Những kịch bản đáng sợ nếu Mỹ, Trung Quốc đại chiến (P.1)

VietTimes -- Nếu có chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có những khủng hoảng kinh tế với những đất nước nằm trong vành đai Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Mối đe dọa do chiến tranh tăng nhiệt cũng sẽ hủy hoại ngành vận tải hàng hải và gây ra tình trạng thắt cổ chai cho nền sản xuất công nghiệp thế giới, National Interest cảnh báo.
Mỹ và Trung Quốc sẽ khóa chặt hệ thống thương mại quốc tế ở vành đai Thái Bình Dương. Nhiều người cho rằng chiến tranh là điều bất khả. Nhưng lịch sử đã cho thấy Thế Chiến I đã xảy ra khi nhiều người nghĩ rằng nó không thể. Bài viết trên National Interest tập trung vào phân tích, dự đoán các khả năng, mục tiêu chiến lược trước, trong và sau khi xảy ra các cuộc xung đột.
Một trận chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thay đổi một vài khía cạnh địa chính trị của vùng Đông Á nhưng cũng không thể thay đổi nhiều nhân tố quyết định địa chính trị vùng này.
Cuộc chiến sẽ xảy ra thế nào?

15 năm trước, câu trả lời duy nhất cho câu hỏi "Vì sao cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ xảy ra?" là các vấn đề liên quan tới Đài Loan và Triều Tiên. Khi Đài Loan tuyên bố độc lập và Triều Tiên tấn công Hàn Quốc sẽ là động tác kéo cò cho cuộc chiến Mỹ - Trung. 
Giờ đây điều này đã thay đổi. Sự mở rộng về khả năng và lợi ích của Trung Quốc cho thấy sẽ có nhiều kịch bản khác nhau về một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Trung và Mỹ có thể xảy ra. Có thể cuộc chiến xảy ra là do vấn đề Đài Loan hay Triều Tiên nhưng hiện tại có thể do những vấn đề nảy sinh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như những xung đột tiềm tàng Trung - Ấn dọc biên giới Tây Tạng.
Tàu chiến Mỹ tuần tra tại Biển Đông.

Những nhân tố chính để xảy ra chiến tranh là sự trỗi dậy của quyền lực Trung Quốc, sự bất mãn của Trung Quốc tới hệ thống an ninh khu vực do Mỹ dẫn đầu và các cam kết của các đồng minh Mỹ với rất nhiều các nước trong khu vực. Khi nào vẫn còn các nhân tố như vậy thì luôn luôn có khả năng xảy ra chiến tranh. Dù cho nguyên nhân là gì thì cuộc chiến sẽ không bắt đầu bằng việc Mỹ tấn công trước vào các hạm đội, không quân và các căn cứ của Trung Quốc. Mặc dù quân đội Mỹ sẽ muốn triêt hạ thống phòng thủ của Trung Quốc trước khi Trung Quốc tấn công các loại máy bay, cơ sở và tàu chiến của Mỹ.

Rất khó xảy ra một kịch bản trong đó Mỹ sẽ phải quyết định trả giá thế nào về mặt chính trị liên quan tới việc leo thang chiến tranh. Thay vào đó, Mỹ cần chuẩn bị đỡ cú đòn đầu tiên. Tất nhiên, hải quân hay không lực Mỹ không cần phải đợi Trung Quốc bắn tên lửa qua đầu họ. Nhưng Mỹ cần đưa ra những tín hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc dự định leo thang căng thẳng, đối đầu quân sự theo cách thông thường trước khi Mỹ bắt đầu tấn công Trung Quốc. 

