|
Nhiều nữ lãnh đạo đã có hành động sớm và quyết liệt trong cuộc chiến chống COVID-19 (Ảnh: rtf.fr) |
Ở Đài Loan, các biện pháp được áp dụng nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19 thành công đến nỗi mà giờ hòn đảo này đủ điều kiện để viện trợ hàng triệu chiếc khẩu trang để giúp Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nước khác.
Ngoài ra, ở Đức, chính quyền các cấp đã thực hiện một chương trình xét nghiệm virus corona chủng mới có quy mô lớn nhất trong số các nước châu Âu, với hơn 350.000 cuộc xét nghiệm mỗi ngày, phát hiện sớm những ca nhiễm COVID-19 để cách ly và điều trị một cách hiệu quả.
Một trường hợp đáng chú ý khác là New Zealand. Thủ tướng nước này đã có hành động từ rất sớm, đóng cửa ngành công nghiệp du lịch và áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 1 tháng trên phạm vi toàn quốc, nhờ vậy mà số ca tử vong ở nước này chỉ dừng ở con số 9.
Tất cả 3 quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên đã nhận được sự tán dương của cộng đồng quốc tế nhờ cách ứng phó đại dịch COVID-19 thực sự ấn tượng. Và cả 3 đều nằm ở những khu vực khác nhau trên thế giới: Một ở trung tâm châu Âu, một ở châu Á và một ở Nam Thái Bình Dương.
Thế nhưng, cả ba đều có một điểm chung: Đều được dẫn dắt bởi các nữ lãnh đạo.
Sự thành công của các nước và vùng lãnh thổ trên cũng như chính quyền của họ trong việc đối phó với đại dịch toàn cầu là điều đáng chú ý nhất, bởi phụ nữ chỉ chiếm dưới 7% tổng số nhà lãnh đạo trên thế giới.
Hành động sớm và quyết liệt
Cả 3 nước và vùng lãnh thổ này – đều là những nền dân chủ có mức độ tín nhiệm cao với người dân – đều ngăn chặn dịch bằng những biện pháp sớm và mang tính khoa học. Họ đã thực thi chương trình xét nghiệm diện rộng, tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế chất lượng, đẩy mạnh công tác truy vết những người tiếp xúc với ca nhiễm và cấm tụ tập động người một cách nghiêm khắc.
Như ở Đài Loan, hòn đảo 24 triệu dân – gần bằng dân số của Australia – nằm sát đường bờ biển phía Đông Trung Quốc. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, bởi vậy mà Đài Loan không được gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do sức ép của Trung Quốc. Do đó, Đài Loan được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, ngay khi hay tin về một chủng virus bí ẩn đang lây lan ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã lập tức hạ lệnh kiểm tra mọi chuyến bay đến từ Vũ Hán.
Sau đó, bà Thái Anh Văn thiết lập một trung tâm chỉ đạo chống dịch, tăng cường sản xuất các trang thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang và ngừng mọi chuyến bay đến từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.
Các biện pháp can thiệp sớm và quyết đoán của Đài Loan đã giúp họ hạn chế số ca nhiễm ở mức 393 và 6 ca tử vong. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu bật thành công của Đài Loan trong lúc kêu gọi trao tư cách quan sát viên Đại hội đồng Y tế Thế giới của WHO hòn đảo này.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một buổi họp báo về chống dịch COVID-19 hôm 9/4 (Ảnh: CNN)
|
Đức, 83 triệu dân, hiện có trên 132.000 ca nhiễm COVID-19 nhưng tỷ lệ tử vong/1 triệu người lại rất thấp – thấp hơn nhiều so với phần lớn các nước châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người có bằng Tiến sĩ ngành Hóa lượng tử, đã có tỷ lệ ủng hộ tăng đột biến nhờ vào cách ứng phó đại dịch COVID-19. Đức hiện là nước có số giường bệnh điều trị tích cực nhiều nhất và cũng có chương trình xét nghiệm quy mô lớn nhất châu Âu.
“Có lẽ sức mạnh lớn nhất của nước Đức chính là việc ra quyết định ở cấp cao nhất của chính phủ kết hợp với lòng tin của người dân đối với chính phủ” – Hans-Georg Krausslich, người đứng đầu khoa virus học tại Bệnh viện ĐH Heidelberg, nói với tờ New York Times.
New Zealand là một đảo quốc có dân số gần 5 triệu người, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp du lịch.
|
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong cuộc họp báo về COVID-19 ở Wellington ngày 9/4 (Ảnh: CNN)
|
Thế nhưng Thủ tướng nước này, bà Jacinda Ardern, đã ngừng tiếp nhận du khách nước ngoài từ ngày 19/3 và ban bố lệnh phong tỏa kéo dai 4 tuần lễ vào ngày 23/3, yêu cầu tất cả lao động trong những ngành nghề không thiết yếu ở nhà, chỉ được phép ra ngoài mua thực phẩm và tập luyện thể thao.
New Zealand đã thực hiện chương trình xét nghiệm diện rộng, mặc dù ghi nhận trên 1.300 ca nhiễm COVID-19 nhưng số ca tử vong chỉ có 9. Lệnh phong tỏa ở New Zealand mới chỉ trải qua khoảng một nửa thời gian quy định, nhưng bà Ardern đã tuyên bố rằng nó sẽ không được gỡ bỏ sớm.
