|
Ông Trần Hy Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh, bị xét xử và nhận án 16 năm tù. |
Bàn về vấn đề quan chức dính “song sắc”, trang web của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 1/2/2018 từng có bài bình luận “Đừng để quyền lực mà đảng và dân giao cho rơi vào cạm bẫy quyền sắc”. Bài báo viết: Theo thống kê, trong các thông báo quan chức ngã ngựa của UBKTKLTW, phần lớn quan tham đều dính đến “song sắc”. Do quan niệm “đóng cửa bảo nhau” nên trước đây, vấn đề “chuyện đời tư” của quan chức đều thuộc “vùng mù” khi điều tra giám sát, dẫn đến việc một số quan chức quá sa đà vào đời sống thanh sắc tầm thường, thậm chí dùng cả tiền lẫn quyền để đổi lấy nữ sắc; trong đó nổi bật nhất là các ông Chu Vĩnh Khang (Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Chính pháp Trung ương), Lệnh Kế Hoạch (Cựu Bí thư Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương và Phó chủ tịch Chính Hiệp, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương) và Tôn Chính Tài (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh).
|
Trần Hy Đồng khi còn là Bí thư thành ủy Bắc Kinh
|
Tuy nhiên, không phải đến thời kỳ ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, phát động phong trào “đả Hổ đập Ruồi, săn Cáo” mới có các quan chức “quốc cấp” bị gục ngã trước cửa ải mỹ nhân, cạm bẫy tình ái...
Trần Hy Đồng, “Hổ” đầu tiên gục ngã trước nữ sắc
Cách đây hơn 20 năm, ngày 31/7/1998, Tòa án Bắc Kinh đã mở phiên tòa tuyên phạt Trần Hy Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh 16 năm tù vì các tội tham ô, xao lãng nhiệm vụ. Trần Hy Đồng không phục, chống án lên trên; ngày 20/8 cùng năm, Tòa án Tối cao Trung Quốc mở phiên phúc thẩm, giữ nguyên mức án phạt. Ngày 31/5/2006, Trần Hy Đồng được phép bảo lãnh tại ngoại chữa bệnh, đến 2/6/2013 thì bị chết vì bệnh.
Vụ án Trần Hy Đồng từng gây chấn động Trung Quốc một thời bởi ông ta là quan chức cấp cao nhất kể từ năm 1949 đến thời điểm đó bị đưa ra tòa xét xử vì phạm tội kinh tế; một lý do nữa là ông ta là người lãnh đạo cao nhất của chính quyền thành phố Bắc Kinh khi xảy ra “Sự kiện Thiên An Môn 1989”; mặt khác Trần Hy Đồng từ chức Bí thư thành ủy và bị xử lý kỷ luật từ 1995 nhưng mãi đến 1998 mới được đem ra xét xử cũng gây nên nhiều điều dị nghị…
Trần Hy Đồng tháng 9/1981 vào Ủy ban thường vụ thành ủy; từ 1983 đến 1993 là Thị trưởng Bắc Kinh; từ 4/1988 đến 3/1993 kiêm nhiệm chức Ủy viên Quốc vụ (tương đương Phó Thủ tướng); từ 10/1992 đến 9/1995 là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Bắc Kinh. Ông là Ủy viên TW các khóa 12, 13, 14 và Ủy viên Bộ Chính trị khóa 14.
|
Phó Thị trưởng Bắc Kinh Vương Bảo Sâm, người tự sát chết dẫn đến việc Trần Hy Đồng bị điều tra.
