Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá, năm 2017 thị trường bất động sản đã tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng, giữ được sự phát triển tương đối ổn định; các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản đã có sự tái cơ cấu lại hợp lý hơn; trong đó, phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền giữ vai trò chủ đạo và có tính thanh khoản cao; nhiều dự án bất động sản đã tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ, tạo nên không gian sống tốt hơn theo xu thế "bất động sản xanh"; nhiều chủ đầu tư dự án đã rất coi trọng xây dựng uy tín thương hiệu, có trách nhiệm với khách hàng và xã hội.
Năm 2018, dự báo thị trường bất động sản có thể vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng; phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền loại căn hộ 1-2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 01 tỷ đồng/căn giữ vai trò chủ đạo và dự báo giá bán nhà ở sẽ không có biến động lớn; các dự án "bất động sản xanh", có không gian sống thân thiện môi trường theo hướng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là xu thế được lựa chọn.
Nhưng thị trường bất động sản năm 2018 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về quan hệ cung - cầu; tiếp cận quỹ đất đầu tư; thủ tục hành chính; thiếu vốn; nhưng trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, nhiều chính sách, quy định mới đã và sẽ ban hành có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, như: Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sẽ định hướng phát triển thị trường bất động sản du lịch trong năm 2018 cũng như trong trung hạn và dài hạn; Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, sẽ tạo điều kiện để tái khởi động lại các dự án bất động sản là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu đang bị ngừng triển khai; Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện để thành phố bức phá, là đầu tàu của nền kinh tế, là đô thị hạt nhân cùa Vùng thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản thành phố và cả khu vực.
Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế); và sẽ xem xét ban hành nhiều dự luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản như: "Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai"; "Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị"; "Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp"; "Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị"; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế thu nhập cá nhân".
Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 với chuyên đề cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh; và đã chỉ đạo Bộ Tư pháp thực hiện "Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), về hoàn thiện pháp luật đăng ký tài sản: động sản và bất động sản"..., sẽ giúp ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng cho các hoạt động của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 là 45%, từ ngày 01/01/2019 là 40% và vẫn quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản như Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Ngày 23/01/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; Hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp; Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản.