NHNN muốn siết cho vay sân sau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – NHNN muốn siết chặt hơn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng, đồng thời giảm mạnh tỷ lệ cho vay tối đa với khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan tới ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Dự thảo gồm 200 điều được xây dựng trên cơ sở luật hiện hành, trong đó có bổ sung một chương về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu – vốn là một nghị quyết của Quốc hội, nay hết thời gian thí điểm được đưa vào luật hóa.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về giấy phép, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng; kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể, thanh lý ngân hàng.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là chủ trương siết chặt giới hạn cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Tổng hợp theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Tổng hợp theo Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Cụ thể, NHNN đề xuất giảm dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng từ mức 15% xuống 10% vốn tự có của ngân hàng.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, so với mức 25% hiện hành.

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần, một cổ đông là cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ của một ngân hàng, so với quy định hiện nay là 5% vốn điều lệ.

Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một ngân hàng (quy định hiện nay là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng.

Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người có liên quan tại một ngân hàng cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15% vốn điều lệ.

Trước đó, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc giảm tỷ lệ nắm giữ của một cổ đông, cổ đông và người có liên quan nhằm hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của ngân hàng.

Quy định này cũng được kỳ vọng giúp ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng phải trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)./.