Nhìn lại những cuộc “đồng hành” giữa Tập đoàn An Phú với BIDV trong “triều đại” Trần Bắc Hà

VietTimes -- Dưới “triều đại” của ông Trần Bắc Hà, Tập đoàn An Phú đã đồng hành/có ý định đồng hành cùng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID) tại nhiều dự án. Không ít trong số đó "dang dở" - vì nhiều lẽ...
Chủ đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép tại Khu công nghiệp Thanh Bình đã đổi tên thành CTCP Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn (Nguồn: nhandan.com.vn)
Chủ đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép tại Khu công nghiệp Thanh Bình đã đổi tên thành CTCP Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn (Nguồn: nhandan.com.vn)

Nỗ lực “hồi sinh” dự án gang thép tại Bắc Kạn

Được cấp phép từ những năm 2007, dự án “Khu liên hợp gang thép tại Khu công nghiệp Thanh Bình” là một trong những công trình trọng điểm trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn. Dù vậy, câu chuyện được nhắc đến xoay quanh dự án trên các kênh truyền thông lại là các hoạt động tranh chấp trong nội bộ cổ đông của chủ đầu tư, hay các vấn đề liên quan đến năng lực tài chính.

Tới năm 2015, sau nhiều lần trì hoãn, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã buộc lòng phải ra quyết định rút giấy phép đầu tư dự án. Cho đến nay, các công việc liên quan đến hoàn trả khu mặt bằng có tổng diện tích hơn 17ha vẫn chưa được hoàn tất.

Nhưng nên nhớ rằng, 1 năm trước đó, cơ hội “hồi sinh” dự án tưởng như đã được mở ra cho chủ đầu tư dự án - ở đây là Công ty CP Khoáng Sản và Luyện kim Vạn Lợi Bắc Kạn (VLBK), sau này đổi tên thành CTCP Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn (Kim Sơn).

Triển vọng “hồi sinh” dự án được thể hiện rõ trong một báo cáo bằng văn bản mà công ty VLBK gửi UBND tỉnh Bắc Kạn và nhiều đơn vị liên quan vào ngày 10/2/2014. Trong đó, VLBK cho biết đã tiến hành tái cấu trúc và có được cơ cấu cổ đông mới.

Danh sách cổ đông bao gồm: Công ty CP Khoáng sản và Năng lượng An Phú (Tập đoàn An Phú) góp 51%, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư IPA góp 30%, Công ty TNHH Vạn Lợi góp 17% và ông Nguyễn Cao Bằng góp 2% vốn điều lệ.

Ngày 1/12/2013, các cổ đông mới đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông để thảo luận và thông qua các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động và quản lý tài sản của công ty VLBK, gồm: Bầu lại Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát, người đại diện theo pháp luật và kế toán trưởng.

Việc tranh chấp nội bộ được xử lý, bài toán tài chính của VLBK cũng có lời giải nhờ việc ký kết hợp đồng nguyên tắc cho vay vốn với Tập đoàn An Phú, nhà đầu tư chiếm đa số trong cơ cấu cổ đông.

“Công ty CP Khoáng sản và Năng lượng An Phú đã ký hợp đồng nguyên tắc cho VLBK vay vốn với số tiền tối thiểu là 100 tỷ đồng để Công ty VLBK thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Thanh Bình, Bắc Kạn. Ngân hàng BIDV cũng đã nhất trí sẽ thu xếp tài trợ vốn cho Công ty VLBK tiếp tục triển khai thực hiện dự án” - Báo cáo của Công ty VLBK gửi UBND tỉnh Bắc Kạn nêu rõ.

Như vậy, có thể thấy, sự xuất hiện của An Phú đã đem đến cho VLBK nhiều điều. Ngoài khoản cho vay 100 tỷ đồng mà An Phú tự thu xếp, thì quan trọng hơn, "Ngân hàng BIDV cũng đã nhất trí sẽ thu xếp tài trợ vốn cho Công ty VLBK tiếp tục triển khai thực hiện dự án".

(Sẽ thú vị hơn nếu biết về mối quan hệ giữa An Phú và vị lãnh đạo quyền lực nhất ở BIDV giai đoạn ấy (sẽ được đề cập ở phần sau của bài viết)).

Tuy vậy, việc ký kết hợp đồng cũng chưa giúp VLBK được đảm bảo sẽ được giải ngân. Chủ đầu tư VLBK còn phải giải quyết những vấn đề khác và một trong số đó cũng là vướng mắc chính của doanh nghiệp khi dự án bất ngờ được “giải cứu”.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) 

Những kiến nghị “mạnh mẽ”

Vấn đề vướng mắc cốt lõi trong văn bản báo cáo của VLBK cần phải nhắc đến là nguyên liệu quặng sắt đầu vào cho dự án.

Được biết, để đảm bảo sản xuất được 250.000 tấn thép thành phẩm mỗi năm, dự án cần 750.000 tấn quặng sắt và sắt măng gan đạt tiêu chuẩn. Tổng số lượng quặng sắt cho 25 năm hoạt động của dự án khoảng 17 triệu tấn.

Nhưng cho đến tận năm 2014 (tức khoảng 7 năm sau khi dự án được cấp phép) vẫn chưa có một số liệu khảo sát cụ thể nào khẳng định nguồn quặng tại Bắc Kạn đủ cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy của VLBK.

“Điều này đặc biệt quan trọng cho việc Ngân hàng giải ngân vốn cho Công ty VLBK vay thực hiện dự án. Hiện nay, các nhà tài trợ đều yêu cầu phải có số liệu tin cậy, khẳng định trữ lượng quặng phải đạt khoảng 17 triệu tấn quặng sắt để đủ cho việc hoạt động của nhà máy thuộc dự án của Công ty VLBK” - chủ đầu tư dự án cho biết.

Không có các số liệu đáng tin cậy cũng là lý do khiến cho Bộ Công Thương chưa thể đánh giá và bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 (có xét đến năm 2025), dù chủ đầu tư VLBK đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh gửi kiến nghị đến Bộ và Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, theo văn bản của chủ đầu tư, trong thời gian dự án của VLBK tạm ngừng triển khai UBND tỉnh đã quy hoạch lại một vài điểm mỏ (trước đó giao cho VLBK) cho công ty Matexim (một doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực hoạt động trên địa bàn tỉnh).

“Nay dự án VLBK được khởi động lại nên việc quy hoạch nguồn nguyên liệu của tỉnh đối với từng công ty chế biến sâu phải được tái khẳng định bằng công văn đề nghị của UBND Tỉnh Bắc Kạn gửi Bộ Công Thương để Bộ Công Thương có cơ sở trình Thủ tướng phê duyệt” - Văn bản của VLBK nêu rõ.

Cũng chính vì tính cấp thiết của nguồn nguyên liệu mà 9 kiến nghị của VLBK đều chủ yếu tập trung vào giải quyết các vướng mắc, đề nghị UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác các điểm mỏ và điều chỉnh lại quy hoạch khai thác quặng.

Chủ đầu tư cũng có ý “giục” UBND tỉnh Bắc Kạn khi tiết lộ thông tin Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện Quy hoạch thăm dò, khai thác quặng sắt phục vụ cho công nghiệp luyện kim đến năm 2025 và dự định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 3/2014.

Chưa rõ các kiến nghị của VLBK được UBND tỉnh Bắc Kạn xử lý ra sao, chỉ biết rằng dự án sau cùng cũng đã không được tiếp tục thực hiện.

Mối quan hệ đặc biệt giữa Tập đoàn An Phú và nguyên Chủ tịch BIDV

Ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch BIDV (Ảnh: Internet)
Ông Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch BIDV (Ảnh: Internet) 

Dưới “triều đại” của ông Trần Bắc Hà, Tập đoàn An Phú và BIDV không chỉ có sự hợp tác trong các dự án công nghiệp (như trong dự án gang thép tại tỉnh Bắc Kạn như vừa nêu), mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

Để có thể hiểu rõ hơn về mối liên hệ này, cũng như các cá nhân được nhắc tới trong các thương vụ hợp tác mà VietTimes đề cập, trước tiên cần phải xem Tập đoàn An Phú của ai (?) - ít nhất là từ những cái tên trên đăng ký kinh doanh. 

Theo dữ liệu của VietTimes, Tập đoàn An Phú được thành lập vào ngày 3/4/2009 với số vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, đăng ký địa chỉ tại số 6 - đường Phan Chu Trinh, Phường Hải Cảng, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tham gia góp vốn thành lập ban đầu là 3 cá nhân đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. 

Tới ngày 19/7/2012, cơ cấu cổ đông của Tập đoàn An Phú có sự thay đổi đáng chú ý khi các cổ đông cũ được thay thế bằng các ông Trần Duy Tùng và Trần Hoài Đức. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trần Anh Quang.

Sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, Tập đoàn An Phú đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn An phú, vốn điều lệ được nâng lên mức 200 tỷ đồng. Ông Trần Duy Tùng đã thay thế ông Trần Anh Quang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. 

Đáng chú ý, ông Trần Duy Tùng chính là con trai của ông Trần Bắc Hà, còn ông Trần Anh Quang, Trần Hoài Đức cũng là người có quan hệ họ hàng với vị nguyên Chủ tịch BIDV.

Những “siêu dự án” nông nghiệp ...

Nổi bật nhất trong các dự án mà VietTimes có đề cập tới cả Tập đoàn An Phú và BIDV là Dự án nuôi bò giống, bò thịt tỉnh Hà Tĩnh được cho là có quy mô lớn nhất miền Bắc. 

Đọc thêm:
"Một dự án không thấy trong báo cáo"

Cũng không quá bất ngờ khi gọi đây là “siêu dự án”, bởi lẽ, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 4.223 tỷ đồng, quy mô đầu tư 150.000 con bò/năm trên diện tích dự kiến khảo sát là khoảng 6.119,28 ha.

Dự án còn được chú ý vì trong những lời giới thiệu được còn có sự góp mặt của cả những “tên tuổi” lớn như: CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG), BIDV và Tập đoàn An Phú.

Như VietTimes đã đưa tin, thực tế, cả HAG, BIDV và Tập đoàn An Phú đều không phải là chủ đầu tư và cũng không có cổ phần tại “siêu dự án” nuôi bò nêu trên, dù cho các đơn vị này đã có nhiều buổi làm việc, gửi văn bản qua lại rất nhiều lần với Hà Tĩnh về dự án.

Theo các văn bản pháp lý có liên quan, chủ đầu tư của dự án là CTCP Chăn nuôi Bình Hà (Bình Hà). Đáng chú ý, Bình Hà là một doanh nghiệp được thành lập tại Hà Tĩnh vào ngày 10/04/2015, chỉ khoảng 5 ngày trước khi được tỉnh này chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Bình Hà là ông Trần Anh Quang (sinh năm 1982, thường trú tại Bình Định). Ông Quang chính thức đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc Bình Hà từ trung tuần tháng 10/2016, thay thế cho ông Đinh Văn Dũng (SN 1965, thường trú tại Pleiku, Gia Lai).

Tổng Giám đốc CTCP Chăn nuôi Bình Hà - ông Trần Anh Quang (ngoài cùng bên phải) - Nguồn: Internet

Tổng Giám đốc CTCP Chăn nuôi Bình Hà - ông Trần Anh Quang (ngoài cùng bên phải) - Nguồn: Internet 

Sự chú ý của cộng đồng đối với dự án này càng gia tăng, đặc biệt là sau sự kiện ông Đinh Văn Dũng cùng một số đối tượng khác bị cơ quan công an PC 46 Hà Tĩnh khởi tố bị can và bắt tạm giam.

Đọc thêm:

"Vì sao nguyên Tổng Giám đốc Chăn nuôi Bình Hà bị khởi tố?"

Thông báo từ cơ quan công an cho biết các đối tượng này “đã có hành vi cấu kết nâng khống khối lượng, chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 100 tỷ đồng khi thực hiện dự án trại chăn nuôi Bình Hà”.

Không chỉ ở Thanh Hóa, CTCP Chăn nuôi Bình Hà cũng có một “phiên bản” khác, ra đời chậm hơn 1 tháng tại tỉnh Bình Định, với tên gọi là “CTCP Đầu tư Chăn nuôi Bình Hà”.

Theo tìm hiểu của VietTimes, khi mới thành lập, cả hai công ty cùng đăng ký vốn điều lệ 200 tỷ đồng, cùng do 3 thể nhân gốc Bình Định đóng góp, với cơ cấu giống nhau: Thái Thành Vinh (60 tỷ đồng, chiếm 30%); Trần Anh Quang (25%); Đinh Văn Dũng (45%).

Tương tự “bản gốc”, CTCP Đầu tư Chăn nuôi Bình Hà cũng được lập ra để phát triển dự án chăn nuôi bò với quy mô “khủng” tại Bình Định với tổng vốn đầu tư là 3.600 tỷ đồng, quy mô lên tới 100.000 con bò. 

Đọc thêm:

“Phiên bản” Bình Định của Chăn nuôi Bình Hà

Về phía địa phương, ngày 26/5/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Ngô Đông Hải đã ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm dự án chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh cho CTCP Đầu tư Chăn nuôi Bình Hà với quy mô diện tích khoảng 5.080ha. Hiện chưa rõ diễn biến mới nhất về dự án này tại tỉnh Bình Định.

Đến việc “trùng ý tưởng” tại các dự án bất động sản, hạ tầng đô thị

Như VietTimes đã đưa tin, vào cuối năm 2017, cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định (binhdinhinvest.gov.vn) đã đăng tải một bản tin cho biết UBND tỉnh này đã có Quyết định chủ trương đầu tư cho Liên doanh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng, Tập đoàn An Phú và đối tác thực hiện dự án Khu phức hợp khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng

Đọc thêm: 

"Lịch sử khu đất K200, nơi dự án 2.900 tỷ vừa bị thu hồi của con ông Trần Bắc Hà"

Dự án này sẽ được thực hiện tại khu đất K200 thuộc Khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn. Bên cạnh đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích đất khoảng 10.840 m2.

