Giá bánbất động sảntại thị trường Hà Nội từ đầu năm đến nay tăng cao, nhưng điều lạ là buổi mở bán dự án nào cũng đông nghẹt khách hàng tham gia. Thậm chí có dự án chưa mở bán đã "cháy hàng".
Tất nhiên, những dự án có vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín, tiến độ thực hiện tốt sẽ vẫn hút khách và đáp ứng được nhu cầu ở thực của người dân.
Nhưng cũng chính vì nắm bắt được xu hướng này, nên giới đầu cơ địa ốc đã nhanh chóng quay trở lại thị trường và bắt đầu góp phần đẩy giá bán lên cao như thời kỳ bất động sản sôi động trước kia.
Lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội cũng thừa nhận với phóng viên VTC News, sự trở lại của giới đầu cơ địa ốc là có thật. Biểu hiện ở chỗ, nếu trước đây khách hàng mua nhà chủ yếu có nhu cầu để ở, họ sẽ quan tâm nhiều đến vị trí, tiện ích, chất lượng của căn hộ, rồi sau mới đến giá bán.
Thì nay có một số người mua chỉ quan tâm đến giá thành căn hộ. Nhiều trường hợp chỉ sau một thời gian ngắn đứng tên, đóng tiền đã nhanh chuyển sang tên đổi chủ căn hộ cho người khác.
Sự tái xuất của giới đầu cơ địa ốc là điều rất đáng lo. Bởi lẽ thị trường bất động sản thời gian qua đang dần phát triển theo hướng đi về với giá trị thực. Vì vậy, sự xuất hiện của giới đầu cơ sẽ làm loạn giá thị trường, người có nhu cầu thực sẽ khó tiếp cận với nguồn hàng.
Nghiêm trọng hơn, giới đầu cơ thường có tâm lý "ăn sổi", vì vậy, khi không nhanh chóng bán được dự án, sẽ cố gắng trì hoãn việc đóng tiền theo đúng tiến độ. Điều này sẽ lại làm thị trường rơi vào cảnh dự án triển khai chậm tiến độ do khách hàng không thực hiện đúng cam kết.
Ngoài lý do giới đầu cơ quay lại thị trường, những chiêu trò bán hàng của chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối cũng được sử dụng triệt để. Có những dự án công bố bán hết 100% số căn hộ mở bán đợt 1 ngay ngày đầu tiên mở bán, mới nghe qua thông tin này, khách hàng ai cũng nghĩ dự án này quá "hot", nhưng thực tế, chủ đầu tư và đơn vị phân phối chỉ tung ra đúng....10 căn hộ để thăm dò thị trường.
Theo lời kể của một nhân viên môi giớinhà đất, khi có dự án mới, chuẩn bị mở bán, các sàn giao dịch đều áp chỉ tiêu, yêu cầu nhân viên môi giới phải mời ít nhất 10-15 khách hàng đến tham dự. Nhiều môi giới hành nghề lâu năm, sẵn có lượng nhà đầu tư quen thuộc thì việc dẫn khách không khó. Xong có nhiều môi giới mới vào nghề đã phải huy động người nhà, bố mẹ, anh chị em… đến tham dự.
Để cho buổi mở bán thêm phần sôi động, nhiều sàn còn yêu cầu nhân viên “cài căm” người vào để đặt cọc tạo không khí giao dịch. “Thông thường, khách hàng có thể đặt cọc 5-10 triệu đồng/căn hộ. Khi dự án chính thức mở bán, nếu khách hàng không có nhu cầu mua căn hộ đó nữa thì bên em sẽ trả lại tiền cho khách. Nhiều khi tìm khách khó, chúng em phải huy động cả ông bà, bố mẹ đến xem và đặt cọc mua căn hộ ”- nhân viên môi giới cho biết.
Một chiêu thức khác cũng được các cò đất đang áp dụng hiện nay là tạo sốt ảo để "hù doạ" khách hàng.
Mỗi lần mở bán, giới môi giới địa ốc thường tung tin là thị trường đang khan hàng, căn hộ sẽ tăng giá để đẩy mức chênh lệch kiếm lời đã trở thành chiêu trò được áp dụng rất phổ biến trong giới “cò” đất thời gian gần đây. Trong khi đó, khách hàng lại có tâm lý cho rằng những dự án có giá chênh là đang hút hàng, không mua ngay sẽ lỡ nên thường tìm đến những dự án có dạng này để mua.
Theo các chuyên gia bất động sản, khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở thực cần phải cảnh giác trước các thông tin "thổi giá" nhà đất. Thị trường bất động sản sau một thời gian trở về với giá trị thực, hiện đang có dấu hiệu bị đầu cơ, làm giá.
Theo VTC