Năm 2024, Thừa Thiên Huế phấn đấu kinh tế số đạt 15% GDP địa phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Năm 2023, Thừa Thiên Huế tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi số (DTI), là điểm sáng trong xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh với tiêu chí lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Quang cảnh ngày hội chuyển đổi số Huế
Quang cảnh ngày hội chuyển đổi số Huế

Năm 2024, kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 15% GDP địa phương

Sáng ngày 3/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH và quốc phòng - an ninh năm 2024, nhằm đánh giá kết quả kết quả phát triển KT-XH và Quốc phòng-An ninh tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 và định hướng năm 2024.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, năm 2023, hoạt động chuyển đổi số và kinh tế số của Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu về chỉ số Chuyển đổi số (DTI).

vt-kinh-te-so-1-1937.png
Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo ông Sơn, Thừa Thiên Huế là điểm sáng trong xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh với tiêu chí lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngay từ năm 2018, Thừa Thiên Huế đã quan tâm đến việc xây dựng, khai thác dữ liệu và đưa vào vận hành Hệ thống dữ liệu mở của tỉnh nhằm mục tiêu thu thập, chia sẻ các bộ dữ liệu, kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông với Cổng dữ liệu Quốc gia; hướng đến sự minh bạch và phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó ứng dụng di động Hue-S đã và phát huy được hiệu quả trong quản lý điều hành của địa phương.

Tính đến nay, Thừa Thiên Huế đã có 115 bộ dữ liệu của 32 cơ quan, đơn vị công bố trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh thuộc các lĩnh vực như: Văn hoá, y tế, giáo dục, nông nghiệp, TN&MT, GTVT,… Ứng dụng Hue-S đã thu hút hơn 1 triệu lượt người tải và sử dụng.

vt-kinh-te-so-hue-4089.png
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế

Với mục tiêu, triển khai các nội dung về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, năm 2024, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu 90% doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng; tỷ trọng kinh tế số đạt 15% GDP toàn tỉnh; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 60%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt khoảng 55%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 1,7%.

Thành lập Hội doanh nghiệp kinh tế số để thúc đẩy kinh tế

Về phát triển chính quyền số, năm 2024, Thừa Thiên Huế phấn đấu 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh kết nối hạ tầng mạng băng thông rộng trên mạng chuyên dùng của Chính phủ để đáp ứng triển khai các dịch vụ số, đảm bảo an toàn thông tin; 50% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền;

Bên cạnh đó, cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các đơn vị cung cấp dịch vụ công thực hiện triển khai công tác số hóa phục vụ chuyển đổi mô hình công sở số; phấn đấu đạt 90% tiêu chí về hoàn thiện chính quyền số. Phấn đấu chỉ số người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%...

Đối với mục tiêu phát triển xã hội số, năm 2024, Thừa Thừa Thiên Huế sẽ có 75% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 75% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 40%.

vt-kinh-te-so-2-5477.png
Trung tâm IOC Thừa Thiên Huế

Bên cạnh đó, người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 50%; 80% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80%; hơn 60% người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản; hơn 50% dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hơn 30% dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa; hơn 75% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử…

“Đặc biệt để thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, năm 2024, Sở TT&TT tỉnh xin phép UBND tỉnh cho thành lập Hội doanh nghiệp kinh tế số để đồng hành, thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”- Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế xếp thứ 28 cả nước

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của tỉnh ước đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 tỉnh/thành cả nước và 9/14 tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; cao hơn bình quân cả nước (ước đạt 4,7-5,8%).

Tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 72.865 tỉ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 63,1 triệu đồng (2.680 USD/người), tăng 8,5-9,5% so cùng kỳ.

Trong đó, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng mạnh với mức tăng 8,64%; ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, tổng lượng khách du lịch cả năm tăng mạnh ước đạt 3,2 - 3,3 triệu lượt khách, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng chỉ đạt 5,12%; lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện.