Thông tin trên được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chia sẻ tại tọa đàm về thu hút dòng vốn FDI sáng 4/9.
Ông cũng dẫn số liệu cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư của khối ngoại. Năm 2020, mức đầu tư trên toàn cầu suy giảm 40%. 8 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, vốn FDI vào Việt Nam giảm 13% so với cùng kỳ, vốn thực hiện cũng giảm hơn 5%. Dù vậy, ông Hoàng cho rằng so với sự sụt giảm sâu của các nước, mức giảm này vẫn chấp nhận được. Mặt khác, tín hiệu đáng mừng là số dự án đăng ký mới tăng 6,6%, dự án đăng ký tăng 22%.
"Thông qua tiếp xúc nhiều kênh, chúng tôi nhận thấy tần suất các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam ngày càng tăng lên", ông Hoàng nói. Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI – do các lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư làm tổ trưởng và tổ phó. Theo ông Hoàng, gần đây, tổ này đã làm việc trực tiếp lẫn trực tuyến với rất nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án có tính cạnh tranh cao, giá trị lên đến tỷ USD. Những thông tin này không được công bố do các doanh nghiệp đề nghị giữ bí mật.
|
Công nhân sản xuất vỏ màn hình điện thoại tại một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Hải Dương. Ảnh: Thu Nguyễn.
|
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp tháng 6 của Bộ Công Thương cũng nhắc đến một số tên tuổi như LG, Panasonic, Foxconn (đơn vị cung cấp linh kiện cho Apple)... đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất, đầu tư sang Việt Nam. Đầu năm nay, Apple cũng liên tục tuyển dụng nhân sự tại Hà Nội, TP HCM làm dấy lên khả năng hãng này mở nhà máy tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất được các doanh nghiệp ngoại chú ý. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, các quốc gia đang cạnh tranh quyết liệt để giữ và thu hút thêm FDI.
Trung Quốc đưa ra Luật Đầu tư nước ngoài mới hướng đến tăng độ mở, minh bạch và khả năng dự báo cho doanh nghiệp. Ấn Độ, Indonesia áp dụng các biện pháp mới nhằm tăng sức hút với dòng vốn. Bên cạnh đó, các nước như Nhật, Mỹ cũng đưa ra các chính sách để các nhà máy khi di chuyển khỏi Trung Quốc sẽ "hồi hương".
Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, khi thu hút FDI, Việt Nam phải nhận thức được đâu là thứ cần đạt được từ các nhà đầu tư. Ông lưu ý phần lớn vốn FDI vào Việt Nam có nguồn gốc từ châu Á, còn dòng vốn chất lượng cao từ châu Âu, Mỹ lại vắng bóng. Vấn đề này không mới nhưng chưa được cải thiện nhiều trong thời gian qua.
"Với những nhà đầu tư chất lượng cao, họ muốn chính sách phải ổn định, cụ thể, dự đoán được và không phát sinh chi phí phi chính thức", ông Cung nói và nhấn mạnh yếu tố thể chế, môi trường đầu tư cần tiếp tục thay đổi.
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết Việt Nam đang tích cực cải thiện về vấn đề pháp luật, thể chế, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Các ưu đãi hiện tại cho khối FDI "nhỉnh" hơn nhiều nước nhưng Việt Nam vẫn đưa thêm khung ưu đãi đặc biệt. Các ưu đãi này được "may đo", dành cho các dự án công nghệ cao, hiện đại, có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị.
Mặt khác, để đất nước thực sự hưởng lợi từ FDI, các chuyên gia nhấn mạnh doanh nghiệp trong nước phải nâng cao trình độ để bắt tay sòng phẳng với các doanh nghiệp ngoại. Doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc các hoạt động M&A trong và ngoài nước để tích lũy, làm chủ công nghệ. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực hơn trong hoạt động nâng cấp bản thân.
Theo VnExpress