Thật trùng hợp khi khu đất này cũng đã từng được BIDV đặt trong “tầm ngắm” ngay từ năm 2008 (ông Trần Bắc Hà đảm nhiệm cương vị Chủ tịch BIDV từ ngày 1/1/2008).

Cụ thể, ngày 23/4/2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thiện đã ký công văn gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về việc có ý kiến của BIDV tham gia đầu tư dự án thuộc đất quốc phòng tại TP. Quy Nhơn. Theo đó, BIDV đề nghị được đầu tư các khu du lịch sinh thái, khu đô thị mới tại một số khu đất, trong đó có lô đất K200 của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, diện tích 9.333m2.

Chưa rõ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có chấp thuận hay không (?!). Chỉ biết rằng, ngày 03/4/2014, tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Tư lệnh Quân khu 5 thông báo khu đất này vẫn tiếp tục sử dụng cho mục đích quốc phòng, trong thời gian tới Quân khu 5 sẽ đưa vào sử dụng.

Phối cảnh khu phức hợp Thiên Hưng (Ảnh: Internet)
Phối cảnh khu phức hợp Thiên Hưng (Ảnh: Internet) 

Dù có thông tin như vậy, nhưng ngày 07/4/2014, UBND tỉnh Bình Định vẫn có văn bản số 1324/UBND-KTN gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị chuyển giao khu đất này cho tỉnh để thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt. Có thể sau đề nghị này, khu đất K200 đã được Quân khu 5 bàn giao lại cho tỉnh Bình Định.

Cũng tại tỉnh Bình Định, Tập đoàn An Phú và BIDV cũng trùng ý tưởng trong việc triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng tại thành phố Quy Nhơn.

Đọc thêm: 
"Một thương vụ hợp tác giữa BIDV và An Phú"

Trong đó, BIDV vẫn nắm thế chủ động khi thực hiện cuộc gặp gỡ với ban lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan từ cuối năm 2014 để bàn về hoạt động trên.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đề nghị BIDV xem xét hỗ trợ nguồn vốn vay, phương thức trả nợ với mức lãi suất ưu đãi... tạo điều kiện cho địa phương thực hiện dự án thuận lợi và hiệu quả.

Tới tháng 5/2015, Tập đoàn An Phú đã có công văn đề nghị tỉnh Bình Định về việc triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng tại thành phố Quy Nhơn.

Lịch sử khu resort Hoàng Gia của nhà ông Trần Bắc Hà
Dựa trên tinh thần cuộc họp ngày 23/5/2015 giữa các lãnh đạo BIDV và tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho UBND Tp. Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét việc triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng công công của thành phố này.

Và nên nhớ, đó mới chỉ là một số, chứ không phải là tất cả các dự án của An Phú, có dấu ấn của BIDV trong "triều đại" Trần Bắc Hà...

Bắt nguyên Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà và thuộc cấp

Chiều ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lênh bắt, khảm xét đối với 4 bị can là: Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), Trần Lục Lang (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh).

Có một chi tiết đáng chú ý khác, Tập đoàn An Phú cũng ghi nhận nhiều quan hệ tín dụng với BIDV chi nhánh Phú Tài - nơi ông Trần Lục Lang từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc chi nhánh.
Cổ đông Souk Houng Hueng của LaoVietBank
Ngoài ra, ông Lang còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietBank; viết tắt: LVB), có số vốn 100 triệu USD tính đến cuối năm 2015. 

Nên nhớ rằng, Công ty TNHH Souk Houng Hueng - cổ đông thứ ba của LaoVietBank, bất ngờ xuất hiện vào giữa năm 2015 (chiếm 10% vốn điều lệ) - vốn là một pháp nhân có liên quan tới gia đình ông Trần Bắc Hà, được thành lập ngày 13/05/2014 tại bản Xangkhu, huyện Xaythani, thành phố Viêng Chăn, Lào.

Đọc thêm: 

"Cha con ông Trần Bắc Hà từng đăng tuyển hàng nghìn kỹ sư nông nghiệp cho dự án tại Lào"

Được biết, ông Trần Duy Tùng và ông Trần Bắc Hà đã từng ký văn bản đăng tuyển hàng nghìn kỹ sư nông nghiệp cho các dự án tại Lào.
Quy mô dự án này cũng thuộc vào hạng “khủng” và cần huy động một lượng vốn rất lớn./.