|
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 đã được Trung Quốc triển khai trái phép ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa |
Nghiên cứu gần đây đã ủng hộ cho lập luận trên. Chuyên gia Andrew Erickson của Đại học hải chiến Mỹ mới đây đã chỉ ra rằng Trung Quốc đã tiến hành 44 lần ngăn chặn và cuối cùng dẫn đến vụ EP-3 năm 2001, chỉ 77 ngày sau khi tổng thống George W.Bush bước chân vào Nhà Trắng. Cuộc khủng hoảng này, theo ông Erickson, chỉ để “có ý thử thách những ý đồ của ông Bush và thuyết phục ông tìm đến cách tiếp cận hòa giải hơn với Trung Quốc”.
Tổng thống Obama cũng bị Trung Quốc thách thức chỉ 44 ngày sau khi ông nhậm chức, sự cố này liên quan đến tàu USS Impeccable. Theo ông Erickson, động thái này là một phần của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thử khí phách của ông Obama và xem liệu ông có thể bị tác động để giảm bớt các hoạt động giám sát và trinh sát hợp pháp của Mỹ trong vùng biển và không phận quốc tế hay không”.
Ông Kazianis đặt câu hỏi vậy Trung Quốc sẽ làm gì với ông Donald Trump? Hãy bớt tập trung vào những điều Trung Quốc sẽ làm mà thay vào đó là khi nào Trung Quốc sẽ hành động. Có thể sẽ rất sớm thôi, ngay thời điểm bây giờ chẳng hạn.
Hiện nay Mỹ đang bị sao nhãng bởi các vấn đề trong nước, cánh cửa đang rộng mở với nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên để tự do thực hiện các bước đi của mình. Theo nguồn thông tin mật, Lầu Năm Góc đang thật sự lo sợ Trung Quốc có thể tung ra một đòn chớp nhoáng nào đó.
Từ góc nhìn của Trung Quốc thì không có thời điểm nào phù hợp hơn để thử thách chính quyền ông Trump. Thực tế theo ông Kazianis, trong một vài năm tới không có thời điểm nào đẹp hơn để chơi khăm Mỹ ở một trong những khu vực chiến lược mà Bắc Kinh coi là “lợi ích cốt lõi” và giành được nhiều ưu thế hơn Mỹ như Biển Đông hiện nay.
Hãy xem xét nền chính trị nước Mỹ hiện nay, thật là một mớ hỗn độn. Chính quyền mới hiện nay đang phải liên tục giải quyết các cuộc khủng hoảng nhỏ. Dù cho đó là cuộc tranh luận không cần thiết về số lượng người đón xem buổi lệ nhậm chức, những thông tin nóng hổi gần như hàng giờ về các dòng tweet mới nhất của ông Trump trên trang Twitter, và bây giờ là thách thức mới với hành động của ông Trump đối với người nhập cư, chính sách đối ngoại không phải là trọng tâm ở Mỹ trong những ngày này.
Và theo chuyên gia Kazianis, mọi việc thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Thậm chí còn không có đủ nhân viên trong các cơ quan quan trọng của liên bang để đối phó với cuộc khủng hoảng. Cộng với thực tế rằng nhiều vị trí quan trọng nhất trong các bộ máy công lực của Mỹ còn đang bỏ trống, cùng với việc Hội đồng An ninh quốc gia vừa mất đi hai trong số những thành viên cốt cán nhất là chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân và giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, đây là khoảng trống quá rõ ràng và chín muồi để tận dụng.
Do đó, nếu Trung Quốc quyết định hành động mau lẹ và đặc biệt là trên Biển Đông, liệu Trung Quốc sẽ làm gì? Có thể Trung Quốc sẽ ra tay một cách táo bạo nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình ở đây, và quan trọng nhất là sẽ không dễ để trả đũa lại nước này, ông Kazianis nhận định.
Hành động tạo báo nhất mà ông Tập Cận Bình có thể thực hiện để thử thách chính quyền mới và ngồi xem ông Trump chống đỡ sẽ là tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Hiện nay, động thái này có vẻ như là hành động leo thang quá mức và không tương xứng với các hành động khác của Trung Quốc nhằm thử thách ông Bush hay ông Obama trước đây. Tuy nhiên, giờ đây lợi ích ở châu Á đã lớn hơn trước, và những tuyên bố của ông Trump về Biển Đông và Đài Loan có phần táo bạo hơn các chính quyền Mỹ trước đây, Trung Quốc có thể sẽ nhanh chóng quyết định rằng nước này cần phải thử xem liệu thực tế ông Trump sẽ làm được đến đâu. Và không có cách nào tốt hơn là thiết lập ADIZ trên Biển Đông, chuyên gia Kazianis lo ngại.
Vậy Trung Quốc có thể thực hiện điều này bằng cách nào? Năm 2013 Trung Quốc đã thiết lập ADIZ trên Biển Hoa Đông.
Trung Quốc có thể không có khả năng kiểm soát an ninh trên biển nếu Mỹ hay Nhật Bản thực sự quyết định đẩy vấn đề này đi xa, và trên thực tế, đến tận hôm nay, Trung Quốc vẫn chưa thực thi các tuyên bố của mình một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, bốn năm trước, Trung Quốc thật sự đã có thể thiết lập một khu vực quan trọng trên Biển Hoa Đông chống lại Nhật Bản.
Trên Biển Đông, Trung Quốc có thể không đủ khả năng để thực thi khu nhận diện phòng phông này trên cả khu vực nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” phi pháp rộng lớn, nhưng Trung Quốc vẫn có thể tạo ra một khu vực răn đe quân sự dựa trên nền tảng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 và các máy bay chiến đấu tiên tiến triển khai trên các hòn đảo nhân tạo của nước này để thiết lập khu vực răn đe chỉ trong một thời gian ngắn.
Vậy chính quyền ông Trump sẽ đáp trả ra sao nếu Trung Quốc thực sự hành động như vậy? Giống như ông Obama từng làm, ông Trump có thể điều các máy bay ném bom tiên tiến đến bay ở khu vực này ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập. Ông Trump cũng có thể yêu cầu biện pháp đáp trả hải quân, thực hiện các hoạt động tự do hàng hải để tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ hoàn toàn không chấp nhận các hành vi khiêu khích của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu thiết lập một vùng ADIZ trên Biển Đông, sẽ không chỉ có Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh của Mỹ, những nước có tiếng nói cuối cùng phải nói đến sự thành công hay thất bại. Các hãng hàng không bay qua khu vực này sẽ không mạo hiểm tính mạng các hành khách của mình nếu không tuân thủ lệnh khai báo hoặc bất ngờ có xảy ra vụ bắn hạ trong trường hợp máy bay không được nhận dạng, do đó các hãng hàng không này tất nhiên sẽ gửi các kế hoạch bay đến Trung Quốc, và bỗng dưng hành động này biến khu vực nhận diện phòng không này trở thành hiện thực.