Những kịch bản dẫn đến chiến tranh Mỹ-Trung bùng nổ

Mỹ và Trung Quốc gắn bó chặt chẽ trong hệ thống thương mại quốc tế Rim (vành đai) Thái Bình Dương. Một số người cho rằng điều này làm cho chiến tranh không thể xảy ra, nhưng một số chuyên gia tin rằng Thế chiến thứ ba không thể tránh khỏi...
Những kịch bản dẫn đến chiến tranh Mỹ-Trung bùng nổ

Bằng cách nào điều không tưởng này có thể xảy ra? Như báo chí đã bình luận những sự kiện đỉnh điểm trong thời gian kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới thứ I. Vấn đề về một cuộc chiến tranh không chờ đợi vẫn có những nguy cơ rất lớn. Vô vàn sự cố có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh ở Đông Á, bằng cách nào cuộc chiến có thể xảy ra?

Trong bài viết này tác giả tập trung ít hơn vào các chi tiết chiến dịch-chiến thuật của cuộc chiến tranh Mỹ-Trung Quốc trong tương lai, tập trung nhiều hơn nữa vào những mục tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh quy mô lớn trước, trong và sau xung đột. Một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ làm thay đổi một số yếu tố trong bình diện địa chính trị Đông Á, nhưng nhiều yếu tố quan trọng không thể thay đổi.

Điều đáng tiếc là, cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ có thể được nhớ đến chỉ như là “Cuộc chiến tranh Trung – Mỹ thứ nhất” - "The First Sino-American War."

Cuộc chiến sẽ bắt đầu thế nào?

15 năm trước đây, câu trả lời duy nhất "Nguyên nhân nào cho cuộc chiến tranh giữa nước CHND Trung Hoa với Mỹ bùng nổ?" Đó là những tranh chấp liên quan đến Đài Loan hay hành động khiêu khích của Triều Tiên. Một tuyên bố độc lập của Đài Loan, cuộc tấn công của Triều Tiên vào Hàn Quốc, một số sự cố nguy hiểm tương tự sẽ khiến Trung Quốc và Mỹ miễn cưỡng lao vào cuộc chiến.

Tình hình hiện nay đã thay đổi. Sự phát triển mạnh mẽ của một Trung Quốc đang trỗi dậy, những định hướng, tham vọng và năng lực quân sự Bắc Kinh khiến chúng ta có thể hình dung các kịch bản khác nhau dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ. Những nguy cơ này bao gồm cả kịch bản xung đột Đài Loan và Bắc Triều Tiên, nhưng bây giờ liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông, xung đột với Ấn Độ dọc biên giới Tây Tạng.

Các yếu tố cơ bản dẫn đến những tham vọng này là sự phát triển quyền lực sức mạnh kinh tế và quân sự Trung Quốc, sự bất mãn của Trung Quốc với hệ thống an ninh khu vực do Mỹ xây dựng lên và lãnh đạo, những hiệp ước liên minh phòng thủ chung mà Mỹ đã ký với các nước trong khu vực. Khi những yếu tố này vẫn còn tồn tại, nguy cơ chiến tranh vẫn tiếp tục gia tăng.

Bùng nổ xung đột, cuộc chiến tranh không bắt đầu bằng việc Mỹ ra lệnh tấn công trước vào các hạm đội, các căn cứ quân sự không quân, bộ binh PLA trên đất liền. Dù quân đội Mỹ rất muốn tấn công phá hủy vũ khí, phương tiện phòng thủ, ngăn chặn PLA trước khi những vũ khí này có thể nhắm vào các mục tiêu cụ thể như máy bay, căn cứ quân sự và chiến hạm Mỹ. Thật sự vô cùng khó khăn mường tượng ra kịch bản trong đó các nhà lãnh đạo Mỹ quyết định trả giá chính trị để tham gia vào xung đột vũ trang leo thang với cấp độ cao.

