Nikkei: Dây chuyền sản xuất Apple Watch và MacBook có thể chuyển dịch tới Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Apple đang trong quá trình đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook tại Việt Nam, trong bối cảnh tập đoàn công nghệ này tìm cách chuyển dịch dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Sản xuất những thiết bị tinh vi như Apple Watch có thể là bước tiến lớn trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển lĩnh vực sản xuất công nghệ (Ảnh: Reuters)
Sản xuất những thiết bị tinh vi như Apple Watch có thể là bước tiến lớn trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển lĩnh vực sản xuất công nghệ (Ảnh: Reuters)

Các nhà cung cấp của Apple, Luxshare Precision Industry và Foxconn, đã bắt đầu thử nghiệm sản xuất Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam với mục tiêu lần đầu tiên sản xuất ra thiết bị này ở bên ngoài Trung Quốc, Nikkei Asia dẫn lại 3 nguồn tin có hiểu biết về vấn đề này cho hay.

Việt Nam vốn đã là một trung tâm sản xuất quan trọng bậc nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm mũi nhọn cho công ty của Mỹ, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe AirPods.

Apple Watch thậm chí còn tinh vi hơn, theo các chuyên gia công nghiệp. Họ nói rằng đưa rất nhiều bộ phận vào bên trong một thiết bị có kích thước nhỏ như vậy đòi hỏi trình độ công nghệ cực cao. Sản xuất thiết bị này thành công sẽ là một chiến thắng đối với Việt Nam trong nỗ lực tăng cường lĩnh vực sản xuất công nghệ.

Apple cũng tiếp tục chuyển dây chuyền sản xuất iPad tới Việt Nam sau khi các lệnh phong tỏa chống COVID-19 ở Thượng Hải gây ra nhiều gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Hãng BYD ở Trung Quốc là bên đầu tiên hỗ trợ sự chuyển dịch này, mặc dù một số nguồn tin nói với Nikkei Asia rằng cả Foxconn cũng đang hỗ trợ xây dựng dây chuyền sản xuất iPad ở Việt Nam. Apple cũng đang đàm phán với các hãng cung ứng để xây dựng dây chuyền sản xuất thử nghiệm sản phẩm HomePod ở Việt Nam.

Về sản phẩm MacBook, Apple đã đề nghị các hãng cung ứng thiết lập một dây chuyền sản xuất thử nghiệm ở Việt Nam, theo 2 nguồn tin của Nikkei Asia. Tuy nhiên, quy trình chuyển dịch dây chuyền sản xuất đồ sộ tới Việt Nam đã bị chậm lại, một phần do sự gián đoạn mà dịch COVID-19 gây nên, bên cạnh đó còn do dây chuyền sản xuất MacBook liên quan tới một chuỗi cung ứng lớn hơn, theo nhiều nguồn tin. Mạng lưới này hiện đặt trung tâm là Trung Quốc và rất cạnh tranh về giá cả, họ nói thêm.

“AirPod, Apple Watch, HomePod và nhiều hơn nữa…Apple đang có nhiều kế hoạch lớn ở Việt Nam, ngoài việc sản xuất iPad ra,” Nikkei dẫn lời một người hiểu vấn đề này, nói. “Các linh kiện sản xuất MacBook đã trở nên đơn bộ hóa nhiều hơn so với trước kia, điều này giúp cho việc sản xuất chúng ở bên ngoài Trung Quốc dễ dàng hơn. NHưng làm thế nào để khiến chúng cạnh tranh về giá lại là một thách thức khác.”

Sự chuyển dịch của Apple sang Việt Nam đã bắt đầu với AirPod, thiết bị được sản xuất hàng loạt tại Việt Nam từ năm 2020. Mẫu tai nghe này nằm trong số những sản phẩm đầu tiên của Apple có công đoạn lắp ráp được chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc sau khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bùng phát dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Động thái này đánh tín hiệu về sự thay đổi hướng tiếp cận của Apple, vốn đã phải phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất các thiết bị của họ trong nhiều thập kỷ.

Theo Nikkei Asia, sự chuyển dịch của Apple – trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng – sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Số nhà cung ứng của Apple có cơ sở sản xuất ở Việt Nam đã tăng từ 14 lên ít nhất 22 trong năm 2018, theo dữ liệu của Nikkei Asia. Nhiều nhà sản xuất điện tử lớn khác như Google, Dell và Amazon cũng đã đặt dây chuyền sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc.

Eddie Han, chuyên gia phân tích đến từ hãng Isaiah Research, nói với Nikkei Asia rằng các hãng sản xuất điện tử đang cố gắng tạo thế cân bằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Xét về mặt địa lý, chúng ta có thế thấy rằng nhiều nhãn hiệu điện tử quốc tế như Apple và Samsung đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào việc sản xuất sản phẩm ở Trung Quốc. NHưng mặt khác, những tay chơi quốc tế này cũng chấp nhận thêm những nhà cung ứng có trụ sở tại Trung Quốc, như Luxshare và BYD với Apple, Huaqin đối với Samsung,” ông Han nói. “Đây là những động thái nhằm cân bằng những tác động về địa chính trị.”

“Vị thế nhà sản xuất quan trọng nhất thế giới của Trung Quốc đã bị thách thức kể từ khi cuộc thương chiến bùng nổ, và sau đó là do các chính sách zero-COVID,” ông Han nói. “Điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều hãng sản xuất thiết bị điện tử, trong lúc nước này đang dần dần phát triển hệ sinh thái chuỗi cung ứng.”

Nguồn: Nikkei Asia