Những sự kiện nổi bật trong nước năm 2024

E-magazine Những sự kiện nổi bật trong nước năm 2024

Năm 2024 ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng như kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt, quyết liệt sắp xếp bộ máy, kinh tế tăng trưởng ngoạn mục...

1.jpg

Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, hưởng thọ 80 tuổi. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân ta.

Để kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng và đất nước, ngày 3/8, Chủ tịch nước Tô Lâm (sinh năm 1957 tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) được Ban chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư.

Ngày 21/10/2024, ông Lương Cường (sinh năm 1957 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Chu-tich-nuoc-To-Lam-lam-Tong-Bi.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Ngày 25/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trần Cẩm Tú (sinh năm 1961 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh), Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng.

Trước đó, ngày 20/5/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn (sinh năm 1962 tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), Phó chủ tịch thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Quốc hội.

Với việc kiện toàn 4/5 chức danh lãnh đạo chủ chốt (ngoại trừ chức danh Thủ tướng được bầu từ năm 2021) của Đảng và Nhà nước, năm 2024 đánh dấu mốc Việt Nam đã kiện toàn được một thế hệ lãnh đạo mới.

2.jpg

Ngày 5/11/2024, các báo đồng loạt đăng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả”. Bài viết đề cập tới những bất cập, sự cồng kềnh, đông nhưng không mạnh của hệ thống chính trị hiện nay, từ đó Tổng Bí thư yêu cầu cần phải tổ chức, tinh gọn lại bộ máy để có thể đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngay sau đó, Ban chấp hành Trung ương đã họp hội nghị bất thường và ban hành Nghị quyết số 56, ngày 25/11/2024, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai Tổng kết Nghị quyết 18 và cơ bản thống nhất nội dung gợi ý, định hướng của Bộ chính trị để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị trực thuộc trung ương nghiên cứu đề án sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngay sau hội nghị Trung ương bất thường, các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã lập Ban chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Trên tinh thần Trung ương gương mẫu làm trước, sau đó các tỉnh, thành phố đồng loạt đưa ra các phương án sắp xếp lại bộ máy.

Với phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, không bàn lùi, nhiều đơn vị đã nhanh chóng điều chuyển cán bộ, dừng hoạt động ngay những cơ quan trùng lắp, thuộc diện sáp nhập.

Xác định có khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng nhưng cả hệ thống chính trị cùng xác định tinh giảm bộ máy không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là tạo sự thay đổi về chất.

3.jpg

Ngày 30/11/2024, với 92,48% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế 350 km/h và tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD.

Dự án được dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TPHCM khởi công năm 2027, đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028.

sieu-du-an-duong-sat-bac-nam-3-7.jpg

Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhất từ trước đến nay, tạo động lực phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Dự án không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối các tỉnh thành từ Bắc vào Nam mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, công nghiệp đường sắt; góp phần giảm tải cho các tuyến đường bộ và hàng không, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực.

Cũng trong năm qua, Quốc hội đã ban hành nhiều dự án luật quan trọng như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản… Thông thường, các luật này có hiệu lực từ ngày 1/1 năm sau, nhưng với kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khó khăn cho thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà Nước và người dân, 3 luật này có hiệu lực từ 1/8/2024.

4.jpg
Ngày 22/12/1944, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Từ đây, ngày 22/12 chính là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân chính là dịp để toàn Đảng, toàn dân ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc.

Nhân dịp này, hàng loạt các sự kiện ý nghĩa đã được Bộ Quốc phòng tổ chức. Được chào đón nhất là Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19 - 22/12 tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Sự kiện có sự tham gia của 66 đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia. Tại triển lãm, Việt Nam đã trưng bày hàng loạt sản phẩm, vũ khí công nghệ hiện đại. Triển lãm là dịp giới thiệu những thành tựu, thể hiện quyết tâm hiện đại hóa, khẳng định sức mạnh, vị thế của quân đội nhân dân Việt Nam.

ads-6891-enhanced-nr.jpg

Ngoài ra, việc bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khánh thành và mở cửa đón khách cũng thu hút sự quan tâm của người dân. Với diện tích gần 400.000 m2, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (thuộc phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý.

Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, nhiều công năng, ứng dụng nhiều công nghệ để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Cũng trong năm 2024, Việt Nam đã kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để tưởng nhớ và tôn vinh chiến thắng lịch sử này.

5.jpg

Bão số 3 (Yagi) mạnh cấp 8 khi vào Biển Đông ngày 2/9. Ba ngày sau, bão đã mạnh thêm 8 cấp, đạt cấp siêu bão vào ngày. Đây là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua và trong 70 năm qua trên đất liền.

Trước những thông tin cảnh báo, Chính phủ và người dân đã rất chủ động các biện pháp ứng phó. Thủ tướng liên tiếp ban hành 3 công điện khẩn để chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Tuy nhiên, siêu bão mạnh nhất hàng chục năm qua vẫn gây ra hậu quả to lớn.

A4.jpg
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở ở làng Nủ.

