NHNN: Các TCTD phải báo cáo thường xuyên trong quá trình tái cơ cấu

VietTimes -- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải báo cáo định kỳ về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu lại và đề xuất giải pháp xử lý.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Cụ thể, các ngân hàng thương mại (NHTM) do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, NHTM do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, Ngân hàng Hợp tác xã sẽ phải gửi báo cáo định kỳ (Báo cáo Quý I - gửi trước ngày 12/3; Báo cáo 6 tháng đầu năm - gửi trước ngày 25/5, Báo cáo Quý III - gửi trước ngày 12/9; Báo cáo năm - gửi trước ngày 25/11) cho NHNN Việt Nam (qua Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD và đề xuất giải pháp xử lý.

Đây là một trong những nội dung trong Quyết định số 1533/QĐ-NHNN do Thống đốc NHNN ký ngày 20/7/2017, ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

Cũng theo quyết định này, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện cơ cấu lại các TCTD trên địa bàn; báo cáo NHNN Việt Nam (qua Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng). Các Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô thực hiện báo cáo theo định kỳ hàng quý, 6 tháng và năm do NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đơn vị đóng trụ sở chính. Các đơn vị được giao chủ trì thực hiện được nêu tại Kế hoạch hành động kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN các khó khăn, vướng mắc phát sinh đột xuất (nếu có).

Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng là đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Thống đốc NHNN về tiến độ, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc thực hiện Đề án và đề xuất giải pháp xử lý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 7 và ngày 31 tháng 12 hàng năm; đề xuất với Thống đốc NHNN báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền của NHNN Việt Nam. Được biết, quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày ký (20/7).

Trước đó, ngày 5/7/2017 Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1403/QĐ-NHNN về việc thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN thành lập Ban Chỉ đạo ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” do Thống đốc làm Trưởng Ban, một số Phó Thống đốc làm Phó Trưởng Ban, trong đó một Phó Thống đốc làm Phó Trưởng Ban thường trực và thủ trưởng một số đơn vị có liên quan của NHNN là thành viên. Nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo do Thống đốc NHNN quy định.

Ngày 19/7/2017, tại quyết định số 1058/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án này. Theo đó, Đề án bao gồm 03 phần: Phần thứ nhất: Mục tiêu, nguyên tắc cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Phần thứ hai: Các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Phần thứ ba: Lộ trình thực hiện.

Để triển khai Đề án này, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung hoàn thiện ngay Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với ba nội dung tối thiểu như sau:

-          Thứ nhất, đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD;

-          Thứ hai, xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020;

-          Thứ ba, đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… đảm bảo phù hợp với các giải pháp cơ cấu lại nêu tại Đề án, các quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu khắc phục, xử lý các tồn tại, sai phạm, yếu kém của TCTD nhằm đạt được mục tiêu đề ra.