“Đứng trước mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong suốt hơn 1 thế kỷ qua, xứ sở Kiwi đã chung tay và thầm lặng thiết lập nên bức tường phòng thủ toàn quốc gia” – bà Ardern nói trong bài phát biểu trước toàn quốc mới đây.
Ở các nước Bắc Âu
4 trong tổng số 5 quốc gia Bắc Âu cũng được dẫn dắt bởi phụ nữ. Những quốc gia này đều có tỷ lệ tử vong do COVID-19 rất thấp nếu so với phần còn lại của châu Âu.
Ví dụ, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, 34 tuổi, tuy là nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới nhưng có tỷ lệ ủng hộ lên tới 85% nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc ứng phó đại dịch. Dân số nước này là 5,5 triệu người, nhưng chỉ có 59 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận.
|
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói về các biện pháp chống COVID-19 ở Helsinki ngày 16/3 (Ảnh: CNN)
|
Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir vận hành một quốc đảo nhỏ chỉ có dân số 360.000 người. Thế nhưng chương trình xét nghiệm quy mô lớn của họ đã nhận được sự tán dương của toàn thế giới, sau khi phát hiện ra rằng khoảng một nửa tổng số người được xét nghiệm là những trường hợp nhiễm không triệu chứng. Iceland cũng có các biện pháp phòng dịch từ rất sớm, kiên quyết trong công tác truy vết và cách ly những người nghi nhiễm.
|
Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir trong cuộc họp báo chung với Na Uy về biện pháp chống COVID-19 ngày 3/2 (Ảnh: CNN)
|
Một số nữ lãnh đạo khác cũng được báo giới quốc tế nhắc tên nhờ vào cách phản ứng mạnh tay của họ trước đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Silveria Jacobs của đất nước Sint Maarten, chỉ là một hòn đảo nhỏ có 41.000 dân nằm trên vùng biển Caribbe, từng “gây sốt” khắp thế giới nhờ đoạn video kêu gọi người dân “đơn giản là ngừng di chuyển” trong vòng 2 tuần lễ.
“Nếu các bạn không có loại bánh mì mà mình muốn trong nhà, hãy ăn bánh quy. Nếu các bạn không có bánh mì, hãy ăn ngũ cốc. Ăn yến mạch đi” – bà Jacobs nói trong đoạn video.
Các nam lãnh đạo thì sao?
Đương nhiên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nên được tán dương vì đã làm giảm số ca nhiễm ở đất nước ông nhờ vào chương trình xét nghiệm diện rộng. Nhưng ở nhiều quốc gia khác, việc giới lãnh đạo là nam ứng phó đại dịch đã dẫn tới những hậu quả khủng khiếp.
Tâm dịch COVID-19 của thế giới hiện nay chính là Mỹ. Tổng thống Donald Trump lúc đầu cáo buộc đảng Dân chủ chính trị hóa virus corna chủng mới là “trò bịp bợm” và không nghe theo lời cảnh báo của các nhà khoa học trong suốt nhiều tháng. Cuối cùng, tới thời điểm này, Mỹ ghi nhận trên 25.000 ca tử vong và hơn nửa triệu ca nhiễm do COVID-19. Con số vẫn tiếp tục tăng.
Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng bác bỏ tính chất nghiêm trọng của đại dịch, từ chối áp dụng các biện pháp cấm tụ họp nơi công cộng ngay cả khi các nước khác ở châu Âu đã ban bố lệnh phong tỏa. Trước khi nhập viện vì mắc COVID-19, ông còn nói với các phóng viên rằng virus sẽ không ngăn ông bắt tay với các bệnh nhân trong bệnh viện.
Cần thêm nữ lãnh đạo?
Vẫn còn quá sớm để nói nhà lãnh đạo nào đưa ra những bước đi đúng đắn nhất trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 – và cứu nhiều sinh mạng. Nhưng những ví dụ điển hình nêu trên cho thấy rằng phần lớn những lãnh đạo hành động sớm và quyết liệt là phụ nữ.
Tính đến ngày 1/1/2020, chỉ 10 trong số 152 nguyên thủ đắc cử trên thế giới là phụ nữ, theo Hội đồng Liên minh Nghị viện và Liên Hợp Quốc, trong khi nam giới chiếm 75% thành viên quốc hội, 73% những người ra quyết sách và 76% nhân lực trong truyền thông chính thống.
"Chúng ta đã tạo ra một thế giới mà phụ nữ bị thu hẹp chỉ còn 25% không gian, cả trong các phòng ra quyết sách lẫn trong những câu chuyện mà chúng ta trao đổi về cuộc sống của mình. ¼ là chưa đủ" – bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, nói.
"Đã lâu rồi chúng ta mới nhận ra rằng thế giới đang rất cần có thêm nữ lãnh đạo và phụ nữ phải được hiện diện bình đẳng ở tất cả các cấp chính trị" – cây viết viên Leta Hong Fincher của CNN nhận định – "Ít nhất, số lượng nữ lãnh đạo thành công trong việc kiểm soát đại dịch đến nay cũng cho chúng ta thấy rằng bình đẳng giới rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu và an ninh quốc tế".
Theo CNN