luật ấy thì cần có Nghị quyết mới để xử lý vấn đề trước mắt.
Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng một luật riêng như đại diện IFC đề xuất là ‘không khả thi về mặt thời gian’.
Ông Hiếu cho rằng, cần có quy định đặc biệt, đặc thù và cần cơ chế để gia tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, việc xử lý tài sản đảm bảo không nên chỉ giới hạn ở bất động sản mà phải mở rộng hơn nữa. “Tôi mong muốn rằng luật (Luật các TCTD (sửa đổi) – PV) sẽ tính đến lợi ích chủ nợ, người vay nợ, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay nợ”, ông Hiếu nói.
Xử lý nợ xấu không đồng nghĩa với 'người xấu, doanh nghiệp xấu'
Phát biểu tại buổi hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên VIAC – cho rằng, cần phải tách biệt quan điểm xử lý nợ xấu không đồng nghĩa với 'người xấu, doanh nghiệp xấu, ngân hàng xấu'.
Theo ông Đức, nợ xấu không phải là sở hữu của ngân hàng mà của doanh nghiệp, người đi vay. Vì vậy, phải làm nợ xấu tốt lên.
“Trong thời gian qua, nợ xấu cao, lãi suất cao... và phong trào "bùng nợ" nên chúng ta cần nghĩ đến cơ chế, xử lý. Việc ban hành Nghị quyết 42 là tốt, nhưng chỉ là giải pháp tình thế”, ông Đức nói.
Vị chuyên gia này đề xuất, trong dài hạn, cơ quan quản lý cần xây dựng một luật chung về xử lý nợ xấu, có cơ chế cho người mua nợ kèm theo tài sản, kế thừa tiếp tục thu giữ, được quyền thế chấp.
Đồng tình với ý kiến của đại diện IFC, ông Đức cho rằng cần có cơ chế mở cửa để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc xử lý nợ xấu vì điều này sẽ tốt cho nền kinh tế.
Thực trạng nợ xấu đáng lo ngại
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỉ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý).
Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 19,7%).
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%).
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực”, ông Hùng nói.
“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, vị này cho biết./.