Nhóm 'quân sư' lạnh lùng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

New York Times (NYT) khẳng định: nhóm "quân sư" lạnh lùng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là những trợ lý thân cận chẳng hề ưa phương tây một chút nào. Điều đó khiến Mỹ khó thể làm việc với các quan chức dưới "triều" Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.
Đoàn ngoại giao TQ tháp tùng ông Tập thăm Mỹ
Đoàn ngoại giao TQ tháp tùng ông Tập thăm Mỹ

Hiện ở Trung Quốc xây dựng sự tôn sùng ông Tập, với sách, tranh, ca khúc và thậm chí những điệu vũ ca ngợi chế độ ông Tập, người muốn đề cao uy thế của ông ở trong nước, nhằm chứng minh với thế giới rằng TQ là một thế lực lớn.

Hồi đầu tháng 9, hàng ngàn quân TQ diễu binh ở quảng trường Thiên An Môn, nhằm đề cao vai trò lãnh đạo của ông.

Willy Lam, tác giả cuốn sách Chính trị TQ thời Tập Cận Bình: phục sinh, cải tổ hay là suy yếu hơn?, nói với báo Guardian (Anh):

 “Đấy là một kiểu cách quý tộc, nay rõ ràng hơn, nhất là sau cuộc diễu binh. Nói “bán thần” thì hơi quá, nhưng sau cuộc diễu binh, ông ấy như một vị vua”.

Theo NYT, nhóm "quân sư" lạnh lùng của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhóm trợ lý thân cận, cố vấn cho ông về chính sách, các vấn đề quốc gia, và họ được ông tin tưởng nhất.

Các học giả và quan chức nước ngoài khó tiếp cận được nhóm 5 quân sư này:

1.“Cận thần” của ông Tập là Lật Chiến Thư, 65 tuổi, chánh văn phòng TW Đảng Cộng sản TQ (CPC) ủy viên Bộ Chính trị CPC. Hai ông thường nhậu với nhau, khi cả hai còn là cán bộ cấp huyện ở tỉnh Hà Bắc từ năm 1983-1985.

Ông Lật từng nói ông có nguyên tắc “3 không”: Không bắt chẹt người khác, không bài bạc, không lười lao động.  

2. Vương Kỳ Sơn, 67 tuổi, bí thư Ủy ban kiểm tra-kỷ luật TW (CCDI), một trong 7 ủy viên thường vụ Bộ chính trị CPC.

Ông đang chỉ huy chiến dịch bài trừ tham nhũng “đả hổ đập ruồi” của ông Tập. Ông được cho là có nhiều quyền lực hơn cả Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Ông Vương lập gia đình với con gái của cựu phó thủ tướng TQ Dao Y Lâm nhưng không có con cái. Đây là yếu tố mà các nhà quan sát chính trị nói ông Vương  không quan tâm làm giàu, trở nên miễn dịch với tham nhũng.

3.Lưu Hạc, 63 tuổi, chủ nhiệm Nhóm các vấn đề trọng tâm tài chính-kinh tế TW, ủy biên ban chấp hành TW đảng.

Lưu là nhà kinh tế học, có bằng M.B.A của hai đại học Harvard và Seton Hall (Mỹ). Ông từng nêu TQ cần có một mô hình phát triển theo hướng tiêu dùng và ôm lấy kinh tế thị trường.

4. Vương Hộ Ninh, 59 tuổi, trưởng ban nghiên cứu chính sách TW, ủy viên Bộ Chính trị CPC. Trong bài này sẽ gọi ông là Vương 2.

5. Thiếu tướng Lưu Nguyên, 64 tuổi, chính ủy Cục hậu cần Quân đội giải phóng nhân dân TQ (PLA), ủy viên TW đảng.

Ông từng là cán bộ dân sự ở tình Hà Nam, lên tới chức phó chủ tịch tỉnh trước khi chuyển qua PLA.

