Hiện tại, ô tô dưới 2.0L đang chịu mức thuế suất thuế TTĐB 45%; từ trên 2.0L đến 3.0L chịu thuế suất 50% và trên 3.0L chịu thuế suất 60%.
Cách đây khoảng 1 tháng, thông tin được đưa ra trên báo chí dẫn lời ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) đã lấp lửng phương án Bộ đề nghị tăng mạnh thuế suất thuế TTĐB với ô tô có dung tích trên 3.0L.
Cụ thể, thuế TTĐB cần chia làm 4 nấc, tương ứng với từng loại dung tích xi lanh, như xe 3.0-4.0L sẽ chịu thuế 120%; xe 4.0-5.0L chịu thuế 145%; xe 5.0-6.0L chịu thuế 170% và xe trên 6.0 L chịu thuế 195%. Còn với xe dưới 1.5L, thuế suất thuế TTĐB là 30%.
Tại cuộc họp báo ngày 2/2/2015, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cũng cho hay, đề xuất của Bộ Công thương là tăng thuế thuế TTĐB với ô tô có dung tích 3.0L từ 60% hiện nay lên 70%, trong khi giảm thuế TTĐB cho các dòng xe dưới 2.0L.
Các phát biểu rất khác nhau cùng xuất phát từ Bộ Công thương, nơi được giao nhiệm vụ chủ trì phối với với các bộ liên quan để dự thảo chính sách, nhằm thực hiện Chiến lược Phát triển ô tô (được phê duyệt trong tháng 7/2014) khiến dư luận rất hoang mang.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, dự thảo được Bộ Công thương đưa ra trong cuộc họp tại Chính phủ với các bộ, ngành liên quan ngày 28/1/2015 có đề xuất thay đổi về mức thuế TTĐB với một số loại ô tô.
Cụ thể, thuế TTĐB với ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống được Bộ Công thương đề xuất là 35%, thay vì 45% hiện tại. Với loại có dung tích trên 3.0L, mức thuế TTĐB được đề xuất là 70%, thay cho 60% hiện đang áp dụng.
Đề nghị thay đổi thuế TTĐB hiện hành cũng được Bộ Công thương đưa ra với xe chở người từ 10 chỗ đến 16 chỗ; từ 16 chỗ đến 24 chỗ; xe vừa chở người, vừa chở hàng hay các loại xe chạy bằng điện cũng như xe tiết kiệm nhiên liệu.
Tuy nhiên, nhiều đề nghị thay đổi thuế suất TTĐB cho các dòng xe ô tô của Bộ Công thương đã không nhận được sự ủng hộ của Bộ Tài chính tại cuộc họp với Chính phủ.
Tại cuộc họp này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ, thống nhất cao trong các đề xuất, dự thảo, vừa đảm bảo tính ổn định, lâu dài và rõ ràng, vừa phù hợp với các cam kết hội nhập của Việt Nam. Cần xem xét kỹ vấn đề tác động của chính sách, đặc biệt là liên quan đến thu ngân sách, cũng như phù hợp giữa dung lượng thị trường với khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông đất nước.
Cần phải nói thêm rằng, trước đó, vào tháng 11/2014, khi góp ý với đề nghị của Bộ Công thương về dự thảo chính sách thuế các loại để thực hiện Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ô tô, Bộ Tài chính cũng đã không đồng ý với các đề nghị thay đổi thuế TTĐB của Bộ Công thương đưa ra. Lý do của Bộ Tài chính là, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, sẽ có nhiều linh phụ kiện được giảm thuế, khiến ngân sách thất thu khá nhiều, do ô tô và linh kiện là mặt hàng vốn có thuế suất cao, kim ngạch lớn. Trước bối cảnh giảm thu thuế nhập khẩu, còn thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm về 20% vào năm 2016, thì việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sẽ càng khiến giảm thu ngân sách, trong khi mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô vẫn không đạt được.
Với thực tế trên, nên khi trình Quốc hội vào kỳ họp cuối cùng trong năm 2014 để thay đổi thuế suất thuế TTĐB của nhiều mặt hàng, thì ô tô vẫn bất động.
Ở thời điểm đó, lộ trình thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN mà Bộ Công thương đưa ra cũng bị Bộ Tài chính gạt phắt, bởi khác với lộ trình của Bộ Tài chính. Còn từ năm 2015, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN áp dụng đúng theo lộ trình đã được Bộ Tài chính đưa ra.
Theo Đầu tư