Phóng tên lửa hành trình chống tàu Trung Quốc

Phi đội máy bay Trung Quốc diễn tập chiến đấu trên biển

Thay vào đó, Mỹ cần phải chuẩn bị tiếp nhận những đòn tấn công đầu tiên. Điều này có nghĩa rằng Hải quân (USN) và Không quân Mỹ (USAF) sẽ phải đợi tên lửa Trung Quốc rơi như mưa xuống đầu họ, rồi mới có thể phản kích. Quân đội Mỹ phải chờ đợi những tín hiệu rõ ràng công khai về việc Trung Quốc leo thang xung đột cường độ cao, tiến hành những hoạt động chiến tranh thông thường trước khi có thể triển khai lực lượng tham gia chiến tranh với Trung Quốc.

Lịch sử cho thấy Thế chiến thứ I đã phát đi rất nhiều dấu hiệu trước khi nó bùng nổ, nhưng giờ đây PLA sẽ không gây một dấu hiệu nào để Mỹ có thể huy động đầy đủ binh lực khởi động cuộc tấn công đầu tiên, hay triển khai lực lượng phòng thủ chuẩn bị đón nhận đòn tập kích thứ nhất. Hơn thế nữa, một tín hiệu tấn công cũng không có.

Diễu hành tăng thiết giáp quân đội Trung Quốc

Thay vào đó, cuộc khủng hoảng sẽ từng bước leo thang tăng dần từ một vài sự cố, trở thành một loạt những hành động liên tiếp, ồ ạt và liên tục, quy mô sự cố ngày càng tăng nhằm vào một bộ phận của quân đội Mỹ. Đó chính là dấu hiệu cho Washington biết Bắc Kinh đang chuẩn bị cho cuộc chiến thật sự.

Các bước tiếp sau đó sẽ bao gồm: gia tăng các cụm tàu sân bay, cơ động di chuyển lực lượng từ châu Âu và Trung Đông về châu Á, các phi đoàn máy bay chiến đấu cơ động tập trung về Thái Bình Dương. Tại thời điểm này, Trung Quốc phải quyết định, tiếp tục leo thang căng thẳng hoặc lùi bước.

Về kinh tế, Bắc Kinh và Washington sẽ công bố các biện pháp trừng phạt trả đũa nhau(các hoạt động của Mỹ có thể sẽ dẫn đến đến những hành động đa phương), hai quốc gia bắt đầu đóng băng tài sản của nhau, cùng với các quốc gia trong liên minh mỗi bên cùng tham chiến.

Các biện pháp trừng phạt sẽ gây tổn thất về kinh tế, nguồn vốn và gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Nguy cơ đe dọa chiến tranh cường độ cao phá vỡ mô hình vận tải thương mại toàn cầu, gây tắc nghẽn nghiêm trọng năng lực sản xuất công nghiệp.

Các nước đồng minh sẽ phản ứng thế nào?

Phương cách các đồng minh ủng hộ những nỗ lực của Mỹ chống Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn gốc dẫn đến cuộc chiến tranh. Nếu chiến tranh nổ ra dựa trên một hoặc hàng loạt các sự cố có nguồn gốc từ Triều Tiên, Mỹ cần phải hiệp đồng với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bất kỳ ngòi nổ chiến tranh nào bắt nguồn từ tranh chấp biển Hoa Đông với Trung Quốc đều liên quan mật thiết đến Nhật Bản. Nếu các sự kiện ở Biển Đông dẫn đến chiến tranh, Mỹ có thể có thể dựa vào các quốc gia ASEAN, đồng thời Nhật Bản, Úc cũng hiệp đồng phối hợp với Mỹ trong hàng loạt các hành động nhằm vô hiệu các nguy cơ tiềm năng.

Trung Quốc phải đối mặt với tình huống ít phức tạp so với các đồng minh Mỹ. Bắc Kinh có thể hy vọng vào sự giúp đỡ trung lập nhân đạo, cũng có thể là các chuyến hàng vũ khí và phụ tùng trang thiết bị từ Nga nhưng không thể nhiều hơn.

