Những “ông lớn” xây dựng giảm lợi nhuận, tăng nợ phải thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù kết quả kinh doanh quý I/2024 cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, song về cơ bản, các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn.

Những “ông lớn” xây dựng giảm lợi nhuận, tăng nợ phải thu

Lãi mỏng như lá lúa

Quý I/2024 đối với các doanh nghiệp xây dựng là quãng thời gian khởi sắc khi hầu như không có đơn vị lớn nào thua lỗ; thậm chí, một số doanh nghiệp còn đạt được những kết quả rất ấn tượng.

Như Coteccons (HoSE: CTD), quý vừa qua, doanh nghiệp này ghi nhận tới 4.666 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 49% và lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên sau 15 quý, lợi nhuận của CTD đạt đến hàng trăm tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng của năm tài chính 2024, CTD có doanh thu 14.450 tỷ đồng, tăng 16% và lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với cùng kỳ.

Hay với Hòa Bình (HoSE: HBC), quý I/2024 đã đánh dấu quý có lãi đầu tiên sau 5 quý liên tiếp chìm trong thua lỗ. Theo đó, HBC có doanh thu 1.651 tỷ đồng, tăng 38% và lợi nhuận sau thuế 56,5 tỷ đồng. Kết quả này giúp lỗ lũy kế của HBC giảm xuống còn 3.182 tỷ đồng.

Một trường hợp có kết quả tốt khác là Vinaconex (HoSE: VCG). Quý I/2024, công ty này ghi nhận 2.650 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 35% và lợi nhuận sau thuế tới 482 tỷ đồng, tăng gấp 25 lần so với cùng kỳ, là doanh nghiệp có lợi nhuận quý lớn nhất toàn ngành xây dựng.

Tuy vậy, cuộc vui không dành cho tất cả. Ngoài 3 doanh nghiệp trên, số còn lại chỉ có lợi nhuận rất “khiêm tốn”, dao động từ vài chục tỷ đồng đến vài tỷ đồng, thậm chí chỉ là vài trăm triệu đồng.

Cụ thể, nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10 tỷ đồng gồm: Hưng Thịnh Incons – HoSE: HTN (10 tỷ đồng), Công ty Xây dựng Số 5 – HoSE: SC5 (11 tỷ đồng), Licogi 18 – HNX: L18 (12 tỷ đồng), Ricons (14 tỷ đồng), Sông Đà 11 – HNX: SJE (16 tỷ đồng), Công ty Cổ phần SCI – HNX: S99 (27 tỷ đồng), Tổng công ty Sông Đà – UPCoM: SJG (28 tỷ đồng), Tracodi – HoSE: TCD (30 tỷ đồng).

phuc-hung-holdings-viettimes.png
Lợi nhuận phần đa doanh nghiệp xây dựng ở mức thấp (Ảnh: Hải Thu)

Nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng, gồm: Fecon – HoSE: FCN (0,6 tỷ đồng), Phục Hưng Holdings – HoSE: PHC (0,9 tỷ đồng), Alphanam E&C – HNX: AME (1 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – UPCoM: HAN (1,5 tỷ đồng), Công ty Cổ phần SCI E&C – HNX: SCI (3 tỷ đồng), Tổng công ty Thăng Long – HNX: TTL (3,4 tỷ đồng), Cotana – HNX: CSC (3,8 tỷ đồng), Tập đoàn Xây dựng SCG – HNX: SCG (8 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Số 1 – HoSE: CC1 (8,8 tỷ đồng).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả lợi nhuận của phần đa doanh nghiệp ở mức thấp. Một là so với cùng kỳ, một số doanh nghiệp đã không còn hoạt động tài chính đủ mạnh để “tiếp sức” cho lợi nhuận, tiêu biểu là HAN, CC1. Hai là nhiều doanh nghiệp có giá vốn quá cao, trong khi không tiết giảm được đáng kể chi phí tài chính và chi phí quản lý do các tác động bất lợi của thị trường.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2024 là nhờ sự hỗ trợ của các hoạt động bổ trợ, như: HBC (nhờ doanh thu tài chính gấp 45 lần và hoàn nhập dự phòng 89 tỷ đồng), SCG (doanh thu tài chính 105 tỷ đồng).

Hai yếu tố trên phản ánh hoạt động kinh doanh cốt lõi của các doanh nghiệp là xây lắp vẫn chưa thể phục hồi.

Một điều khác khiến giới quan sát thêm phần lo ngại là trong tương quan so sánh với một nền rất thấp (tức quý I/2023) kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp xây dựng vẫn không thể đột phá, cho thấy hầu hết doanh nghiệp xây dựng vẫn đang vật lộn với khó khăn.

Lo ngại này càng được củng cố thêm khi bên cạnh các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng thì rất nhiều doanh nghiệp khác phải chứng kiến lợi nhuận thụt lùi rất mạnh so với cùng kỳ, như: TTL (giảm 46%), SJE (giảm 48%), TCD (giảm 56%), PHC (giảm 58%), SJG (giảm 62%), FCN (giảm 77%), AME (giảm 75%), CSC (giảm 81%)…

Còn đó nỗi lo

Không chỉ yếu trên khía cạnh kết quả kinh doanh, chất lượng tài sản của nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng vẫn đang duy trì ở mức đáng quan ngại.

Đơn cử ở chỉ tiêu khoản phải thu, hầu hết doanh nghiệp trong diện thống kê nêu trên có tỷ trọng các khoản phải thu rất cao, chiếm 40% - 50% tổng tài sản, cụ thể: TTL (46%), FCN (47%), HAN (49%), CC1 (49%), CTD (57%), Ricons (57%) HBC (72%), TCD (73%), HTN (81%), SCG (93%).

coteccons-viettimes .jpg
Các doanh nghiệp xây dựng vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn (Ảnh: Hải Thu)

Việc các khoản phải thu quá cao đã ảnh hưởng mạnh tới dòng tiền, khiến các doanh nghiệp khó lòng giảm được sự phụ thuộc vào vốn vay, đồng nghĩa tiếp tục gánh chịu sức nặng của chi phí tài chính.

Thống kê cho thấy trong quý I/2024, nợ vay của nhiều doanh nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục tăng lên so với đầu năm, như CTD (tăng 25%, lên 1.501 tỷ đồng), CC1 (tăng 1% lên 4.244 tỷ đồng), TCD (tăng 2,1% lên 2.141 tỷ đồng), TTL (tăng 2,4% lên 806 tỷ đồng), CSC (tăng 10% lên 412 tỷ đồng), L18 (tăng 16% lên 2.258 tỷ đồng).

Các doanh nghiệp không tăng quy mô nợ vay song cũng không thể giảm hoặc chỉ giảm được rất ít là: SCG (3.504 tỷ đồng, không đổi), HAN (807 tỷ đồng, không đổi), HTN (2.050 tỷ đồng, không đổi), SJG (7.278 tỷ đồng, giảm 0,9%), FCN (2.814 tỷ đồng, giảm 4%), HBC (4.490 tỷ đồng, giảm 4,8%)…

Một hệ lụy khác của việc các khoản phải thu quá lớn là chi phí dự phòng của các doanh nghiệp không được cải thiện. Trong số các doanh nghiệp được thống kê, HBC có dự phòng lớn nhất, lên tới 2.387 tỷ đồng. Theo sau là SJG (2.099 tỷ đồng), CTD (1.356 tỷ đồng), VCG (586 tỷ đồng), TTL (164 tỷ đồng), HAN (162 tỷ đồng), L18 (122 tỷ đồng)…

Sự tồn tại của chi phí dự phòng như một “khối u” khiến các doanh nghiệp “đau đớn”. Trong một số trường hợp, đây còn là yếu tố quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp, điển hình là HBC – đơn vị đang có số lỗ lũy kế lên tới 3.182 tỷ đồng.

Có thể nói, ngành xây dựng hiện vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhất thời chưa thể cải thiện được bức tranh kinh doanh lẫn tình hình tài chính. Sự chuyển biến trên thị trường dù đã có, song vẫn còn quá chậm, trong khi sức của doanh nghiệp đang cạn dần. Điều này tiềm ẩn những rủi ro cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Bởi vậy, không loại trừ khả năng, quý II/2024 sẽ vẫn là một quý buồn cho ngành xây dựng.