Nếu lịch sử Thế Chiến I có để lại bài học nào thì đó là Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ hoàn toàn triển khai để đánh cú đầu tiên hay chỉ chuẩn bị để đỡ đòn. Cùng thời điểm đó, cũng sẽ không có một tiếng sét bất ngờ nào. Thay vào đó, những khủng hoảng đã tích tụ sẽ leo thang một cách từ từ qua vài sự kiện bất ngờ. Mở màn với việc Mỹ có các bước sắp xếp quân đội, biểu thị với Bắc Kinh rằng Washington đang thật sự chuẩn bị chiến tranh. Các bước này sẽ bao gồm việc vận chuyển, dàn quân từ Châu Âu và Trung Đông tới Châu Á, chuyển quân trực tiếp tới Thái Bình Dương. Ở thời điểm này, Trung Quốc phải quyết định sẽ tiếp tục tiến lên hay lui bước.
Bản đồ khu vực Đông Nam Á.

Về mặt kinh tế, cả Bắc Kinh và Washington sẽ thúc đẩy các lệnh trừng phạt (Mỹ sẽ có nhiều đồng minh hơn để thực hiện điều này). Họ sẽ đóng băng các nguồn tài nguyên của nhau bao gồm cả các đồng minh liên quan. Và sẽ có những khủng hoảng kinh tế với những đất nước nằm trong vành đai Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Mối đe dọa do chiến tranh tăng nhiệt cũng sẽ hủy hoại ngành vận chuyển hàng hải thế giới và gây ra tình trạng thắt cổ chai cho nền sản xuất công nghiệp thế giới.

Liên minh Mỹ sẽ đáp trả thế nào

Những đồng minh sẽ hậu thuẫn Mỹ trong cuộc chiến thế nào tùy thuộc vào cách chiến tranh xảy ra. Nếu chiến tranh xảy ra vì sự sụp đổ của Triều Tiên, Mỹ có thể dựa vào hỗ trợ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Tất cả các cuộc chiến liên quan tới tranh chấp tại vùng biển Hoa Đông đều sẽ dính líu tới Nhật. Nếu chiến tranh xảy ra do vấn đề Biển Đông, Mỹ có thể dựa vào một vài nước đồng minh ở Đông Nam Á nhưng cũng có thể Nhật Bản sẽ tham chiến. Úc cũng sẽ hỗ trợ Mỹ trong một loạt các tình huống tiềm tàng.
Trung Quốc sẽ đối mặt với một tình huống phức tạp nhỏ liên quan tới sự tôn trọng của họ với các nước đồng minh. Bắc Kinh có thể hy vọng các bên trung lập, bao gồm cả hỗ trợ vũ khí và khí tài từ Nga với số lượng nhỏ.
Thách thức lớn của những nhà ngoại giao Trung Quốc là thiết lập và duy trì sự trung lập của những nước có khả năng biến thành đồng minh của Mỹ. Đây là một điệu nhảy phức hợp - bao gồm cả việc cam kết về những mục đích lâu dài của Trung Quốc, vừa phải chứng minh sự tin tưởng vào viễn cảnh chiến thắng của Bắc Kinh (sẽ chứa đựng những mối đe dọa tiềm tàng với những nước hỗ trợ Mỹ).
Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15. Nếu có một cuộc chiến Mỹ - Trung, Mỹ không thể bắt đầu từ Triều Tiên.

Triều Tiên là một vấn đề khó khăn. Bất cứ sự can thiệp nào vào Triều Tiên đều có thể gây rủi ro với việc Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải chống lại Triều Tiên và bài toán này không ảnh hưởng tới Trung Quốc. Trừ phi Bắc Kinh chắc chắn rằng Seoul và Tokyo sẽ cùng chia sẻ số phận với Mỹ (một tương lai không chắc chắn sẽ khiến họ nhảy vào chiến tranh với nước khác). Nên kiềm chế Bình Nhưỡng chứ không nên đẩy họ vào cuộc xung đột.

Nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ sẽ nhắm vào các mục tiêu:
1. Triệt hạ ý định viễn chinh của Hải quân Trung Quốc.
2. Tiêu diệt khả năng phòng thủ của Hải quân và Không quân Trung Quốc.
3. Gây bất ổn tiềm tàng trong việc quản lý của chính phủ Trung Quốc tại đất nước này. 
Trừ trường hợp chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Còn không thì nhiệm vụ đầu tiên của Mỹ sẽ là tiêu diệt khả năng đổ bộ của Trung Quốc, ngăn họ tăng viện và tái hậu cần trước khi buộc họ đầu hàng. Nhiệm vụ thứ hai sẽ cần rất nhiều các cuộc tấn công vào các đơn vị không quân và hải quân Trung Quốc đã triển khai cũng như các lực lượng dự bị của Bắc Kinh. Ví dụ: Hải quân và Không quân Mỹ sẽ tấn công các căn cứ không quân, hải quân và các địa điểm phóng tên lửa với mục tiêu tạo ra tổn thất lớn nhất cho Không quân và Hải quân Trung Quốc. 
Nhiệm vụ thứ 3 dựa vào thành công của 2 nhiệm vụ đầu. Việc lực lượng viễn chinh Trung Quốc bị tiêu diệt và phần lớn các cơ sở của Hải quân và Không quân Trung Quốc đã bị phá hủy sẽ tạo ra sự rối loạn trong nội địa Trung Quốc về trung hạn tới dài hạn.
Các chiến lược gia của quân đội Mỹ cần thận trọng tập trung vào chiến dịch chiến lược thực hiện 2 nhiệm vụ đầu và hy vọng sự thành công trong 2 nhiệm vụ sẽ có một hiệu quả về mặt chính trị thay vì "tung xúc xắc" vào một kế hoạch chống lại các mục tiêu chính trị của lãnh đạo Trung Quốc. Nhiệm vụ cuối sẽ khiến Mỹ tốn nhiều tài nguyên và có thể có rủi ro khi leo thang chiến tranh và không lường được những hậu quả sẽ tới từ hệ thống chính trị của Trung Quốc. 
Trung Quốc đang có những cải tổ về quân đội với mục tiêu tạo ra đội quân mạnh nhất thế giới.

Quân đội Trung Quốc sẽ theo đuổi mục tiêu:

