|
Như chúng tôi đã thông tin, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang nắm trong tay số vốn điều lệ lên tới hơn 113.000 tỷ đồng ở 7 ngân hàng bao gồm OceanBank, VNCB, GP.Bank, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.
Con số này tương đương 1/3 tổng số vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần cộng lại.
Trên thị trường, giá cổ phiếu của các ngân hàng, đặc biệt là 3 “ông lớn” Vietcombank, VietinBank và BIDV đều cao hơn rất nhiều so với mệnh giá. Điều này có nghĩa, nếu bán bớt vốn đang sở hữu, NHNN có thể thu về hàng chục thậm chí gần trăm nghìn tỷ đồng .
Việc thoái vốn không phải là giả thiết không có cơ sở.
Bởi lẽ, theo quy định hiện hành của Chính phủ thì Nhà nước chỉ nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn của các NHTM CP Nhà nước ngoại trừ VietinBank, trong khi NHNN đang giữ 100% vốn VNCB, OceanBank, GP.Bank; giữ 95,28% vốn BIDV và 71,11% vốn Vietcombank.
Ngoài ra gần đây có nhiều kiến nghị rằng NHNN nên giảm nắm giữ vốn ở các NHTM Nhà nước xuống còn 51%.
Đó là chưa kể, đại diện NHNN cũng đã nhiều lần nhắc đến việc việc xử lý 3 ngân hàng mua lại 0 đồng theo phương án bán lại cho nhà đầu tư sau khi tái cấu trúc xong.
Có tới 38.000 tỷ nếu bán vốn, đưa tỷ lệ sở hữu ở Vietcombank và BIDV về 65%
Hiện nay ở BIDV, ngân hàng nhà nước có xấp xỉ 30.000 tỷ vốn điều lệ khi là cổ đông chiếm 95,28% vốn của ngân hàng này (31.481 tỷ). Nếu NHNN giảm tỷ lệ sở hữu về mức tối thiểu theo quy định hiện hành, riêng tiền vốn theo mệnh giá thu về đã ở mức 9.532 tỷ đồng.
Trên thị trường, giá cổ phiếu BIDV hiện khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu, nếu thoái vốn bằng thị giá thì NHNN không chỉ có xấp xỉ chục nghìn tỷ mà tới 22.876 tỷ. Đó là chưa kể, nếu BIDV tìm kiếm được đối tác chiến lược để chuyển nhượng cổ phần, giá cổ phiếu có thể còn cao hơn nữa.
Ở Vietcombank, NHNN hiện đang sở hữu 77,11% vốn điều lệ, tương đương với việc cơ quan này có 20.550 tỷ đồng trong tổng số vốn 26.650 tỷ đồng của Vietcombank. Nếu giảm tỷ lệ sở hữu về 65% theo mệnh giá, NHNN có được 3.227 tỷ đồng, song nếu theo thị giá thì NHNN có tới hơn 15.000 tỷ đồng.
Như vậy chỉ riêng việc đưa tỷ lệ sở hữu ở hai nhà băng này về 65%, nếu theo mệnh giá NHNN cũng có được xấp xỉ 12.700 tỷ đồng, và theo thị giá thì tới hơn 38.000 tỷ đồng.
Có hơn 10.000 tỷ nếu bán đứt 3 ngân hàng 0 đồng và 48.000 tỷ nếu đồng thời giảm sở hữu ở Vietcombank và BIDV
Oceanbank, VNCB và GP.Bank đều được NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng do cổ đông của các ngân hàng này đã không thể đồng thuận góp vốn để đưa vốn của ngân hàng về ngang mức vốn pháp định theo yêu cầu (3.000 tỷ đồng).
Tại một hội thảo khoa học đánh giá kết quả tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu hồi tháng 10, TS. Cấn Văn Lực cho biết NHNN đã ứng 11.000 tỷ đồng cho 3 ngân hàng 0 đồng dùng để chi trả khách hàng và phục vụ mở rộng kinh doanh.
Đồng thời sẽ thay đổi bộ máy quản trị điều hành với kỳ vọng các ngân hàng này sẽ tốt hơn (Việc dự trữ thanh khoản 11.000 tỷ đồng ở Oceanbank, VNCB, GP.Bank cũng đã được chánh thanh tra NHNN khẳng định).