Thách thức đầu tiên với ngoại giao Trung Quốc là cố gắng thuyết phục và duy trì sự trung lập các đồng minh tiềm năng của Hoa Kỳ, bao gồm cả Việt Nam. Điều này sẽ liên quan đến những hoạt động con thoi cực kỳ phức tạp, bao gồm cả cam kết về chính sách đối ngoại lâu dài của Trung Quốc, thể hiện sự tự tin về triển vọng chiến thắng (các đe dọa tiềm ẩn về trừng phạt do đã trung lập hoặc giúp đỡ Mỹ).

Nếu tình huống liên quan đến Triều Tiên, vấn đề thậm chí còn khó khăn hơn. Bất kỳ sự can thiệp nào từ phía Triều Tiên đều có nguy cơ buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải can thiệp.

Theo tính toán cơ học thì điều này không lợi cho Trung Quốc. Trừ khi Bắc Kinh chắc chắn rằng Seoul và Tokyo sẽ hành động dưới sự chỉ đạo của Mỹ (đối tượng nghi ngờ tiềm năng đã kích động sự thù địch với các nước này), Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ dành nhiều thời gian để kiềm chế Bình Nhưỡng chứ không đẩy quân đội Triều Tiên trực tiếp tham gia xung đột.

Mục đích chiến tranh

Mỹ tiến hành cuộc chiến nhằm mục đích:

1. Đập tan tham vọng viễn chinh mở rộng tầm ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc.

2. Phá hủy hoàn toàn khả năng tấn công hoặc phản kích của lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc.

3. Làm rối loạn khả năng kiểm soát Trung Quốc của chính quyền trung ương.

Ngoại trừ trường hợp cuộc chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, nhiệm vụ đầu tiên liên quan đến việc vô hiệu hóa khả năng triển khai lực lượng mặt đất Trung Quốc, ngăn chặn viện binh và tiếp liệu hậu cần kỹ thuật của những đơn vị tiền tiêu, trước khi quân đội Mỹ và đồng minh cưỡng bức đầu hàng. Nhiệm vụ thứ hai là hàng loạt các cuộc tấn công liên tiếp ngăn chặn quân đội Trung Quốc triển khai các đơn vị không quân, hải quân, các chiến tàu và máy bay chiến đấu trong các căn cứ quân sự.

Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa chống tàu RGM-84 Harpoon

Những kịch bản dẫn đến chiến tranh Mỹ-Trung bùng nổ ảnh 7

Tàu ngầm Mỹ phóng tên lửa

Hải quân và Không quân Mỹ sẽ xác định mục tiêu là các căn cứ không quân, hải quân và những căn cứ tên lửa tên lửa chủ chốt trong nỗ lực tối đa hóa thiệt hại cho PLAN và PLAAF. Nhiệm vụ thứ ba sẽ phụ thuộc vào kết quả thành công của nhiệm vụ thứ nhất và thứ hai. Sự thất bại lực lượng viễn chinh Trung Quốc cùng với tổn thất nặng nề phương tiện chiến tranh của PLAN và PLAAF có thể gây bất ổn trong nước một thời gian ngắn hoặc kéo dài.

Lực lượng quân đội PLA cũng theo đuổi các mục tiêu quan trọng:

1. Đạt được mục đích tiến hành cuộc chiến viễn chinh đã đặt ra.

2. Tiêu diệt càng nhiều binh lực và sinh lực của lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ càng tốt.

3. Gây tổn thất thật đau đớn cho Mỹ để các chính quyền Mỹ trong tương lai không bao giờ có ý định can thiệp lần nữa.

4. Phá vỡ hoàn toàn hệ thống đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.

Nhiệm vụ đầu tiên là triển khai các lực lượng mặt nước PLAN, kết hợp với lực lượng không quân Trung Quốc PLAAF trinh sát nắm bắt mục tiêu và kế hoạch phòng thủ của quân đội Mỹ. Nhiệm vụ thứ hai: sử dụng các tàu ngầm, máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tiêu diệt lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh, tiêu diệt các chiến hạm Mỹ đang triển khai trên khắp Đông Nam Á.

Nhiệm vụ thứ ba, thứ tư của PLA tiếp theo nhiệm vụ thứ hai. Quân đội Trung Quốc sẽ nỗ lực gây thương vong nhiều nhất cho quân đội Mỹ để trong tương lai, Mỹ sẽ gặp khó khăn không thể vượt qua khi đưa ra quyết định sử dụng lực lượng vũ trang chống Trung Quốc.