|
Ngày 4/7/1995, UBKTKLTW Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định tiến hành thẩm tra vấn đề của Trần Hy Đồng do khi điều tra vụ Phó thị trưởng Bắc Kinh Vương Bảo Sâm tự sát (ngày 4/4/1995) đã bộc lộ việc Trần Hy Đồng tham ô. Tháng 9/1995, ông ta bị bãi bỏ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị và đại biểu Quốc hội khóa 8 vì “thôn tính các đồ vật quý giá, hủ hóa trụy lạc, mưu chiếm lợi ích phi pháp và thiếu trách nhiệm nghiêm trọng”, ông bị cáo buộc đã tham ô 24 triệu USD trong khi chỉ đạo xây dựng các công trình phục vụ ASIAD và mua nhiều nhà, chu cấp cho nhiều người tình; tổng số tiền liên quan đến vụ án lên tới 2 tỷ USD. Ngày 29/8/1997 Trần Hy Đồng bị khai trừ đảng và cách bỏ mọi chức vụ trong, ngoài đảng. Ngày 27/2/1998, Trần Hy Đồng bị Viện Kiểm sát tối cao phát lệnh bắt giữ; ngày 31/7/1998, ông ta bị Tòa án Bắc Kinh đưa ra xét xử và tuyên phạt 16 năm tù về các tội “tham ô, lơ là trách nhiệm”. Trước đó, vào năm 1997, con trai ông là Trần Tiểu Đồng cũng bị phạt 12 năm tù vì tội nhận hối lộ.
Sau khi Trần Hy Đồng bị quật ngã, báo chí bắt đầu phanh phui những chuyện bên lề, những điều thị phi về cuộc sống của ông ta; như chuyện Trần Hy Đồng sống xa hoa trụy lạc và chi hàng tỷ tệ tiền công cho việc bao nuôi những cô người tình. Tại huyện Thuận Nghĩa ở ngoại thành Bắc Kinh, ông ta cho xây một biệt thự 3 tầng cực kỳ xa hoa, ngoài những người thân tín ra, không ai được bén mảng đến. Trong nhà, tay nắm cửa, vòi nước, thậm chí tay giật bồn cầu đều đúc bằng vàng; đồ nội thất toàn hàng nhập khẩu đắt tiền. Những người đến tham quan kể lại: bên ngoài biệt thự nhìn không có gì đặc biệt, nhưng vào bên trong thì mới thấy cực kỳ hào hoa, sang trọng.
|
Trần Hy Đồng viết thư pháp.
|
Để gặp gỡ nhiều phụ nữ trẻ xinh đẹp, Trần Hy Đồng đã sai Vương Bảo Sâm (Phó Thị trưởng Bắc Kinh) chi 35,21 triệu NDT xây dựng thêm 2 biệt thự nữa và đặt tên cho biệt thự của ông ta là “Dã vị trai” (Món ăn dân dã). Rốt cục Trần Hy Đồng đã “xài” bao nhiêu phụ nữ thì chắc ông ta cũng không nhớ hết. Theo lời khai của cô người mẫu Dương Mai bị bắt sau này, riêng tại biệt thự “Dã vị trai” thì ngoài bản thân cô, Trần Hy Đồng còn lợi dụng quyền thế để gian dâm với 15 cô gái khác.
Điều khiến người ta kinh ngạc nhất là phòng ngủ, nơi Trần Hy Đồng hành lạc cùng các ả người tình được trang trí thể hiện phong cách đồi trụy, tha hóa của ông ta. Theo lời kể của những người được vào tham quan, trong phòng đặt một chiếc giường rất lớn, từ ga trải giường đến bộ sa-lon đều màu hồng phấn, trước giường là tấm gương lớn hàng nhập khẩu, đèn cũng là hàng nhập. Xung quanh tường toàn là ảnh các phụ nữ trẻ khỏa thân khổ lớn chụp các tư thế khêu gợi; trong đó có một bức chụp một cô người tình của ông ta được in ở Hong Kong mang về. Trần Hy Đồng và con trai có chung một người tình trẻ là một nữ nhà báo. Theo các nhân viên điều tra, ông ta còn ghi hình lại những cuộc truy hoan với các cô người tình và cho ghi đĩa những ca khúc ông ta hát cùng các cô người tình kèm theo những hình ảnh khiêu dâm để “trợ hứng”.
