Nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích kế hoạch xả nước thải hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Quyết định xả nước thải hạt nhân ra biển của Nhật Bản không chỉ bị Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia láng giềng khác phản đối mà còn gây ra sự bất mãn và nghi ngờ của chính người dân Nhật Bản.
Nhật Bản quyết định sẽ xả 1 triệu tấn nước thải hạt nhân ra biển. Ảnh: Sohu
Nhật Bản quyết định sẽ xả 1 triệu tấn nước thải hạt nhân ra biển. Ảnh: Sohu

Nước thải hạt nhân ở Fukushima có thể hủy hoại Thái Bình Dương trong 57 ngày

Nước thải hạt nhân của Nhật xả ra biển có tác hại như thế nào? Một viện nghiên cứu khoa học biển của Đức đã tính toán rằng các chất phóng xạ sẽ phát tán ra hầu hết Thái Bình Dương trong vòng 57 ngày kể từ ngày xả thải. Mỹ và Canada sẽ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm hạt nhân 3 năm sau đó. Đồng thời, nước thải hạt nhân sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường biển, nguồn lợi thủy sản, an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.

Theo Chính phủ Nhật, số nước này đã được xử lý loại bỏ hầu hết phóng xạ như strontium, cesium, nhưng vẫn còn tritium vốn ít gây hại hơn ở nồng độ thấp, và làm loãng theo quy chuẩn quốc tế.

Các bồn chứa nước tại Nhà máy hạt nhân Daiichi ở Fukushima.
Các bồn chứa nước tại Nhà máy hạt nhân Daiichi ở Fukushima.

Tuy nhiên, hãng truyền thông Đức RND đưa tin, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), Nhật Bản, đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, đã nhiều lần đưa ra các thông điệp gây hiểu lầm sau thảm họa hạt nhân. Công nghệ được sử dụng tại Fukushima Daiichi không hiệu quả như đã hứa: các nguyên tố phóng xạ vẫn tồn tại trong nước thải.

Ken Bisseler, một nhà khoa học cấp cao tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts, cho biết: "Tôi lo ngại rằng các chất gây ô nhiễm phóng xạ trong các bể chứa vẫn ở mức cao. Các chất ô nhiễm khác có ảnh hưởng đến sức khỏe hơn cả tritium, và có nhiều khả năng tích tụ trong hải sản và trầm tích đáy biển."

Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp nội các vào ngày 13/4 và chính thức quyết định lọc và pha loãng một triệu tấn nước thải hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển. Việc xả thải sẽ bắt đầu trong 2 năm tới và toàn bộ quá trình có thể kéo dài hàng thập kỷ.

Hàn Quốc, Trung Quốc và người dân Nhật phản đối việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-moon, đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc, Koichi Sangsei, để truyền đạt quan điểm của chính phủ Hàn Quốc về quyết định của Nhật Bản xả nước ô nhiễm hạt nhân ra biển.

Choi Jong-moon cũng truyền tải sự phản đối của công dân Hàn Quốc về vấn đề này, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về những mối đe dọa tiềm tàng mà động thái này có thể mang lại cho sức khỏe và môi trường của công dân Hàn Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Nhật Bản "hành động một cách có trách nhiệm" đối với việc xả thải.

"Để bảo vệ lợi ích chung của quốc tế và sức khỏe, sự an toàn của người dân Trung Quốc, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với phía Nhật Bản thông qua kênh ngoại giao", người phát ngôn Trung Quốc nói.

Vào ngày 13/4, một số tổ dân phố ở tỉnh Fukushima đã tập trung trước chính quyền tỉnh Fukushima, khoảng 70 người biểu tình giơ cao khẩu hiệu "Không xả thải ra biển" và "Công chúng không ủng hộ quyết định này".

Ngay cả trước khi chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định chính thức, tin tức này đã làm dấy lên những lo lắng và bất mãn của người dân Nhật Bản. Một cuộc thăm dò cho thấy 50% công dân Nhật Bản không đồng ý với kế hoạch "xả nước thải hạt nhân ra biển" và hy vọng rằng chính phủ Nhật Bản có thể chịu trách nhiệm với chính người dân của mình và lợi ích công cộng quốc tế.

Người dân tổ chức biểu tình phản đối ở Fukushima. Nguồn ảnh: Kyodo News

Người dân tổ chức biểu tình phản đối ở Fukushima. Nguồn ảnh: Kyodo News

Ngoài việc thải ra đại dương, các "phương án" xử lý nước thải hạt nhân là gì?

Sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, để kiểm soát nhiệt độ của lò phản ứng hạt nhân, Công ty Điện lực Tokyo đã bơm một lượng lớn nước làm mát vào lò phản ứng. Nước làm mát trong lò phản ứng cùng với dòng nước mưa và nước ngầm chảy ngày này qua ngày khác, các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều nước thải hạt nhân có chất phóng xạ.

Từ năm 2013, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất 5 phương pháp xử lý nước thải hạt nhân, bao gồm: bơm vào lòng đất, xả ra đại dương, thải hơi nước, thải hydro và chôn lấp dưới lòng đất.

Vào tháng 2/2020, ủy ban chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề nước thải hạt nhân của Nhật đã ban hành một báo cáo đánh giá, liệt kê hai phương án xả thải ra đại dương và xả hơi nước, đồng thời cho biết từ góc độ vận hành, công nghệ, kinh tế và thời gian, việc thải các chất ô nhiễm ra biển là "thực tế và khả thi hơn". Phía Nhật Bản cho rằng việc thải tritium ra biển có tác động "tương đối nhỏ" đến sức khỏe con người.

Theo báo chí Nhật Bản, lượng nước thải hạt nhân của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang tăng lên 140 tấn mỗi ngày, và tình trạng này đã diễn ra hơn 10 năm. Với sự gia tăng số lượng này, nước thải hạt nhân Fukushima sẽ tràn đầy vào năm sau, nếu không xử lý kịp thời thì Nhật Bản sẽ không còn chỗ chứa nữa.

Tổ chức Môi trường Quốc tế: Nhật Bản phớt lờ nhân quyền và luật biển quốc tế

Bể chứa nước thải hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. Nguồn ảnh: Xinhuanet
Bể chứa nước thải hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản. Nguồn ảnh: Xinhuanet

Theo Sohu, các chuyên gia cho rằng cộng đồng quốc tế cho đến nay chưa có tiền lệ về việc xả nước thải hạt nhân ra đại dương. Theo "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển", động thái của chính phủ Nhật Bản là một hành vi gây ô nhiễm môi trường biển và phải chịu các trách nhiệm pháp lý quốc tế tương ứng.

Theo CCTV News, tổ chức môi trường quốc tế Greenpeace đã bày tỏ sự lên án mạnh mẽ với quyết định xả thải của Nhật Bản, cho rằng quyết định này là coi thường luật biển quốc tế và quyền con người của người dân ở Fukushima, Nhật Bản và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Nhân quyền Marcos Orellana đã đăng trên Twitter: "Mặc dù một số nhà khoa học nói rằng bức xạ của tritium rất thấp, nhưng những rủi ro mà nó mang lại con người và môi trường sẽ tiếp tục trong hơn 100 năm nữa".