Không chỉ dùng những nguyên liệu quen thuộc như giấy, bút, nhiều ý tưởng sáng tạo về chất liệu đã tạo nên những bức tranh độc đáo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến các bức tranh không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa và chiều sâu nghệ thuật.
|
Bức tranh bằng máu của họa sĩ Lê Duy Ứng. |
Năm 1975, họa sĩ Lê Duy Ứng tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn. Khi chỉ còn cách Sài Gòn 30km, ông bị thương hỏng hai mắt và ngất đi. Khi tỉnh lại, nghĩ rằng mình có thể không còn sống được nữa, ông đã dùng chính dòng máu chảy ra từ vết thương của mình vẽ bức tranh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc, thể hiện tình cảm vô bờ bến của người chiến sĩ Cách mạng với vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc.
|
Tranh bằng vỏ măng cụt của họa sĩ Đỗ Năm. |
Cũng từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, họa sĩ Đỗ Năm nổi tiếng với những tác phẩm đặc biệt, tái hiện hình ảnh dân tộc thông qua hình ảnh Bác Hồ và cách mạng Việt Nam. Ông đã sử dụng nhiều loại vật liệu đặc biệt để làm tranh như dây điện, vỏ mang cụt khô, thân dừa nước…
|
Bức tranh “Bác Hồ với Bác Tôn” bằng dây điện được họa sĩ và vợ cắt từng đoạn dây điện thừa rồi ghép lại. |
Với họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn, ý tưởng về tem bưu chính cũ đã tạo cảm hứng sáng tác bức họa “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.
|
Tranh của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn. |
Bên cạnh đó, một số tác giả tận dụng những vật liệu quen thuộc như ngũ cốc, các loại đậu… để sáng tác. Thầy giáo Trương Khắc Thới - nguyên Hiệu trưởng trường THCS Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình - đã tỉ mẩn tạo nên bức tranh Bác Hồ bằng hạt đậu tương và đỗ đen.
|
Tranh của thầy giáo Trương Khắc Thới. |
"Tôi dùng hạt thóc, hạt đậu, hạt đỗ để sáng tác bức tranh Bác Hồ là muốn thể hiện những tấm lòng của người dân quê lúa biết ơn những công lao trời biển của Bác Hồ” – thầy tâm sự. Bức tranh hiện đang được treo trong phòng truyền thống của trường.
|
Tranh Bác Hồ với thiếu nhi của tác giả Nguyễn Đình Long. |
Tác giả Nguyễn Đình Long (Kiên Giang) đã sử dụng hạt ngũ cốc để vẽ hình ảnh Bác Hồ với thiếu nhi. Tác phẩm từng đoạt giải Ba trong cuộc thi vẽ “Chân dung Bác Hồ” do NXB Kim Đồng phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức năm 2015.
|
Tranh được vẽ từ 200 triệu VND của Lê Đại Phát. |
Gần đây, mạng xã hội “phát sốt” với những ý tưởng độc lạ của các họa sĩ trẻ. Chàng trai 9X Lê Đại Phát đã từng khiến cộng đồng mạng Facebook và TikTok trầm trồ khi thực hiện bức vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chất liệu tiền polymer. Sau 13 tiếng thiết kế, số tiền tổng cộng lên tới hơn 200 triệu VNĐ đã được họa sĩ “hô biến” thành bức tranh chân dung Bác Hồ.
|
Tranh Bác Hồ vẽ bằng tên của 63 tỉnh thành của Nguyễn Văn Cường. |
Cùng với đó, ý tưởng từ một lời thử thách trên TikTok đã tạo động lực cho chàng trai trẻ Nguyễn Văn Cường thực hiện bức tranh Bác Hồ vẽ bằng tên của 63 tỉnh thành của Việt Nam. Tác phẩm được đánh giá rất kỳ công và nhận được “mưa” lời khen của cư dân mạng.