|
Người tình Hà Bình của Trần Hy Đồng.
|
Sau khi Trần Hy Đồng bị kết án 16 năm tù, ông Úy Kiến Hành, người được giao chức Bí thư thành ủy Bắc Kinh đã nói: “Trần Hy Đồng và một số cán bộ lãnh đạo Bắc Kinh trụy lạc đến mức kinh sợ. Họ xấu xa hơn đám Lưu Thanh Sơn, Trương Tử Thiện khi xưa hàng trăm lần. Đám người này cờ bạc, nhậu nhẹt, gái gú đủ cả, thối nát từ trong ra ngoài”.
Theo tạp chí “Lam Thuẫn” chuyên về pháp chế, trong số cả bầy người tình của Trần Hy Đồng có 5 cô nàng khiến ông ta “khắc cốt ghi tâm”, được gọi là “Ngũ đóa Kim hoa”.
Hà Bình – mỹ nhân Sở Du lịch khiến Trần Hy Đồng mê mệt suốt 6 năm
Cô sinh viên Hà Bình có vẻ đẹp bẩm sinh, lại ăn mặc hợp mốt, biết trang điểm, cơ thể nở nang, rất quyến rũ, sau khi tốt nghiệp đại học được phân công về một cơ quan thuộc ngành du lịch Bắc Kinh. Năm 1984, khi Trần Hy Đồng là Thị trưởng Bắc Kinh, một lần xuống kiểm tra Sở Du lịch, Hà Bình được phân công tiếp ông ăn trưa. Sửng sốt trước vẻ xinh đẹp, quyến rũ của cô, đêm đó Trần Hy Đồng mất ngủ. Năm 1985, Trần Hy Đồng được giao làm Chủ tịch Ủy ban tổ chức ASIAD Bắc Kinh 1990. Khi xét duyệt danh sách đoàn đại biểu đi dự hội nghị ở Tokyo, Trần Hy Đồng yêu cầu cho Hà Bình, cán bộ tuyên truyền của Sở Du lịch theo tháp tùng. Sau chuyến đi đó, về nước, Trần Hy Đồng cho thư ký sang nhắc Ban Tổ chức chính quyền lưu ý Hà Bình. Ít lâu sau, Hà Bình được đề bạt làm Tổng giám đốc một khách sạn lớn của Sở Ngoại vụ. Để báo đáp, cô nàng chuẩn bị một phòng riêng rất xa hoa làm nơi đón Trần Hy Đồng đến hành lạc. Sau khi vụ việc của Trần Hy Đồng vỡ lở, Hà Bình cũng bị bắt.
Lưu Phương – người đẹp được gả chồng để “đổ vỏ”
Lưu Phương là biên tập viên kiêm đạo diễn của Đài Truyền hình Bắc Kinh (BTV) tuy chưa làm được bộ phim nào, nhưng trong mắt cánh đàn ông si tình, Lưu Phương có vẻ đẹp thanh tân, quyến rũ, nổi bật trong cả bầy mỹ nữ ở BTV. “Nữ thần tình ái” trong con mắt cánh mày râu đó đã bị Trần Hy Đồng tìm cách chiếm làm của riêng. Trần Hy Đồng rất hân hoan khi ông ta là người được Lưu Phương dâng cho thứ quý nhất của đời con gái. Khi đó Lưu Phương không có tham vọng gì và cũng không nghĩ là có ngày Trần Hy Đồng sẽ trở thành “vua Bắc Kinh”.
|
Người tình Lưu Phương của Trần Hy Đồng.