Tương tự như vậy, sự tồn tại của hệ thống liên minh do Mỹ cầm đầu đòi hỏi Mỹ phải đánh bại những hành động bành trướng của Bắc Kinh. Nếu không thành công, hệ thống liên minh sẽ suy yếu dần và sụp đổ.

Mỹ đã không mất một máy bay nào kể từ sau cuộc chiến ở Kosovo 1999 và cũng không tổn thất một tàu chiến nào tính từ sau đại chiến thế giới thứ II và chiến tranh Việt Nam. Một chiến hạm bị đánh chìm trong xung đột với hải quân Trung Quốc sẽ gây tổn thất sinh mạng lớn nhất cho quân đội Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam, điều đó có nghĩa là áp lực chính trị sẽ vô cùng lớn.

Tuy nhiên, các chiến lược gia Mỹ và Trung Quốc đã thổi phồng quá mức ý nghĩa tổn thất của chiến hạm Mỹ cùng thủy thủ đoàn trong trận chiến. Việc tổn thất phương tiện chiến tranh và binh lực có thể sẽ khẳng định vị thế chính nghĩa cao cả của Mỹ trong thực hiện những thỏa thuận của Washington với đồng minh, chứ không phá hủy quan hệ và hình thành mặt trận đoàn kết mạnh mẽ chống lại hành động bành trướng của Trung Quốc.

Những khoảng khắc"nín thở"

Những khoảnh khắc khủng khiếp sẽ đến khi PLA thực hiện đòn tấn công nhằm tiêu diệt ít nhất một tàu sân bay Mỹ. Cuộc tấn công được coi là biểu hiện của sự leo thang chiến tranh ghê gớm nhất nhằm vào nước Mỹ, chỉ đứng sau cuộc tấn công hạt nhân. Nếu Trung Quốc quyết định tấn công tàu sân bay Mỹ, chiến tranh không còn liên quan đến những tuyên bố và gửi các công hàm ngoại giao, mà là quyết tâm toàn diện về năng lực triển khai lực lượng, đánh bại hoàn toàn, đánh tan rã và tiêu diệt lực lượng quân sự đối phương.

Các phương tiện thực hiện cuộc tấn công này có ý nghĩa rất lớn. Đòn tấn công có thể được thực hiện từ chiến hạm nổi hoặc tàu ngầm cũng như từ bất cứ hạm tàu quân sự nào của Trung Quốc là một cuộc chiến công bằng đối với Mỹ, nhưng có thể không dẫn đến những đòn tấn công từ phía Mỹ chống lại căn cứ không quân PLAAF, Lực lượng tên lửa chiến lược số 2 hoặc bất cứ căn cứ hải quân nào của Trung Quốc.

Các hình thức nguy hiểm nhất của cuộc tấn công là: các tên lửa đạn đạo nhằm tới một tàu sân bay. Điều không đơn giản này không phải những tên lửa đạn đạo rất khó đánh chặn, mà do tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. Khả năng một quốc gia hạt nhân sử dụng tên lửa đạn đạo thông thường chống lại quốc gia hạt nhân khác, đặc biệt khi quốc gia đó có lợi thế về vũ khí hạt nhân là một giả định không tưởng nhưng có thể sẽ gây lên một thảm họa ngoài chủ ý (chiến tranh hạt nhân cường độ thấp).

Cú "nín thở" tiếp theo sẽ là khi các tên lửa Mỹ bắt đầu tấn công các mục tiêu Trung Quốc. Với lợi thế áp đảo hạt nhân, làn sóng đầu tiên của đòn tấn công của Mỹ sẽ tạo ra sự căng thẳng đặc biệt đối với bộ máy chỉ huy quân đội Trung Quốc và lãnh đạo nhà nước. Điều này rất đúng nếu Trung Quốc tin rằng có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột thông thường nhưng sẽ cực kỳ lo ngại với câu hỏi, liệu Mỹ có sử dụng vũ khí hạt nhân tạo ưu thế áp đảo.

