Trong khi đó, việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại VN cũng có xu hướng tăng tốc.
Các chuyên gia cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp VN thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia lớn có lợi thế về công nghệ và kỹ thuật.
Chuyển nhà máy đến VN
HanesBrands, một trong những tập đoàn sản xuất hàng may mặc lớn của Mỹ, vừa quyết định nâng số vốn đầu tư tại các nhà máy ở VN từ 44 triệu lên 55 triệu USD.
Trước đó, HanesBrands đã có một quyết định gây chấn động khi đóng cửa một số nhà máy của mình ở Costa Rica để chuyển sang châu Á, chấp nhận chịu nhiều tổn thất không nhỏ cũng như khiến hàng ngàn công nhân bản địa mất việc làm.
Cụ thể, vào tháng 9-2014, sau năm năm đưa vào hoạt động nhà máy đầu tiên tại VN, được mở ở Huế, HanesBrands đã công bố việc hợp nhất sản xuất tại VN khi đóng cửa nhà máy cuối cùng của mình ở Costa Rica sau 40 năm hiện diện ở thị trường này. Đến nay, HanesBrands đã có ba nhà máy đặt tại VN, gồm hai nhà máy ở Hưng Yên và Phú Bài (Huế).
Trong một bài viết trên Nacion.com, ông Javier Chacon - phó chủ tịch cấp cao phụ trách hoạt động toàn cầu của tập đoàn này - giải thích lý do chuyển hướng này là bởi VN đang nổi lên như là sự lựa chọn tối ưu với các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Và trên hết, VN đã là thành viên của TPP.
Tương tự, Tập đoàn Cargill (Mỹ), chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy thức ăn gia súc mới tại Bình Dương, nâng tổng vốn đầu tư vào VN lên 180 triệu USD và số nhà máy của tập đoàn này tại VN lên con số 12. Đặc biệt, chủ tịch Tập đoàn Cargill, ông David MacLennan, đã đích thân đến VN để khẳng định cơ hội đầu tư lâu dài tại thị trường này.
Ông Hiroyuki Ishige, chủ tịch kiêm tổng giám đốc văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), cũng cho biết có đến 70% doanh nghiệp Nhật mong muốn mở rộng đầu tư, sản xuất tại VN. Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp Nhật tìm đến Jetro để mở rộng đầu tư, kinh doanh tăng cao nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á.
Đừng mãi là quốc gia gia công
Nhận xét về làn sóng vốn FDI vào VN thời gian gần đây, GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tại VN, cho rằng rất nhiều cam kết trong TPP tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, bảo vệ doanh nghiệp nước ngoài, không phân biệt đối xử. Điều kiện mở cửa dễ dàng hơn trong lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, viễn thông và một số lĩnh vực khác.
Điều này sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn mở rộng đầu tư vì họ có niềm tin bỏ tiền vào VN sẽ an toàn, được bảo vệ.
Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay là làm sao biến cơ hội thu hút đầu tư thành cơ hội chuyển giao công nghệ, nắm bắt kỹ thuật, kỹ năng của các nước có nền sản xuất phát triển. “Bởi nếu không làm chủ được công nghệ hay học hỏi những kỹ năng, VN mãi mãi là quốc gia gia công của thế giới”, ông Mại khuyến cáo.
Theo ông Cao Trần Quốc Hải - phó vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao), việc thu hút vốn FDI của VN đang rất thuận lợi, nhất là khi nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc và các quốc gia khác có xu hướng chuyển dần sang VN.
Đặc biệt, với chính sách Trung Quốc + 1, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc thường chọn thêm một quốc gia trong khu vực lân cận để phân tán rủi ro, trong đó VN nổi lên là điểm đến hấp dẫn với việc tích cực tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ông Hải cho rằng VN đang được kỳ vọng sau 20 năm nữa sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành công xưởng của thế giới. Cơ hội lớn nhưng sự lan tỏa của FTA chỉ diễn ra khi các địa phương có chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư kịp thời.
“Các FTA thế hệ mới có mức độ cam kết cao và tác động mạnh đến chính sách. Các địa phương cần kêu gọi vốn FDI một cách có trọng điểm, cần hiểu rõ lĩnh vực lợi thế mà địa phương đang ưu tiên thì mới đạt hiệu quả thật sự”, ông Hải nói.
VN trở thành lựa chọn của các dự án tỉ USD
Ông Martin Tricaud, tổng giám đốc HSBC tại Hàn Quốc, cho rằng VN đang trở thành lựa chọn của nhiều dự án giá trị hàng tỉ USD từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, thay vì các dự án đầu tư quy mô vừa và nhỏ như trước.
Những dự án gần đây của Samsung hay LG với số vốn hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỉ USD đã minh chứng VN là mảnh đất của công xưởng lớn thế giới. Ngoài ra, ngành bán lẻ và dịch vụ giải trí cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Dồn dập doanh nghiệp nước ngoài đến VN
Trong tháng 12-2015, dự kiến một phái đoàn hơn 20 doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ đến TP.HCM với mong muốn hợp tác cung ứng thiết bị công nghệ trong ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, theo bà Delphine Rouselet - giám đốc dự án của EVBN, một phái đoàn EU về năng lượng xanh, sau đó là đoàn doanh nghiệp về thủy hải sản... sẽ đến VN để tìm cơ hội kết nối doanh nghiệp VN.
Trước đó, hiệp hội và các tổ chức xúc tiến thương mại của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ba Lan... tại TP.HCM cũng liên tục đón tiếp nhiều phái đoàn doanh nghiệp đến VN.
Các buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp VN với doanh nghiệp các nước gần đây diễn ra ở nhiều lĩnh vực, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài về cơ hội làm ăn tại VN là rất lớn. Ngoài việc đón đầu các lợi ích trong FTA giữa EU và VN, nhà đầu tư ngoại cũng muốn tận dụng những ưu đãi về thuế quan mà TPP đem lại.
Theo Tuổi trẻ