1. Có được đội quân viễn chinh hiệu quả.
2. Tiêu diệt nhiều nhất có thể khả năng viễn chinh của Hải quân và Không quân Mỹ.
3. Gây ra những tổn thất đủ để trong tương lai chính quyền Mỹ sẽ từ bỏ ý định can thiệp quân sự.
4. Phá vỡ hệ thống đồng minh do Mỹ dẫn đầu tại Đông Á.
Mục tiêu đầu tiên yêu cầu Trung Quốc triển khai lục quân có thể kết hợp với không vận để đạt được mục đích. Mục tiêu thứ 2 sẽ cần sử dụng tàu ngầm, máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo để hủy diệt các cơ sở quân sự và tàu chiến của Mỹ và đồng minh triển khai tại khu vực Đông Á. Mục tiêu thứ 3 và thứ 4 dựa trên sự thành công của mục tiêu thứ 2.
Quân đội Trung Quốc sẽ cố gắng để gây ra thương vong cho quân đội Mỹ để cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải e ngại để sử dụng quân sự chống lại Trung Quốc. Và sự tồn tại của hệ thống đồng minh do Mỹ dẫn đầu đòi hỏi Mỹ phải tiêu diệt được cuộc tiến binh của Trung Quốc. Nếu không hệ thống liên minh này sẽ chia rẽ và sụp đổ. 
Kể từ cuộc chiến Kosovo vào năm 1999, Mỹ chưa mất chiếc máy bay nào. Họ cũng chưa từng mất một chiếc tàu chiến lớn kể từ Thế Chiến II. Một chiếc tàu chiến chìm xuống sẽ có kết quả là vô số mạng người mất đi và đây là hành động thúc giục Mỹ gây chiến. Dù sao, các nhà chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc đều phải đánh giá cẩn thận hành động của Mỹ nếu có nhiều thương vong. Việc Mỹ mất một tàu chiến cùng thủy thủ đoàn của nó sẽ làm củng cố những cam kết của Mỹ (ít nhất là trong thời điểm ngắn hạn).
Những khoảnh khắc nghẹt thở
Nguy hiểm lớn nhất sẽ tới khi Trung Quốc công khai tấn công một tàu sân bay Mỹ. Điều này tạo khả năng lớn cho việc leo thang chiến tranh chống Mỹ và gây ra một cuộc tấn công hạt nhân. Nếu Trung Quốc quyết định tấn công tàu sân bay Mỹ, cuộc chiến sẽ không còn dừng ở việc gửi thông điệp hay thử thái độ mà sẽ là cuộc chiến toàn diện với tất cả khả năng có thể để tiêu diệt quân đội kẻ thù. 
Phương thức tấn công rất quan trọng. Với Mỹ, tấn công từ một tàu chiến hay tàu ngầm vào tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ là công bằng nhưng Mỹ sẽ không nhất thiết phải tấn công vào căn cứ không quân, các tên lửa đã được triển khai của lực lượng Nhị pháo hay ngay cả các căn cứ hải quân. 
Cách tấn công nguy hiểm nhất là dùng tên lửa đạn đạo bắn vào tàu sân bay. Điều này không chỉ vì những tên lửa đạn đạo rất khó đánh chặn mà còn vì chúng có thể mang những đầu đạn hạt nhân. Hy vọng một đất nước hạt nhân sẽ dùng tên lửa đạn đạo thông thường để chống lại một nước hạt nhân khác đặc biệt có lợi thế về hạt nhân là một điều khó xảy ra, National Interest cảnh báo.
Tình huống nghẹt thở thứ hai sẽ tới khi những quả tên lửa đầu tiên của Mỹ đánh vào các mục tiêu Trung Quốc. Với khả năng hạt nhân tiến bộ hơn, đợt tấn công đầu tiên của Mỹ hứa hẹn sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho quân đội Trung Quốc và các lãnh đạo dân sự. Đặc biệt trong trường hợp Trung Quốc tin họ có thể chiến thắng trong những mức leo thang căng thẳng của một chiến tranh thông thường. Họ phải lo người Mỹ sẽ dùng hạt nhân để giữ lợi thế. 
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Ngưòi ta có thể dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai tàu ngầm trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh. Trong kịch bản về một cuộc chiến dữ dội hơn, Hải quân và Không quân Mỹ sẽ coi các tàu chiến Trung Quốc là những mục tiêu cần thiết phải phá hủy và Mỹ sẽ tấn công các tài nguyên trên không và mặt đất. Thực tế, kể cả việc giấu tàu trong cảng cũng không thể ngăn Mỹ tấn công vào các tàu chiến lớn của Hải quân Trung Quốc bao gồm cả tàu Liêu Ninh và những cảng lớn của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ chỉ tung Hải quân ra trận trong 2 trường hợp: nếu họ cảm thấy đủ sức mạnh để thực hiện một chiến dịch mà không bị ngăn trở hoặc vị thế của Trung Quốc không còn hy vọng. Trong cả 2 tình huống: những chiếc tàu ngầm Mỹ sẽ đưa gây những đe dọa trực tiếp nhất đối với lực lượng tàu nổi của Trung Quốc.

Theo National Interest, trong hầu hết các kịch bản chiến tranh Trung Quốc cần phải chiến đấu với những mục tiêu khả thi, không chỉ đơn giản là tiêu diệt lực lượng quân đội Mỹ hay Nhật Bản. Điều này có nghĩa là Hải quân Trung Quốc phải tấn công, chiếm giữ, cung cấp và bảo vệ những điểm cầu địa lý như Đài Loan hay các tiền đồn họ đã có tại biển Hoa Đông hay Biển Đông. Quân đội Trung Quốc sẽ phải tạo ra những điều kiện để họ có thể chỉ huy các nhiệm vụ hỗ trợ lục quân.
(còn tiếp)