Nước Mỹ tin tưởng chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ triển khai lực lượng tàu ngầm trước khi bùng nổ chiến sự nhằm duy trì sức mạnh chiến lược. Các hạm đội tàu mặt nước là một vấn đề chiến dịch. Trong bất kỳ tình huống xung đột cường độ cao nào, Hải quân và Không quân Mỹ xác định các tàu chiến Trung Quốc là mục tiêu quan trọng cần tiêu diệt và sẽ tấn công với tất cả các phương tiên trên không và dưới mặt nước. Thậm chí ẩn nấp trong căn cứ cũng không tránh được những đòn công vào những hạm tàu lớn của PLAN, bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu vận tải, tàu đổ bộ.

Trung Quốc sẽ chỉ rút lực lượng PLAN trong hai trường hợp; Một: nếu họ nhận thấy lực lượng phòng thủ quá mạnh khiến lực lượng đặc nhiệm hải quân không thể hoàn thành nhiệm vụ, Hai, thế trận Trung Quốc trở nên tuyệt vọng. Trong cả hai tình huống, tàu ngầm Mỹ sẽ là những nguy cơ đe dọa trực tiếp các lực lượng tàu nổi.

Theo hầu hết các kịch bản chiến tranh, Trung Quốc phải chiến đấu nhằm đạt được những mục đích, không đơn thuần là tiêu diệt sinh lực quân đội Mỹ hoặc lực lượng phòng vệ Nhật Bản. PLAN phải tiến công xâm nhập, đánh chiếm, tiếp tế hậu cần kỹ thuật và tổ chức hệ thống phòng thủ bảo vệ các đảo tiền tiêu, rất có thể một trong những đảo của Đài Loan, một đảo nào đó của quần đảo Senkaku ở Hoa Đông hoặc các đảo nhân tạo tiền đồn ở Biển Đông. Bộ binh PLA sẽ thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu tiến công trong khi PLAN yểm trợ hỏa lực từ trên mặt biển.

Ai sẽ thắng?

Vấn đề khó khăn nhất để phán quyết vẫn là "ai sẽ thắng?". Câu hỏi liên quan đến giải một bài toán với rất nhiều ẩn số. Người Mỹ không thể biết các tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc sẽ hoạt động chính xác và có sức tàn phá thế nào? hoặc bằng cách nào các đòn tấn công mạng không gian ảo của Mỹ có thể gây tổn thất cho Hải quân Trung Quốc và đến mức nào? Máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor gây nguy hiểm đến mực nào cho máy bay chiến đấu thông thường của Trung Quốc hoặc các đơn vị trong binh chủng hợp thành của PLAN hiệp đồng tác chiến hiệu quả đến đâu? Cuối cùng là thời điểm nào cuộc chiến sẽ bắt đầu? PLA và quân đội Mỹ sẽ tác chiến khác nhau rất nhiều nếu xem xét ở thời điểm năm 2020 và những gì có thể ở năm 2014.

Bộ ba phương tiện chiến tranh đầy uy lực; tàu sân bay lớpFord, máy bay ném bom chiến lược B2Spirit và máy bay tiêm kích tàng hình F22_Raptor

Tuy nhiên, những yếu tố thông thường của các cuộc chiến thường có những vấn đề:

1.Tác chiến điện tử
Bằng cách nào người Mỹ có thể gây gián đoạn nghiêm trọng thông tin liên lạc, trang thiết bị điện tử, khả năng kiểm soát, chỉ huy, điều hành tác chiến? Khi tấn công các lực lượng vũ trang phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thông tin liên lạc giữa các lực lượng trinh sát, chỉ thị mục tiêu và yểm trợ hỏa lực.

Nếu quân đội Mỹ làm gián đoạn hoặc gây nhiễu loạn hệ thống thông tin liên lạc của đối phương, các lực lượng tiến công có thể gây tổn thất nặng nề cho PLA. Ngược lại, những đòn tấn công mạng của Trung Quốc có thể gây lên sức ép rất lớn trong nước cho các chính trị gia Mỹ.

