Những nhân vật làm thay đổi kinh tế thế giới trong giai đoạn Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trang Business Insider vừa công bố danh sách 300 người làm thay đổi kinh tế châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, những châu lục trọng yếu của kinh tế thế giới.

Đây là những người có tầm ảnh hưởng lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các nhà quản lý ở các công ty toàn cầu, nhà sáng lập start-up đến các nhà hoạch định chiến lược sản phẩm và công nghệ cũng như các nhà hoạt động trong ngành.

Dưới đây là một số nhân vật nổi bật:

1. Maria Angelidou-Smith (Bắc Mỹ) - Phó Chủ tịch phụ trách Cộng đồng của Facebook

Mạng xã hội Facebook được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong suốt đợt dịch Covid-19. Facebook đã trở thành nơi để thảo luận về biện pháp chữa trị Covid-19 và các lệnh cách ly tại nhà, cũng như giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động khi các cơ sở phải tạm đóng cửa.

Bất kỳ một sản phẩm hay dịch vụ cộng đồng mới nào của Facebook gần như đều xuất phát từ nhóm làm việc của bà Maria. Bà sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong Facebook khi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đang ngày càng cận kề.

2. Justin Schuh (Bắc Mỹ) - Giám đốc Chrome, Google

Năm nay, Google đã gây chấn động khi thông bố rằng trình duyệt Internet lớn nhất thế giới Chrome sẽ ngưng sử dụng cookies bên thứ ba để giữ tính riêng tư cho người sử dụng trình duyệt. Động thái này được cho là sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường quảng cáo trực tuyến trị giá 108 tỉ USD và khiến cho các nhà quảng cáo khó tiếp cận người dùng hơn.

Justin là một trong những nhân vật chủ chốt của Google phụ trách vấn đề bảo mật cá nhân của Chrome. Ông đã phải tìm cách cân bằng nhu cầu sử dụng dữ liệu của các bên tiếp thị nhằm cá nhân hóa các quảng cáo và đưa chúng đến với người dùng.

3. Jack Dorsey (Bắc Mỹ) - CEO Twitter

Khi nước Mỹ phải đối mặt với khủng hoảng virus Corona và vấn đề bạo lực của cảnh sát với người Mỹ da đen, Jack đã đặt nhân viên của mình lên hàng đầu khi nói với họ rằng họ có thể làm việc từ xa. Ông cũng là vị CEO công nghệ đầu tiên quyết định để Juneteenth (13/6) là ngày kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ - làm ngày nghỉ lễ của công ty.

Jack cũng cam kết sẽ đóng góp số cổ phần trị giá 1 tỉ USD của ông ở công ty tài chính Square – gần 1/3 tài sản của mình – cho một quỹ từ thiện. Quỹ này cho đến nay đã đóng góp hơn 171 triệu USD cho các nỗ lực cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi virus Corona, chăm sóc y tế cho các bé gái, và cải thiện thu nhập.

4. Sarah Gilbert (châu Âu) - Trưởng dự án vaccine, Đại học Oxford

Nhóm nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 tại Đại học Oxford của bà Sarah Gilbert đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới trong bối cảnh dịch bệnh lây lan rộng khắp toàn cầu. Là trưởng nhóm nghiên cứu, bà cùng các cộng sự đang chạy đua để phát triển vaccine ngăn ngừa Covid-19.

Nói về công việc hiện tại, Sarah chia sẻ: “Tôi đã nghiên cứu về các loại vaccine được khá lâu rồi, nhưng làm việc với cường độ như bây giờ quả là một trải nghiệm chưa từng có”. Bà cho biết do dự án được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm nên dự án đã vượt qua được rào cản về nguồn tiền, nhân lực, thời gian xét duyệt và đang tiến triển rất nhanh, đáp ứng nhu cầu phục vụ con người, mở của các quốc gia trên toàn thế giới.

5. Kelly Zhang (châu Á) - Tổng giám đốc ByteDance (Tik Tok)

Tik Tok là ứng dụng được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua. Nhưng ít người biết đến thành công của công ty mẹ của ứng dụng này là ByteDance với việc sở hữu 6 trong số 10 ứng dụng hàng đầu trên iOS App Store ở Trung Quốc. ByteDance hiện nằm dưới sự lãnh đạo của Kelly Zhang, người vừa mới nhận chức CEO vào tháng 3 vừa rồi.

Trước đây, bà Zhang quản lý Douyin, phiên bản Tik Tok ở Trung Quốc và đã phát triển lượng người dùng Douyin thường xuyên từ 150 triệu vào năm ngoái lên đến 400 triệu tính đến tháng 1 năm nay.

6. Nguyễn Thị Phương Thảo (châu Á) - CEO Vietjet Air

Theo Business Insider, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỉ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam, cũng là người Việt nam duy nhất được gọi tên trong danh sách này. Nữ tỉ phú là người để “làm những điều khác biệt”.

Nữ CEO là người sáng lập hãng hàng không chi phí thấp Vietjet Air vào năm 2011 và từng bước xây dựng Vietjet dần lớn mạnh, trở thành hãng hàng không nổi tiếng trên thế giới. Chính Vietjet đã tạo nên một cú hích kích cầu cho nhu cầu đi lại bằng hàng không tại Việt Nam vốn trước đây được coi là chỉ dành cho người giàu.

Trong đại dịch Covid-19, Vietjet thực hiện nhiều chuyến bay giải toả hành khách và chuyên chở hàng cứu trợ giữa các quốc gia trong khu vực. Hãng hàng không Vietjet đã an toàn vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch. Hơn nữa, nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện đã được nữ CEO dẫn dắt nhân viên của mình thực hiện trong những tháng vừa qua. Cá nhân bà cũng gửi tặng hàng triệu khẩu trang y tế cho người dân các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ.

Theo Business Insider, vào đầu năm nay, giá cổ phiếu của hãng đã tăng gấp đôi so với lúc mới lên sàn chứng khoán vào năm 2017. Tuy dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành hàng không nhưng tình hình tài chính của Vietjet vẫn ổn định chuẩn bị cho thời kỳ bật tăng trở lại của hoạt động vận chuyển hành khách, nhất là thị trường quốc tế.