Tướng Lưu kịch liệt chống tham nhũng trong PLA, là người đầu tiên tố cáo hai tướng Cốc Tuấn Sơn và Từ Tài Hậu (cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương) và sau đó ông Tập xử tội tham nhũng đối với Cốc và Từ.

Tướng Lưu là con trai cố chủ tịch TQ Lưu Thiếu Kỳ (từ 1959 đến 1968). Ông Lưu Thiếu Kỳ bị Mao Trạch Đông kỷ luật trong Cách mạng Văn hóa, qua đời năm 1969 sau nhiều tháng bị đánh đập, tra tấn, theo tờ Times.

Khen Mỹ mạnh nhưng không thích tiếp xúc với Mỹ... 

Trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập, các quân sư của ông tháp tùng gồm các ông Vương Hộ Ninh, Lật và Lưu Hạc.  

Về chuyện các quân sư của ông Tập không ưa phương tây, tờ Times kể chuyện ông Vương Hộ Ninh nổi tiếng là người ủng hộ nhiệt liệt việc tập trung quyền lực về lãnh đạo TQ.

Năm 1988, sau chuyến đi Mỹ 6 tháng, ông Vương  về nước với cuốn hồi ký 400 trang “Nước Mỹ chống nước Mỹ”.

Sau khi xem một trận bóng đá kiểu Mỹ ở học viện hải quân Mỹ, ông viết: “Người Mỹ chú trọng sức mạnh. Điều đó phản ánh tinh thần Mỹ, dùng sức để đạt một mục tiêu trong một thời gian ngắn. Người Mỹ thích tốc độ ở nhiều lĩnh vực như quân sự, chính trị, kinh tế…”

Ông Vương kể trong hồi ký: chuyến đi Mỹ của ông nhằm “quan sát kỹ nước tư bản lớn nhất thế giới. Người ta thắc mắc sao đất nước này chỉ có 200 năm lịch sử, lại có thể trở thành quốc gia phát triển nhất thế giới”.

Từng nghiên cứu xã hội Mỹ khi là giáo sư khoa chính trị quốc tế ở đại học Phúc Đán (Thượng Hải) và là cố vấn chính sách của 3 vị chủ tịch TQ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và ông Tập, lẽ ra ông phải quen các học giả và các quan chức Mỹ.

Nhưng những ai từng biết ông đều nói: ông Vương luôn từ chối những lời mời nói chuyện, không thể tiếp cận ông.

Các quan chức Mỹ biết khó nói chuyện bên lề với ông tại các diễn đàn quốc tế. Họ cùng các quan chức phương tây nói: sự lạnh lùng xa cách không chỉ có nơi ông Vương mà còn có nơi ông Lật và ông Lưu Hạc.

...Vì CPC sợ những tư tưởng phương Mỹ dẫn đến "cách mạng màu" ở TQ...

Đó là một thách thức lớn cho Mỹ cùng các nước khác, khi chế độ Tập kín kẽ nhất trong 66 năm CPC điều hành TQ.

Các thập niên trước, quan chức nước ngoài có thể nói chuyện với cán bộ cấp cao TQ hoặc các trợ lý, và tin tưởng họ sẽ báo cáo lại với lãnh đạo TQ.

Ví dụ rõ ràng nhất là Thủ tướng Chu Ân Lai thời Mao Trạch Đông, đã bí mật đàm phán với Ngoại trưởng Henry Kissinger để Mỹ-Trung nối lại quan hệ.

Không có kênh liên lạc kiểu này với ông Tập. David Lampton, chủ nhiệm khoa nghiên cứu TQ của Trường nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins, nói:

“Một trong những rắc rối trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay,là chúng ta chẳng biết gì về những người này. Tôi không nghĩ chúng ta hiểu rõ ai là cấp dưới báo cáo cho ông Tập”.