2. Tên lửa phòng thủ tên lửa

Vấn đề tiếp theo là Hải quân và Không quân Mỹ có thể đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo và hành trình của Trung Quốc? PLAN, PLAAF, Lực lượng tên lửa pháo binh số hai có những sự lựa chọn tên lửa cực kỳ phức tạp khi tiến hành các đòn tấn công vào quân đội Mỹ, đã được triển khai và sẽ triển khai trong hệ thống phòng ngự chiều sâu.

Năng lực tấn công của quân đội Mỹ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của hệ thống phòng thủ chống tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như khả năng không kích phá hủy các hệ thống phóng tên lửa sâu trong đất liền và xung quanh biên giới Trung Quốc.

3. Hiệp đồng tác chiến

Các đơn vị quân binh chủng khác nhau của PLA sẽ hiệp đồng tác chiến thế nào bối cảnh các hoạt động chiến đấu bị gây nhiều khó khăn phức tạp với cường độ cao, mật độ hỏa lực lớn?

Không giống Mỹ, quân đội Trung Quốc có ít kinh nghiệm tác chiến hiện đại trong vòng ba thập kỷ qua. Ngược lại, quân đội Mỹ phải thực hiện “học thuyết tác chiến không biển - Air-Sea Battle", vấn đề liên kết phối hợp giữa Hải quân và Không quân Mỹ được chuẩn bị và sẵn sàng đến đâu trong chiến đấu tiến công – phòng ngự?

4. Chất lượng và số lượng

Lực lượng PLA được đánh giá cao là có khả năng giành được ưu thế số đông về phương tiện chiến tranh, chủ yếu là máy bay và tàu ngầm trong khu vực địa phương có giới hạn. Khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ quân sự và huấn luyện đào tạo sẽ quyết định, bằng cách nào lực lượng quân đội Mỹ có thể dành ưu thế và chiến thắng trong tình huống này.

Chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào?

Cuộc chiến tranh này không kết thúc với một sự kiện ký kết đầu hàng trên một chiến hạm. Thay vào đó, cuộc chiến kết thúc với một bên bị tổn thất nặng, cay đắng và tức giận, tiếp tục hô hào chuẩn bị cho vòng xoáy leo thang tiếp theo.

Kịch bản tốt nhất cho chiến thắng của Mỹ là một kết quả tương tự như sự sụp đổ của chính phủ Đức vào cuối Thế chiến I, hay sự sụp đổ của chính quyền quân sự Leopoldo Galtieri sau xung đột Falklands. Thất bại đau đớn trong chiến tranh bao gồm cả việc tiêu diệt hoàn toàn một phần quan trọng binh lực PLAN và PLAAF, nền kinh tế bị suy sụp nghiêm trọng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự rệu rã cơ chế quản lý của Trung Quốc. Đây là một viễn cảnh khá mơ hồ dù nhiều chính trị gia bàn luận về điều này. Nước Mỹ không nên tin vào chiến thắng sẽ dẫn đến cuộc cách mạng mới.

Điều gì nếu Trung Quốc thắng? Trung Quốc có thể tuyên bố chiến thắng khi buộc Mỹ sa lầy tại chỗ với những mục tiêu đặt ra, hoặc phá hủy các cơ chế hợp tác liên minh phòng thủ chung, động lực thúc đẩy và hợp pháp hóa những hành động kiên quyết của Mỹ hiện nay.

Mỹ không thể tiếp tục cuộc chiến nếu Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines không còn lợi ích trong chiến tranh và không có hy vọng dành thắng lợi. Một trong những yêu cầu cuộc chiến từ phía Trung Quốc là gây thiệt hại đáng kể binh lực và phương tiện chiến tranh, tiềm lực kinh tế Mỹ.

Tác động thất bại chính trị trong lòng nước Mỹ sẽ không khó để dự đoán. Hoa Kỳ đã từng "thất bại" vài cuộc chiến tranh trước đây, nhưng những thất bại đó có liên quan đến các cuộc xung đột tư tưởng ở một vùng dân cư địa lý của những khu vực, không đặc biệt quan trọng với lợi ích của Mỹ trên toàn cầu.