|
Rất yêu chiều người đẹp, nhưng Trần Hy Đồng cũng thẳng thắn: “Anh không thể bỏ vợ được; em phải kết hôn với người khác”. Sau đó, nguyện làm tất cả vì người tình, Lưu Phương đã chấp nhận lấy người mà Trần Hy Đồng lựa chọn cho. Người đó là Cao Minh Khởi, một đệ tử trung thành của ông ta. Cũng nhờ lấy Lưu Phương mà Cao Minh Khởi được Trần Hy Đồng nâng đỡ, nhưng với cái giá phải làm kẻ bị cắm sừng. Khởi rất sợ Trần Hy Đồng, mỗi khi Trần Hy Đồng đến nhà, Khởi phải tìm cách lánh đi chỗ khác để quan trên thoải mái hành lạc với vợ ngay tại nhà mình. Một lần Đồng mời vợ chồng Khởi, Phương đi ăn tối tại Nhà hàng quay trên đỉnh tòa nhà Bảo Lợi. Tại bàn ăn, khi rượu đã ngà ngà, Khởi cung kính thẳng thắn bày tỏ anh ta không muốn ở lại cơ quan nữa, muốn ra ngoài mở công ty kinh doanh. Trần Hy Đồng hỏi ngay: “Cậu cần bao nhiêu tiền”. Khởi đáp “Khoảng 30 triệu tệ”. “Không có vấn đề gì, tôi cho cậu 50 triệu, được chứ?”. Khởi mừng rỡ cám ơn. Ăn xong, Đồng bảo Khởi viết giấy đề xuất ứng tiền, ông ta ký rồi nói: “Mai cậu đưa giấy cho Vương Bảo Sâm rồi nhận tiền”. Sau đó, ông ta dẫn Lưu Phương vào phòng khách sạn nghỉ, để Cao Minh Khởi tự về một mình.
Lưu Phương là người phụ nữ đặc biệt nhất trong số những người tình của Trần Hy Đồng. Cô ta không vòi vĩnh tiền bạc, địa vị hay đòi hưởng thụ vật chất. Thứ cô muốn chỉ là tình yêu của Trần Hy Đồng. Cho nên, khi mà tình cảm của ông ta với cô ngày càng nhạt dần, Lưu Phương đã quyết định chủ động rời xa ông ta. Ít lâu sau đó, Cao Minh Khởi đề nghị ly hôn, cô cũng vui lòng chấp nhận.
Sau khi ly hôn, Lưu Phương cũng xin nghỉ việc ở BTV, cô rời khỏi Bắc Kinh chuyển đi làm việc tại vùng dân tộc Ngõa ở một tỉnh biên giới xa xôi hẻo lánh.
|
Trần Hy Đồng khi bị giam giữ trong nhà tù Tần Thành.
|
Hoa thơm chơi cả cụm, gian dâm với em vợ
Bà vợ Trần Hy Đồng tên là Hoài Nam, bà kết hôn và sống với chồng mấy chục năm, sinh cho Đồng 2 con trai tên là Trần Tiểu Hy và Trần Tiểu Đồng. Bà có cô em gái tên là Hoài Bắc. Cả hai chị em đều xinh đẹp, Hoài Bắc thấp hơn chị, nhưng lại đầy đặn, nở nang hơn. Từ khi quen biết Trần Hy Đồng là cuộc đời Hoài Bắc đã bước sang trang bi thảm. Sau này, trong hồi ký của mình, bà Hoài Nam viết: “Ông ta tuy kết hôn với tôi, nhưng người ông ta yêu thực sự lại là Hoài Bắc”.
Một lần, Trần Hy Đồng nói với vợ về Hoài Bắc: “Em nó không thật xinh đẹp, nhưng rất có cá tính, khí chất lại cao nhã, rất đáng yêu, không thể để cô ấy chịu khổ ở Binh đoàn (sản xuất xây dựng Tân Cương) được…”. Bà Hoài Nam hỏi phải làm thế nào? Trần Hy Đồng nói sẽ nhờ người xin chuyển cho Hoài Bắc về công xã Thập Tam Lăng, sau đó tìm cơ hội để bố trí công tác.