Việc nhóm quân sư của ông Tập từ chối lập quan hệ với các quan chức phương tây này, phù hợp với một niềm tin cơ bản được phổ biến hệ thống ở TQ: các quan điểm và tầm ảnh hưởng sẽ làm mất uy tín CPC và dẫn đến “cách mạng màu”.

Lampton nói: “Nếu CPC nghĩ họ bị các thế lực trong nước và bên ngoài bao vây, thì phản ứng tự nhiên của loài người là siết chặt hàng ngũ để kéo giảm làn sóng thông tin từ bên ngoài”.

...Và còn vì ông Tập sợ mất quyền lực  

Cũng có sự nhất trí chung, rằng ông Tập giữ các đồng chí và cố vấn-nhất là những nhà kỹ trị ở các bộ-ở một khoảng cách xa, và ông chỉ tin cậy những tri thức của riêng ông cùng các bản năng khi ra những quyết định.

Ông Tập làm lãnh đạo 7 trong 22 “tiểu tổ tiên phong”, tức những “hội đồng ẩn” chuyên cân nhắc các vấn đề từ kinh tế cho đến an ninh mạng. Ông cũng lập Ủy ban an ninh quốc gia, một tổ chức bí mật khác nhằm điều phối chính sách an ninh nhằm bảo vệ CPC chống lại các đe dọa từ trong nước và bên ngoài.  

John Delury, tác giả cuốn sách “Thịnh vượng và quyền lực” về lịch sử TQ đương đại, nói: “Chúng ta đang chứng kiến vài điều mới nơi ông Tập: chưa bao giờ khoảng cách lại lớn hơn giữa số 1 với từng người khác lại lớn như lúc này”.

 Delury nói việc ông Tập bám chặt quyền lực, không phân quyền có thể là kết quả của những điều ông đã trải nghiệm trong thời Cách mạng Văn hóa TQ (1966-1976):

Ông Tập từng là “con ông cháu cha”, nhưng khi được 9 tuổi, ông bị đưa về nông thôn để “rèn luyện tư tưởng”, trong khi cha ông là Tập Trọng Huân, một chiến sĩ cách mạng viết sách phê phán Mao Trạch Đông nên bị kỷ luật.  

Các nhà nghiên cứu khác nói: ông Tập rút bài học về tầm quan trọng của việc thâu tóm quyền lực, sau khi chứng kiến vị tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào yếu thế trước ông Giang Trạch Dân, người khi về hưu vẫn đứng sau hậu trường giật dây.

Christopher K. Johnson, từng là phân tích TQ cho CIA, nay làm việc ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nói:

“Bài học đó đạy ông Tập nhiều điều chớ nên làm: không để những nguồn quyền lực thay thế phát triển sau lưng mình. Phải luôn khiến cho người ta bị bất ngờ”.

 Johnson nói tướng Lưu Nguyên giữ một vai trò quan trọng trong chuyện này: “Ông ấy có quan điểm cứng rắn với Mỹ, không thân thiện. Ông ấy là một trong những người cổ súy tư tưởng phải đề phòng “cách mạng màu”.

Vậy là dưới “triều” ông Tập, không hề có người như nhà ngoại giao hàng đầu TQ là ông Đới Bỉnh Quốc.

Trước khi ông Tập nắm quyền lực hồi tháng 11.2012, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ (từ 2010 đến 2013) là Tom Donilon có quan hệ làm việc chặt chẽ với ông Đới.

Evan S. Medeiros,một cựu quan chức Nhà Trắng, nói: “Chúng tôi lập được kênh liên lạc giữa hai ông Đới và Donilon. Chúng tôi biết ông Đới có quan hệ thân cận với ông Hồ Cẩm Đào”.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về quân sự TQ ở CSIS, nói: bà bực mình vì chuyện này: các quan chức Mỹ nói chuyện với đồng cấp TQ, lại “không thể biết những thông điệp có đến tai ông Tập hay không”.

Vĩnh Thụy  - Theo New York Times, Một thế giới