Không thể giải thích rõ ràng được cho người dân Mỹ về một thất bại quân sự lớn trước đối thủ ngang hàng, đặc biệt là đối thủ cạnh tranh, đang tiếp tục gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế. Tổng thống và các đảng chính trị, đưa Mỹ vào cuộc chiến tranh sẽ phải chịu đựng áp lực rất mạnh tại trong bầu cử, ngay sau khi cú sốc thất bại đối với xã hội đã chìm xuống.

Thách thức ngoại giao và chính trị lớn nhất mà cả hai quốc gia phải đối mặt là tìm kiếm giải pháp để đối phương có thể rút lui trong "danh dự." Không có lợi ích gì khi chiến tranh biến thành cuộc đấu tranh cho sự tồn tại chế độ hoặc vị thế quốc gia.

Hậu quả chiến tranh và duy trì hòa bình

Tương lai một cuộc xung đột Mỹ- Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào sự đánh giá cơ bản về thay đổi cán cân lực lượng sức mạnh kinh tế và quân sự. Chiến tranh thế giới thứ Nhất không thay đổi thực tế Đức vẫn trở thành quốc gia lớn mạnh nhất châu Âu. Tương tự như vậy, cuộc cũng không thay đổi đường lối và phương hướng tăng trưởng sức mạnh và sự quyết đoán của Trung Quốc.

Chìa khóa của hòa bình liên quan đến việc tái thiết quan hệ kinh tế sản xuất với Trung Quốc, Hoa Kỳ và phần còn lại của Thái Bình Dương. Bất kể thế nào chiến tranh bùng nổ, hậu quả là cuộc chiến sẽ phá vỡ các mô hình thương mại và đầu tư trên toàn thế giới.

Nếu một trong hai bên quyết định tấn công các tuyến đường vận chuyển thương mại quốc tế, tác động cuộc chiến sẽ tàn phá các doanh nghiệp và quốc gia không liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, hai chính phủ Mỹ và Trung Quốc phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ nhằm tạo thuận lợi cho việc nối lại những quan hệ thương mại đầy đủ, trước hết là hàng tiêu dùng.

Trung Quốc không khó khăn lắm để hàn gắn vết thương chiến tranh và tái phục hồi sức mạnh. Thậm chí nếu quân đội Mỹ có hủy diệt phần lớn binh lực PLAN và PLAAF, ngành đóng tàu và các ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc sẽ bù đắp tổn thất trong vòng một thập kỷ, có thể có sự hỗ trợ từ Nga và vài nước khác.

Thiệt hại đáng kể trong cuộc chiến tranh,Trung Quốc sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành công nghiệp đóng tàu và hàng không Nga bằng sức lao động của nhân dân. Hơn nữa, chiến tranh đối với Bắc Kinh là động lực cần thiết "hiện đại hóa" PLAN và PLAAF, tiêu diệt sự kế thừa các loại vũ khí phương tiện và phát triển lên tầm cao mới. Những hạm đội tàu quân sự và các không đoàn máy bay mới hoàn toàn sẽ thay thế lực lượng kế thừa.

Chiến tranh sẽ tiêu hao một số lớn quân nhân đã được rèn luyện, nhưng các kinh nghiệm thu được trong chiến đấu sẽ cho khả năng xây dựng lực lượng PLA mới, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả huấn luyện.

Cuộc chiến sẽ đào tạo ra các thế hệ tiếp theo của người lính, thủy thủ, phi công PLA cơ bản là thiện chiến hơn và hiểu được chiến tranh hiện đại. Thắng hay thua, quân đội Trung Quốc sẽ có khả năng gây nguy hiểm nhiều hơn một thập kỷ sau chiến tranh.

Mỹ có thể có một thời gian khó khăn hơn để bù đắp tổn thất trong chiến tranh, đơn giản không chỉ vì tàu chiến và máy bay có giá thành đắt hơn nhiều so với Trung Quốc. Các dây chuyền sản xuất F-15 và F-16 đang ở giai đoạn kết thúc, Mỹ không sản xuất F-22 thêm nữa. Hơn nữa, thời gian Mỹ đóng tàu nhằm thay thế những tổn thất sau chiến tranh đòi hỏi khá dài.

