|
Ảnh minh hoạ |
Theo thông tin từ Bộ Tài chính về tình hình bảo lãnh Chính phủ năm 2015, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh trong năm lên tới trên 459.000 tỷ đồng (gần 21 tỷ USD), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Việc cấp bảo lãnh Chính phủ trong những năm qua tập trung vào các chương trình đầu tư đang thực hiện như chương trình phát triển đội bay của Tổng công ty hàng không Việt Nam (VNA), các dự án thuộc Sơ đồ Điện VII và dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội.
Ngành điện: Vay càng nhiều, lỗ càng lớn
Trong đó, riêng với ngành điện năm 2015 có 4 dự án nguồn điện (gồm 2 dự án nhiệt điện và 2 dự án thủy điện), được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng trị giá gần 2,1 tỷ USD. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu để đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) và Duyên Hải (Trà Vinh).
Việc cấp bảo lãnh cho 2 dự án nhiệt điện lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, đã nâng tổng số vốn cam kết bảo lãnh Chính phủ của ông lớn trong ngành điện lên thêm gần 2 tỷ USD và nâng tỷ trọng từ 56,14% tổng số nợ vay của lĩnh vực điện vào cuối năm 2014, lên 61,02% vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, báo cáo Bộ Tài chính đưa ra lưu ý là EVN và các tập đoàn, tổng công ty điện lực sẽ phải tiếp tục xử lý vấn đề thua lỗ do chênh lệch tỷ giá hàng năm do nguồn thu từ bán điện bằng nội tệ, trong khi có nhiều khoản vay lớn bằng ngoại tệ.
Nguồn: Bộ Tài chính
"Trong trường hợp EVN và PVN tiếp tục có các dự án đầu tư cần triển khai với khối lượng huy động vốn lớn, trong năm tới cần có Chính phủ bảo lãnh, Quốc hội xem xét phê duyệt tổng thể việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho dự án này để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia" - Bộ Tài chính cảnh báo.
Đồng thời, cơ quan quản lý ngân sách quốc gia cũng đưa ra khuyến nghị với Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành điện, là cần thực hiện giám sát, báo cáo Thủ tướng các khoản lỗ này để xem đây có phải là khoản lỗ do thực hiện chính sách hay không để đảm bảo tiêu chí doanh nghiệp không bị lỗ khi xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định.
Đồng thời, trong quá trình quản lý danh mục đầu tư, theo xu hướng cổ phần hóa các DNNN, Bộ Tài chính khuyến nghị EVN cần có sự hoạch định chiến lược về quản lý tài sản và nghĩa vụ nợ sau đầu tư để đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ.
Đối với các doanh nghiệp khác đầu tư vào lĩnh vực điện, phần lớn đều đảm bảo nguồn trả nợ. Một số khó khăn phát sinh trong quá trình đảm bảo nguồn tiền trả nợ là việc chậm thanh toán từ công ty mua bán điện của EVN, dẫn đến các công ty phát điện bị hụt nguồn trả nợ tạm thời, song đến nay chưa có trường hợp nào chậm trả nợ (trừ 1 dự án bất khả kháng). Thậm chí, có trường hợp hai dự án thủy điện đã tái cơ cấu và trả nợ trước hạn.
Ngành xi măng: Nhiều dự án đã trả hết nợ
Khác với ngành điện, trong năm 2015 lĩnh vực xi măng không còn tiếp tục được cấp bảo lãnh Chính phủ. Đáng chú ý, dự án xi măng Hoàng Mai đã trả nợ trước hạn toàn bộ dư nợ đối với Quỹ Tích lũy trong năm 2015 và kết thúc nghĩa vụ nợ với Bộ Tài chính, với số tiền 102 tỷ đồng.
Dự án Xi măng Tây Ninh cũng đã chủ động tái cơ cấu bằng cách trả nợ trước hạn nước ngoài để tất toán nghĩa vụ vay được Chính phủ bảo lãnh với trị giá 41,1 triệu USD.
Dự án Xi măng Đồng Bành cũng hoàn thành việc tái cơ cấu khoản vay và đã ổn định việc đảm bảo trả nợ đến hạn cho bên vay trong năm 2015, không tiếp tục phải ứng trả từ Quỹ Tích lũy. Ngoài ra, các dự án xi măng Tam Điệp, Hải Phòng đã ổn định sản xuất hơn và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ sau tái cơ cấu.
Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, xi măng đang là lĩnh vực có nhiều dự án gặp khó khăn nhất đang phải tái cơ cấu dự án, tái cơ cấu khoản vay như dự án xi măng Sông Thao, Thái Nguyên và Hạ Long.
Theo Bộ Tài chính, sự phối hợp trong quá trình tái cơ cấu của các Bộ chủ quản gồm Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cần được chú trọng hơn nữa để thúc đẩy và rút ngắn thời gian tái cơ cấu, giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, từ đó đảm bảo khả năng trả nợ, giảm dần lệ thuộc vào sự hỗ trợ của Chính phủ.
Ngành giao thông: Nút thắt từ chính sách
Trong năm 2015 có 1 dự án giao thông đường bộ được cấp bảo lãnh Chính phủ để vay vốn thương mại, đó là dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua La Sơn - Túy Loan.
Tuy nhiên, do các dự án thực hiện theo hình thức công tư kết hợp vẫn đang trong giai đoạn đầu, chính sách áp dụng chưa hoàn thiện nên Bộ Tài chính cho rằng việc bảo lãnh cho các nhà đầu tư vay vốn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có tính đến đặc thù để đảm bảo kết hợp hài hòa trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước và khối tư nhân.
Ngành ngân hàng: Áp lực trả nợ từ trái phiếu kỳ hạn ngắn
Dư nợ trái phiếu Chính phủ bảo lãnh tính đến ngày 31/12/2015 của Ngân hàng phát triển Việt Nam là 127.652,57 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội là 33.866 tỷ đồng. Riêng trong năm 2015 Ngân hàng Phát triển phát hành 33.994 tỷ đồng và Ngân hàng chính sách xã hội phát hành 14.949 tỷ đồng; trả nợ tương ứng là 60.906,47 tỷ đồng và 12.942 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính thì do kỳ hạn trái phiếu ngắn, tập trung 3 và 5 năm, nên gây rủi ro lớn về tái cấp vốn. Do vậy, phần lớn trái phiếu phát hành của hai ngân hàng trong các năm tới phải dùng để trả nợ gốc, lãi đến hạn.
Theo Trí thức trẻ