Theo Hoài Nam kể lại trong hồi ký, một buổi sáng, sau một đêm vợ chồng nồng cháy trên giường, bà dậy muộn, Trần Hy Đồng đã đi làm, bà mở tủ đầu giường tìm cuốn tạp chí để xem tình cờ phát hiện thấy có một cuốn album ảnh, khi giở nó ra xem thì một bức ảnh rơi ra; nhặt lên xem, bà sững sờ khi thấy trong ảnh là chồng mình gần như khỏa thân nằm phơi nắng trên bãi biển, người con gái trong bộ bikini mỏng manh đang ôm ghì lấy Trần Hy Đồng chính là cô em gái Hoài Bắc.
Sau khi chuyện anh rể và em vợ gian dâm bị phát giác, giữa hai vợ chồng bùng nổ cuộc chiến tranh gia đình, cho đến khi Hoài Bắc bỏ nhà ra đi.
3 tháng sau, Trần Hy Đồng được giao giữ chức Phó Thị trưởng. Cha mẹ bà Hoài Nam xuất phát từ danh dự gia đình và tiền đồ chính trị của con rể đã ra sức thuyết phục Hoài Nam không được để chuyện bê bối gia đình lộ ra ngoài, không được ly hôn. Nghĩ đến em gái và 2 đứa con, Hoài Nam đành nghe theo, nhưng bà không bao giờ tha thứ cho hành vi phi luân của chồng!
|
Cô người tình Dương Mai của Trần Hy Đồng
|
Dương Mai – món lạ ở “Dã vị trai”
Như trên đã nói, để được hò hẹn, gặp gỡ thêm nhiều phụ nữ đẹp, Trần Hy Đồng đã chỉ đạo và dung túng cho Vương Bảo Sâm dùng 35,21 triệu NDT xây dựng 2 biệt thự ở ngoại ô Bắc Kinh và đặt tên cho biệt thự là “Dã vị trai”. Trong “Dã vị trai” này, ông ta lùng được một phụ nữ “dã vị” (món ăn đồng quê) tên là Dương Mai. Về mặt nhục thể, Đồng phải thừa nhận đây là một “báu vật hoàn mỹ”; cứ khi nào rảnh được là ông ta lao về “Dã vị trai” để xài món “ngon, lạ” này. Sau khi vụ án Trần Hy Đồng bị phanh phui, Dương Mai đột nhiên biến mất, cô ta đã ra đi dưới sức ép vừa rắn vừa mềm của Trần Hy Đồng; trước khi đi, Đồng cho cô ta 200 ngàn tệ. Trần Hy Đồng tưởng rằng Dương Mai sẽ ra đi mãi mãi, không ngờ không đầy 2 năm sau, cô ta quay trở lại Bắc Kinh và bị bắt. Dương Mai đã khai tuốt những gì xảy ra trong “Dã vị trai” cho cơ quan điều tra.
Tiếp viên vũ trường cũng không tha
Lang Lang là một tiếp viên ở khu vui chơi dưới chân cầu vượt Tây Trực Môn, vóc dáng nở nang, quyến rũ, rất kích thích mọi đàn ông đến nơi chốn này. Vương Bảo Sâm để lấy lòng Trần Hy Đồng đã dâng cô ả cho sếp trên. Đồng vừa nhìn thấy người đàn bà đậm sắc màu nhục dục này đã thấy hứng thú, lập tức kết đôi. Sau đó, Lang Lang thỏ thẻ xin Trần Hy Đồng cho vào Nhà máy 701, làm chức trưởng ban gì đó. Đồng nhận lời, nói “chỉ cần em ngoan, anh nói một câu là xong. Để xem em đối với anh thế nào đã…” Lang Lang nghe nói mừng rỡ, hai người từ đó bện chặt lấy nhau…
Sau khi Trần Hy Đồng bị bắt, Lang Lang trốn biệt về quê ở Cáp Nhĩ Tân không bao giờ quay trở lại Bắc Kinh nữa.
(Còn tiếp)