Những nước nào gia nhập ngân hàng AIIB của Trung Quốc?

Tuần trước, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản cho biết: “Trừ khi Trung Quốc làm rõ các vấn đề chưa được sáng tỏ này, Nhật Bản vẫn sẽ luôn thận trọng”.
Trước hạn chót nộp đơn xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập 1 ngày, hơn 40 quốc gia đã gia nhập AIIB. Ảnh: Quartz.
Trước hạn chót nộp đơn xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập 1 ngày, hơn 40 quốc gia đã gia nhập AIIB. Ảnh: Quartz.

Nga, Hà Lan và Úc tuyên bố sẽ gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng vào cuối tuần vừa rồi.

Nhà băng mới này được xem như đối thủ trực tiếp của các định chế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Trung Quốc có quyền biểu quyết trong các ngân hàng lớn, như 6,47% tại Ngân hàng phát triển châu Á, 5,17% trong Ngân hàng Thế giới và 3,81% trong Quỹ tiền tệ quốc tế, tuy nhiên tỷ lệ này chưa đủ để chiếm quyền đa số.

Vì vậy, AIIB được xem như một giải pháp thay thế của riêng Trung Quốc. Mục tiêu của ngân hàng này là lấp đầy nhu cầu huy động vốn của các khu vực, vào khoảng 800 tỷ USD mỗi năm, vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo dự kiến, ngân hàng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Trước hạn chót nộp đơn xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập 1 ngày, hơn 40 quốc gia đã gia nhập AIIB. Mỹ và duy nhất một đồng minh lớn – Nhật Bản – không có tên trong danh sách này.

Mỹ và giới phê bình đặt câu hỏi về tiêu chuẩn minh bạch, trách nhiệm nợ, bảo vệ môi trường xã hội của ngân hàng. Họ e ngại định chế này có thể trở thành một công cụ chính trị đơn thuần của Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ trưởng tài chính Nhật Bản cho biết: “Trừ khi Trung Quốc làm rõ các vấn đề chưa được sáng tỏ này, Nhật Bản vẫn sẽ luôn thận trọng”.

Tuy nhiên khi ngày càng nhiều quốc gia gia nhập ngân hàng, AIIB càng cần tuân thủ các quy chuẩn quốc tế, và tiếng nói của Trung Quốc càng ít có ảnh hưởng nội bộ khu vực.

Dưới đây là bản đồ các nước đã tham gia hoặc đệ đơn xin tham gia AIIB của Reuters. 

Theo: BizLive