Minh chứng rõ nhất là vấn đề nghiêm trọng với “Joint Strike Fighter F-35”. Ý định của Lầu Năm Góc nhằm trang bị cho Không quân, Hải quân Mỹ, Thủy quân Lục chiến máy bay chiến đấu đa nhiệm F-35 các biến thể trong thập kỷ tiếp theo, cho dù là sự bất cập đã phá hỏng hoàn toàn kế hoạch xây dựng lực lượng quân đội cho tương lai.

Hoa Kỳ phải đối mặt với câu hỏi " có xứng đáng không?" Chiến thắng hay thất bại, Mỹ sẽ chịu đựng tổn thất quân sự đáng kể và thiệt hại nặng kinh tế. Ngay cả nếu Mỹ thắng, cũng sẽ không "giải quyết" được vấn đề Trung Quốc. Trong trường hợp không chắc chắn là chính quyền Trung Quốc sụp đổ, chế độ tiếp theo vẫn sẽ hung hăng tuyên bố về các vùng nước trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Chiến thắng quân sự có thể củng cố vững chắc hệ thống liên minh do Mỹ lãnh đạo, sứ mệnh kiềm chế Trung Quốc sẽ giảm đáng kể chi phí. Nếu cuộc chiến bắt đầu với động thái quyết đoán của Trung Quốc ở Hoa Đông hoặc Biển Đông.

Mỹ có thể cáo buộc Bắc Kinh là kẻ xâm lược và biến Trung Quốc thành tâm điểm cân đối cán cân lực lượng khu vực, hành vi xâm lược của Trung Quốc là động lực thúc đẩy các đồng minh trong khu vực ( ví dụ Nhật Bản) tăng chi tiêu quốc phòng, hình thành làn sóng tái vũ trang quân sự mới.

Cuộc chiến tranh sẽ tăng thêm sinh lực cho chính phủ Mỹ và sự năng động của xã hội xung quanh những dự án tăng cường sức mạnh dài hạn của Trung Quốc do các dự án này có thể đe dọa khởi chiến lần thứ 2. Nước Mỹ có thể đáp trả bằng việc gia tăng gấp đôi nỗ lực để vượt trên ngăn chặn PLA, khởi động cuộc chạy đua vũ trang kiểu Chiến tranh lạnh.

Hậu quả sẽ là suy thoái kinh tế cho cả hai bên. Hiện nay, sự thiếu hụt các mối đe dọa về ý thức hệ hoặc nguy cơ xâm lược lãnh thổ, vấn đề phát triển vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh Mỹ gặp khó khăn do phản ứng từ phía các chính trị gia cấp tiến.

Washington cũng có thể phải phản ứng tiêu cực bằng việc hủy bỏ ảnh hưởng của nước Mỹ trên chính trường Đông Á, giới hạn trong lĩnh vực quân sự. Sự lựa chọn này sẽ khiến nhiều người ở Mỹ khó có thể nuốt trôi, những thế hệ người Mỹ ngoài các nhà chính sách từ lâu luôn giữ trong đầu tham vọng bá quyền và lãnh đạo thế giới.

Nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ-Trung Quốc sẽ tồn tại trong một thời gian dài. Ngăn chặn chiến tranh sẽ đòi hỏi những kỹ năng siêu việt và sự nhạy bén của các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ. Các quốc gia ở cả hai bên với tham vọng dành chiến thắng sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, phát triển quân sự và tăng cường nguồn lực công nghệ trong tương lai. Thời điểm này cần nhớ Trung Quốc và Mỹ đã hình thành vùng kinh tế trung tâm hiệu quả nhất thế giới. Đây chính là vấn đề quan trọng cần được bảo vệ và phát triển.

Robert Farley là trợ lý giáo sư tại Trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson. Tác phẩm của ông gồm các học thuyết quân sự, an ninh quốc gia, hàng hải và hải quân. Robert Farley có các blogs về Luật sư, Vũ khí Tiền tệ và Cung cấp thông tin trên The Diplomat.

Trịnh Thái Bằng, theo QPAN