|
Ông Trầm Bê đã rút khỏi việc điều hành ngân hàng |
Nguồn cơn của những "con sóng thần" trong tuần qua bắt đầu từ ngày 11/8, khi NHTW Trung Quốc (PBOC) phá giá đồng Nhân dân tệ 1,9%. Chưa dừng ở đó, tỷ giá CNY/USD tiếp tục được PBOC công bố tăng 1,6% trong ngày 12/8 và 1,1% trong ngày 13/8, kéo theo một loạt các quốc gia khác điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ và nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ xảy ra.
Trong khi đó, diễn biến trong nước cũng hết sức nhộn nhịp, bắt đầu từ việc NHNN bất ngờ tăng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% từ 12/8. Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn ở mức 21.673 VND/USD, biên độ tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi mức tỷ giá trần là 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.
Thị trường đã ngay lập tức phản ứng, các ngân hàng thương mại neo kịch trần giá USD. Thị trường tự do đã có thời điểm giao dịch giá bán USD chạm mức 22.200 đồng.
“Ăn theo” tỷ giá, giá vàng cũng liên tục nhảy nhót sôi động trên bảng điện tử. Theo thống kê, trong một ngày giá vàng đã được điều chỉnh đến 30 lần và chỉ trong vòng hai ngày 12/8 và 13/8, mỗi lượng vàng đã tăng 1,7 triệu đồng, chạm mốc 35 triệu đồng/lượng - cao nhất trong hơn 1 tháng.
Đáng lưu ý, giá vàng tăng nhanh không chỉ về giá mua giá bán mà còn có sự giãn rộng khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra từ vài chục nghìn đồng trong những ngày trước lên 300 - 400 nghìn đồng/lượng. Việc khoảng cách giá giãn rộng là bởi các doanh nghiệp muốn phòng ngừa rủi ro khi giá lên xuống thất thường.
Có nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp đã kiếm lời 10 tỷ đồng từ việc lướt sóng vàng và ngoại tệ trong ngày 12/8. Tuy nhiên đối với người dân bình thường, họ không còn xếp hàng rồng rắn mua bán vàng như trước. Họ tỏ ra bình tĩnh và có phần thờ ơ.
Giữa lúc tỷ giá và vàng chưa kịp hạ nhiệt thì thị trường lại đón nhận thêm nhiều “cú shock” về tình hình ngân hàng trong nước.
Cuối ngày 13/8, NHNN công bố thông tin ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Sacombank, PNB sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên liên quan.
Như vậy, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập. Đồng thời NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan, và sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu của hai ngân hàng.
Ông Trầm Bê cũng cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông Trầm Bê và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Trầm Bê.
Chưa kịp hết bàng hoàng về đại gia Trầm Bê, ngay sau đó một ngày, thị trường lại rúng động với thông tin Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) vào diện kiểm soát đặc biệt.
Kết quả thanh tra của NHNN cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, DongABank có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của DongABank.
NHNN công bố thông tin sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt ngân hàng Đông Á và đưa cán bộ có năng lực của BIDV vào tiếp quản ngân hàng này.
Khép lại một tuần đầy biến động, tình hình tiền tệ tại Trung Quốc đã bớt căng thẳng, đồng Nhân dân tệ đã tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, quốc gia này đang toan tính gì và liệu còn tạo ra những cú va đập mạnh khó lường đến các kênh đầu tư trên toàn cầu nữa hay không vẫn khiến nhiều người nghi ngại. Trong đó, có khả năng NHNN sẽ còn tiếp tục điều chỉnh tỷ giá USD/VND trong năm nay không cũng là câu hỏi được nhiều chuyên gia, tổ chức đưa ra.
Theo Trí thức trẻ