Theo thống kê, bão Yagi và hoàn lưu bão đã làm 320 người chết, 25 người mất tích, ảnh hưởng đến 3,6 triệu người, khiến hơn 320.000 ngôi nhà bị hư hỏng. Tang thương nhất là vụ sạt lở rạng sáng 10/9 tại làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Yên Bái) khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 60 người chết và còn 7 người mất tích.

Thiệt hại kinh tế do bão Yagi và hoàn lưu bão ước tính hơn 88.700 tỷ đồng, bằng 0,62% GDP năm 2023 và làm giảm khoảng 0,24% GDP năm 2024.

6.jpg

Hậu khủng hoảng kinh tế do Covid-19, siêu bão Yagi và những biến động địa chính trị thế giới tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta trong năm 2024. Tuy nhiên, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với 7,4% trong quý III/2024.

Sản xuất và thương mại tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế. Dự kiến, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%, thuộc top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Còn lạm phát năm 2024 duy trì dưới 4%, trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Việt Nam năm 2024 còn là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), khi dòng vốn FDI đăng ký trong 11 tháng qua đạt 31,38 tỷ USD, FDI thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tiếp tục tăng cao năm thứ 3 liên tiếp.

7.jpg

Sau 2 kỳ đánh giá giữ nguyên thứ hạng 86/193, ở lần đánh giá năm 2024 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tăng 15 bậc (xếp thứ 71) về chỉ số Chính phủ điện tử - EGDI (thuộc nhóm EGDI rất cao)

Các tiêu chí như OSI (chỉ số dịch vụ công trực tuyến), TII (chỉ số hạ tầng viễn thông), HCI (chỉ số nguồn nhân lực), EPI (chỉ số tham gia kỹ thuật số) đều có tiến bộ so với 2 năm trước. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Ngoài ra, Việt Nam còn là 1 trong 46 quốc gia được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của ITU năm 2024.

s.jpg
Việt Nam đã tăng 15 bậc về chỉ số Chính phủ điện tử, thuộc nhóm EGDI rất cao.

Với tổng điểm 99,74, Việt Nam có 4 tiêu chí đạt tối đa 20 điểm là biện pháp pháp lý, biện pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức và biện pháp phối hợp. Riêng tiêu chí phát triển năng lực đạt 19,74 điểm.

Kết quả trên cho thấy Việt Nam đã tăng cường thiết lập hành lang pháp lý, nỗ lực ứng phó sự cố, xây dựng giải pháp phòng ngừa các cuộc tấn công gây mất an toàn thông tin.

8.jpg

Ngày 15/10, các nhà mạng tắt sóng 2G tại Việt Nam để dành tài nguyên cho 4G, 5G. Việc tắt sóng công nghệ cũ sẽ định hướng người dùng sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số.

Trong bối cảnh kinh tế xanh, kinh tế số không còn là khẩu hiệu, việc triển khai 5G góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số gắn với trí tuệ nhân tạo (AI), big data, Internet vạn vật (IoT)… Doanh nghiệp sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác và góp phần phát triển kinh tế xanh.

5g-4139.jpg

Về phía các nhà mạng, ngày 15/10, Viettel tuyên bố khai trương mạng 5G phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz.

Đến tháng 12/2024, VNPT cũng tuyên bố chính thức thương mại hóa 5G, còn MobiFone đã đưa ra kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2025. Đây là tiền đề để Bộ TT&TT đã thành lập nhóm phát triển thiết bị 6G, đặt ra mục tiêu Việt Nam đi cùng thế giới về 6G.

Việc triển khai công nghệ 5G được ví như Việt Nam đã xây dựng “đường sắt tốc độ cao” trên nền tảng internet. Với tốc độ siêu nhanh, 5G tạo cơ sở cho các ngành khác ứng dụng phát triển kinh tế số, phát triển công nghệ để đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

9.jpg

Việc thu hút được tập đoàn Intel năm 2006 là một dấu mốc lịch sử mở đường cho các đại bàng công nghệ theo chân vào Việt Nam. Đến nay, với những lợi thế cùng cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, chúng ta được xem là điểm đến chiến lược của những “ông lớn” như Intel, Samsung, Foxconn, Compal và Pegatron…

hai-ngay-ceo-nvidia-jensen-huang.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang dạo phố, giao lưu với người dân Hà Nội tối 5/12.

Chuyến thăm lần thứ hai cùng những hoạt động về đầu tư, kinh doanh của tỷ phú Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm CEO của Nvidia, được kỳ vọng sẽ một lần nữa mang lại hiệu ứng FDI tốt cho Việt Nam trong tương lai khi tập đoàn này mua lại công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe VinBrain, một công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup, để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.

Ngoài ra, Nvidia còn hợp tác với FPT xây dựng nhà máy AI Factory đầu tiên ở Việt Nam và hợp tác cùng Trung tâm Dữ liệu AI của Viettel sẽ sử dụng các công nghệ do Nvidia cung cấp để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ AI tiên tiến tại Việt Nam.