Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại tổ sáng ngày 24/10 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XIV, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết kết quả đạt được của nền kinh tế hiện nay so với giai đoạn 3 năm trước là sự nỗ lực cố gắng của cả nước, thành tựu được thế giới thừa nhận, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng hạng, tín nhiệm của các tổ chức tín dụng tăng lên...
GDP có khả năng vượt 6,7%, nhiều chỉ tiêu sẽ vượt
Về đánh giá tình hình thực hiện tăng trưởng GDP, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đang ước khoảng 6,7% theo chỉ tiêu Quốc hội, nhưng các tổ chức Quốc tế đánh giá tăng trưởng Quý IV sẽ cao hơn, do đó cả năm có thể cao hơn 6,7% và như vậy năng suất lao động của năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017 (tăng năng suất lao động 6%) và các chỉ tiêu TFP sẽ cải thiện hơn so với chỉ tiêu đưa ra.
Về các chỉ tiêu kinh tế xã hội, so với chỉ tiêu của Quốc hội thì đến 9 tháng chưa đạt nhưng cả năm sẽ đạt, có chỉ tiêu có khả năng vượt như xuất khẩu nông sản có khả năng đạt trên 40 tỷ USD; nông nghiệp dự kiến tăng trưởng 3,05% nhưng 9 tháng đã tăng 3,65% - giảm nhẹ áp lực cho các chỉ tiêu công nghiệp, xây dựng, du lịch- dịch vụ…
Phó Thủ tướng cũng cho biết lý do vì sao Chính phủ lại chỉ trình mục tiêu tăng trưởng 6,6- 6,8% thôi dù thực tế có thể cao hơn, là bởi chưa biết được điều gì sẽ xảy ra ở thương mại toàn cầu và có dấu hiệu lan ra các lĩnh vực khác ngoài thương mại. Lãi suất các nước tăng và áp lực lên nước ta. Đi kèm đó là chỉ tiêu xuất khẩu phải tính toán cẩn trọng, nếu đặt ra cao mà không được thì khó, nên chỉ tiêu xuất khẩu là 7- 8%, nhập siêu 3% để tính toán tổng cung cầu ngoại tệ - liên quan tới cân đối lớn tối thiểu của nền kinh tế thì vẫn chịu được để đề phòng. "Trung ương, Chính phủ thảo luận rất kỹ cái này rồi" – Phó thủ tướng nói.
Sẽ quyết liệt hơn để chống thất thu ngân sách, nhất là khu vực ngoài quốc doanh
Liên quan quản lý về ngân sách nhà nước thì ngân sách vượt 3% dự toán và khả năng sẽ cao hơn mức này, vượt 5% dự toán. Nhưng dự toán tăng do nguyên nhân khác. Một trong những lý do là ta đặt ra dự toán quá cao. Theo phó thủ tướng, nếu nhìn kỹ dự toán năm nay, 16 tỉnh có ngân sách điều tiết về trung ương thì các năm gần đây ra dự toán cao hơn 18% so với năm trước còn Tp.HCM và Hà Nội giao cho cao hơn 24% trong khi tăng trưởng kinh tế thì không cao được như vậy. Năm nay không giao cao như vậy nữa, bình quân 16 tỉnh thì chỉ giao tăng thu ngân sách cao hơn 12% và Hà Nội- TPHCM chỉ còn mười mấy % để "không phải è cổ ra thu ngân sách như trước nữa".
Còn có tỉnh giao dự toán thấp mà nếu vượt thu thì các tỉnh lại được dùng để tăng lương, tích lũy đầu tư mà trung ương không thể điều tỉnh vượt thu sang tỉnh hụt thu được mà vẫn dùng ngân sách bù cho tỉnh hụt thu và lần này vẫn trình tiếp 5.600 tỷ đồng bù hụt thu ngân sách trung ương và cấp 2.800 tỷ để cấp bù thiếu hụt cân đối ngân sách cho địa phương.
Đề cập đến chỉ tiêu số thu ngân sách đối với DNNN giảm nhanh, theo Phó Thủ tướng, vì tất cả DNNN cổ phần hóa đều chuyển thành kinh tế ngoài nhà nước (theo Luật DN) từ đó số thu từ DNNN giảm nhanh, nhưng sang năm chỉnh sửa lại khái niệm DNNN là DN có trên 51% vốn nhà nước theo NQ số 12 của Trung ương về cơ cấu lại DNNN thì số thu từ DNNN sẽ tăng lên. Tổng thu cân đối ngân sách từ dầu thô chỉ từ 4- 5% và tới năm 2019 dự kiến còn 3% thôi chứ không cao như trước nữa. Một mặt tính toán lại dự toán thu, mặt khác phải triển khai quyết liệt hơn chống thất thu, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Nợ nước ngoài tăng mạnh nhưng không đáng lo vì tăng ở khối tư nhân
Nhiều đại biểu băn khoăn là nợ nước ngoài của quốc gia tăng. Theo Phó thủ tướng thì nợ nước ngoài quốc gia gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Vừa qua có việc doanh nghiệp ThaiBev nhưng pháp nhân là doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam mua Sabeco khoảng 5 tỷ USD, vậy thì ngoài vốn chủ sở hữu thì họ cũng phải đi vay nên tính vào là nợ của quốc gia nhưng phần này không đáng ngại. Hay Vingroup đầu tư Vinfast làm ô tô nên phải vay nợ trên thị trường quốc tế nên nợ nước ngoài của khối tư nhân tăng nhanh. Nghĩa vụ trả nợ này không phải của Chính phủ mà là của các doanh nghiệp tư nhân ngoài nhà nước.
Phó thủ tướng cho biết, cơ cấu nợ trước đây là 60% là nợ nước ngoài 40% là nợ trong nước, thì nay được cơ cấu ngược lại 40 - 60%. Tuy nhiên lưu ý là cơ cấu nợ nước ngoài của Chính phủ giảm mạnh nhưng tư nhân thì tăng cao.
Nợ tư nhân tăng lên sẽ có rủi ro là tỷ giá và lãi suất đồng USD tăng lên nhưng Chính phủ đã biết và kiểm soát chặt điều này. Vinfast có ô tô bán thì có dòng tiền và nợ sẽ giảm, cũng giống như các dự án tư nhân khác đi vào hoạt động, có sản phẩm và dòng tiền thì sẽ giảm. Trước đây kỳ hạn trả nợ trong nước vay bình quân 2,3 năm nhưng năm nay phát hành là bình quân 15,8 năm và cơ cấu lại thì hiện nay tính bình quân thời gian trả nợ trên 7 năm, dài gấp 3 lần trước đây và tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách giảm xuống dưới 25% - mức báo động của quốc tế. Riêng bảo lãnh chính phủ thì cả năm ngoái không bảo lãnh gì, năm nay chỉ bảo lãnh 2 dự án quan trọng của ngành điện trong hạn mức của Chính phủ và hầu như 2019 thì hạn mức bảo lãnh cũng rất thấp.
Theo Trí thức trẻ
Link: http://cafef.vn/no-nuoc-ngoai-cua-doanh-nghiep-tu-nhan-tang-nhanh-20181024145937511.chn