Sau đó NHNN sẽ thoái vốn và bán cổ phần, nếu có lãi thì thu về số tiền bù đắp vốn đã ứng ra. Tức là sau khi NHNN “ôm” về sẽ thoái vốn và trả lại thị trường.
Ở 3 ngân hàng 0 đồng, NHNN hiện đang sở hữu 100%, trong đó OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; GP.Bank có vốn 3.018 tỷ đồng và VNCB (nay là CBBank) vốn 3.000 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi cải thiện tình hình của 3 ngân hàng trên, đưa các ngân hàng này về trạng thái ổn định thì NHNN có thể thoái hết vốn và thu về trên 10.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá.
Trong trường hợp NHNN đồng thời bán vốn ở 3 ngân hàng 0 đồng và giảm sở hữu ở Vietcombank, BIDV về mức tối thiểu theo quy định, riêng tính theo giá vốn cũng đã có gần 23.000 tỷ đồng và tới 48.000 tỷ nếu theo thị giá hiện tại.
Đồng thời bán 3 ngân hàng 0 đồng và đưa tỷ lệ sở hữu ở Vietinbank, BIDV, Vietcombank về 51% có thể được 87.000 tỷ
Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên dần thoái vốn khỏi các ngân hàng thương mại nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh ngành tài chính ngày càng hội nhập sâu với quốc tế.
Mới đây nhất, chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietcombank đã có ý kiến rằng NHNN nên giảm sở hữu ở các ngân hàng thương mại lớn về 51%, tức NHNN vẫn nắm quyền chi phối.
Nếu điều này xảy ra, chỉ tính riêng theo mệnh giá, NHNN có thể rút về gần 26.000 tỷ đồng. Trên thị trường, giá cổ phiếu của cả 3 ngân hàng này rất cao, đặc biệt là Vietcombank.
Còn nếu thoái vốn theo thị giá hiện hành ở Vietcombank là 48.000 đồng/cổ phiếu thì NHNN có thể có hơn 33.000 tỷ đồng.
Tương tự ở BIDV với cổ phiếu 24.000 đồng thì hơn 40% cổ phần mà NHNN bán ra cũng sẽ thu về trên 33.000 tỷ nữa.
Ở Vietinbank, tỷ lệ sở hữu hiện chưa đến 65% nhưng nếu giảm về 51% theo mệnh giá thì NHNN cũng thu về trên 10.000 tỷ đồng. Tổng cộng NHNN có thể thu tới 76.000 tỷ.
Và trong trường hợp đồng thời đưa vốn sở hữu ở 3 ngân hàng lớn nhất về 51% và bán toàn bộ vốn ở 3 ngân hàng 0 đồng ngang mệnh giá, NHNN có thể thu về trên 87.000 tỷ đồng – một con số khổng lồ.
Đâu là phương án khả thi?
Nhiều ý kiến cho rằng, việc NHNN thoái bớt vốn ở các NHTM Nhà nước là việc nên làm trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau động thái gần đây Chính phủ cho phép SCIC chọn thời điểm thích hợp để thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất, đặc biệt như tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom)…- nhóm các doanh nghiệp vẫn được xem là "gà đẻ trứng vàng" cho Nhà nước thời gian qua.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của ngành, việc thoái vốn cũng nên có một lộ trình nhất định, có thể ban đầu về 65% rồi sau đó mới đến 51%.
Trường hợp của Agribank - ngân hàng duy nhất chưa cổ phần hóa - còn nhớ năm 2012 tư lệnh ngành ngân hàng đã nhắc đến việc chưa tính đến cổ phần hóa Agribank trong vòng 5 năm tới, điều này có nghĩa là không loại trừ trường hợp NHNN sẽ bán vốn ở Agribank sau năm 2017.
Việc cổ phần hóa các ngân hàng, theo đánh giá chung của giới chuyên gia, là cần thiết và càng cần hơn với Agribank để ngân hàng này phát triển lành mạnh theo nhịp phát triển của nền kinh tế hội nhập.
Trong hệ thống hiện nay, Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank đang nắm tới 45,94% thị phần huy động vốn, 50,35% thị phần tín dụng và 45,75% thị phần tài sản.
Dù thoái vốn ở một tỷ lệ nào đi chăng nữa thì NHNN và ngân sách cũng sẽ thu về hàng chục nghìn tỷ đồng mà vẫn nắm quyền chi phối ở các nhà băng quan trọng này.
Theo InfoNet