Những lưu ý về luật các TCTD sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018

VietTimes – Luật các TCTD sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. Vậy đâu sẽ là những thay đổi đáng lưu ý sẽ có tác động đến thị trường?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật (Nguồn: Quochoi)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật (Nguồn: Quochoi)

Thêm nhiều quy định nhận diện sở hữu chéo

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD (Luật TCTD sửa đổi) được bổ sung thêm một số quy định cụ thể nhằm tạo cơ sở xác định cổ đông đích thực và hưởng lợi cuối cùng, khắc phục tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Một trong những  điểm mới thu hút được nhiều sự chú ý của Luật các TCTD sửa đổi chuẩn bị có hiệu lực, là quy định lãnh đạo các TCTD không được làm lãnh đạo DN khác trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD; được bổ sung tại Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 34.

Với các quy định cụ thể hơn, nhiều “sếp” ngân hàng đang kiêm nhiệm tại nhiều vị trí khác trong các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ngân hàng, sẽ phải đưa ra quyết định trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Luật các TCTD sửa đổi cũng tăng cường hoạt động giám sát giao dịch liên quan đến cổ phần sở hữu tại các ngân hàng, thông qua bổ sung thêm Điều 29 về “Những thay đổi phải được Ngân hàng nhà nước chấp thuận”.

Trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Không những thế, bên mua và bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.

Luật TCTD sửa đổi cũng bổ sung quy định về trường hợp Người có liên quan là pháp nhân, cá nhân khác “có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” được xác định theo quy định nội bộ hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN.

Ngoài ra, Luật TCTD sửa đổi cũng bổ sung, sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của TCTD được quy định tại Điều 50 nhằm cải thiện năng lực điều hành cho các cấp quản lý tại ngân hàng.

Định hướng tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém

Luật các TCTD sửa đổi cũng đã bổ sung, làm rõ và giải thích nội hàm nhiều thuật ngữ trong các khoản 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 liên quan đến các khái niệm về: Can thiệp sớm; Kiểm soát đặc biệt; Phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt; Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án chuyển giao bắt buộc; Tổ chức tín dụng hỗ trợ…

Phương án “phá sản” ngân hàng, đã được đề cập trong Luật các TCTD năm 2007 và được làm rõ hơn trong Luật các TCTD sửa đổi. Đây được coi là phương án cuối cùng sau khi các phương án khác không thành công như: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc.

Các giải pháp hỗ trợ cho các TCTD yếu kém cũng được định hướng rõ nét hơn. Luật các TCTD sửa đổi bổ sung có giải pháp hỗ trợ các TCTD yếu kém như: cho bán nợ cho Công ty quản lý tài sản VAMC, trích lập dự phòng.

Các TCTD được mua bắt buộc có thể bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng… được đảm bảo minh bạch.

Luật TCTD sửa đổi cũng đã bỏ nhiều quy định mang cơ chế “xin – cho” mà thay vào đó là gửi thông báo tới NHNN.