Nhiều “ông lớn” vẫn mắc kẹt vì đầu tư bất động sản

Hầu hết các Tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí có dự án đã xây dựng từ năm 2006 đến nay chưa hoàn thành, báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho biết.  
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.

Theo đó, kiểm toán chỉ ra hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản còn các dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư. 

Tiêu biểu như Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 -TNHH MTV đầu tư dự án Cao ốc Valta của Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng Tân Định xây dựng từ năm 2006 đến nay chưa hoàn thành.

VINACHEM đầu tư dự án DAP Hải Phòng chậm tiến độ hơn 60 tháng, tương đương 5 năm. 

Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam đầu tư dự án Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không Liên Khương kéo dài thêm 2 năm, Dự án Cơ sở làm việc của các đơn vị khu vực sân bay Gia Lâm kéo dài hơn 1 năm.

Công ty mẹ - Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đầu tư dự án Khu đô thị mới Cầu Giấy phát sinh từ năm 2006 chưa được triển khai thực hiện.

Báo cáo cũng chỉ ra một số dự án tại các Tổng công ty phải tạm dừng triển khai "gây lãnh phí vốn đầu tư" như Tổng công ty Vận tải Hà Nội đầu tư công trình Nhà văn phòng làm việc và cho thuê tại 23 Hàn Thuyên của Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ hàng hóa Hà Nội; Công ty mẹ - SATRA đầu tư dự án nhà ở và Trung tâm thương mại tại số 62 Tân Thành, Quận Tân Phú, TP.HCM; Tổng công ty Giấy Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam.

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, do vốn chủ sở hữu thấp nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. 

Cụ thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng số 1 là 31,33 lần, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng khoáng sản miền Trung 3,26 lần.

Tổng công ty 36 - Bộ Quốc phòng: Công ty mẹ 11,22 lần, Công ty TNHH MTV 36.55 là 15,62 lần. Tổng công ty Giấy Việt Nam: Công ty TNHH MTV Nguyên liệu Giấy miền Nam 36,2 lần...

Trong khi, một số đơn vị có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt chưa được xử lý VEAM: Vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đến 31/12/2013 là 5.207,51 tỷ đồng, vượt 2.835,16 tỷ đồng so với vốn điều lệ; Công ty TNHHNN MTV Diesel Sông Công đến 31/12/2013 vốn chủ sở hữu vượt vốn điều lệ 233,57 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo kiểm toán cũng cho biết, một số Tổng công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với ngân sách nhà nước. 

Tại VEAM: Công ty cổ phần Cơ khí chính xác số 1 là 41.376 m2, Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1 là 41.986 m2, Công ty TNHH NN MTV Diesel Sông Công 22.305,6 m2. 

SATRA: Công ty cổ phần Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn 1.494,6 m2, Công ty Vissan 2.091,2 m2...

Theo Bizlive