Tại hội thảo, ông Võ Thanh Lâm – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút, mà còn gây ô nhiễm môi trường, khiến những người xung quanh tuy không hút thuốc cũng hít phải khói thuốc lá và sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc. Vì vậy, một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc đối với những người không hút thuốc, là xây dựng mô hình không khói thuốc như mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng,…
Ông Hồ Quí Vinh – Trưởng bến xe buýt Sài Gòn, Trung tâm quản lý giao thông công cộng
|
Ông Hồ Quí Vinh – Trưởng bến xe buýt Sài Gòn, Trung tâm quản lý giao thông công cộng - chia sẻ về kết quả thực thi môi trường không khói thuốc tại địa điểm giao thông công cộng tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đã lắp đặt các biển nội quy, cấm hút thuốc lá, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại các văn phòng, khu vực làm việc, trên xe buýt của 12 công ty vận tải và 6 bến xe, tại 500 nhà chờ xe buýt trên toàn thành phố,…
Tuy nhiên, việc hút thuốc lá tại các khu vực công cộng vẫn diễn ra. Do đó, đội thực thi bến xe miền Tây và Sài Gòn đã tiến hành nhắc nhở, giám sát người hút thuốc lá tại khu vực công cộng, lập biên bản và mời công an tới để xử lý.
Bà Phạm Thị Thanh Nhàn - Trưởng Phòng y tế, quận Hoàn Kiếm
|
Chia sẻ về kết quả thực hiện mô hình nhà hàng, khách sạn không khói thuốc, bà Phạm Thị Thanh Nhàn - Trưởng Phòng y tế, quận Hoàn Kiếm cho biết: Quận Hoàn Kiếm rất quan tâm đến phòng, chống tác hại của thuốc lá. Quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành Y tế - Kinh tế - Công an – Quản lý thị trường – Thú y. Năm 2017 và 2018, quận đã kiểm tra gần 300 nhà hàng, khách sạn, xử phạt gần 40 cơ sở với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Hiện, việc cấm hút thuốc đã trở thành nội quy của cơ sở.
Sắp tới, quận sẽ triển khai thực hiện mô hình điểm du lịch không khói thuốc với các tiêu chí: có nội quy, biển báo cấm hút thuốc, không mua bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá,…
Dự kiến đến tháng 12/2019, quận sẽ gắn biển phòng, chống tác hại thuốc lá tại tất cả các điểm du lịch.
BS. Trịnh Văn Hiệp – Hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh
|
BS. Trịnh Văn Hiệp – Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh - cũng cho hay: Hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh đã truyền thông, quảng bá rộng rãi đến người dân nói chung và khách du lịch nói riêng, về thực hiện môi trường du lịch không khói thuốc; tư vấn trực tiếp cho người dân về cai nghiện thuốc lá vv...; tăng cường phổ biến luật phòng, chống tác hại thuốc lá đến người dân.
Tuy nhiên, một số khách trong nước và nước ngoài vẫn còn thói quen hút thuốc ở nơi công cộng; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên gây ảnh hưởng đến việc tuân thủ quy định.”
PGS. TS. Phan Thu Hương – Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai
|
Trao đổi về kết quả triển khai mô hình cai nghiện thuốc lá ở Bệnh viện Bạch Mai, PGS. TS. Phan Thu Hương – Phó Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay: Trong số 300 đối tượng tham gia nghiên cứu có tới 91,7% đối tượng hút thuốc lá/thuốc lào; 81,8% đối tượng đã từng có ý định cai thuốc. Số đối tượng muốn nhận tư vấn trực tiếp từ cán bộ y tế chiếm tỷ lệ cao nhất trong các biện pháp hỗ trợ; 89,3% đối tượng muốn có phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá và 64,7% đối tượng muốn nhận tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí qua điện thoại.
Các đại biểu tham dự hội thảo
|
Khảo sát đối với các cán bộ y tế cho thấy có 31,3% cán bộ y tế hút thuốc lá (đã từng hút và đang hút), nam giới (95,9%) và trình độ sau đại học (60,72%); 67,5% cán bộ y tế có kiến thức về tác hại của thuốc lá; 64,1% cán bộ y tế tự tin có đủ khả năng tư vấn bỏ thuốc cho bệnh nhân.
Để chủ động phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng các tài liệu truyền thông, in poster, tờ rơi,… đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ, tư vấn viên về tác hại của thuốc lá, phương pháp cai nghiện và tư vấn cai nghiện thuốc lá.