|
Doanh thu vàng miếng 24k của PNJ tăng vọt 90,9% so với cùng kỳ 2023. |
Báo cáo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2024 của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt 19.546 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.051 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức tăng trưởng so với nền rất cao của công ty năm 2023.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng trang sức bán lẻ chiếm tỷ lệ lớn nhất 47,9% khoảng 9.363 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, do sự sôi động của thị trường, doanh thu vàng 24K chiếm tỷ lệ lớn thứ hai 43,4% đạt khoảng 8.483 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ.
Doanh thu trang sức bán sỉ tăng 16,4% so với cùng kỳ. Các mặt hàng khác giảm 41% chiếm tỷ lệ doanh thu không đáng kể.
Biên lợi nhuận gộp trung bình trong 5 tháng đầu năm của PNJ đạt 16,5%, giảm so với mức 19% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh. Trong đó, tỷ trọng doanh thu vàng 24K với biên lợi nhuận không cao đóng góp tỷ trọng 43,4% doanh thu so với mức 30,9% cùng kỳ năm trước.
Theo PNJ, mức tăng trưởng này chủ yếu do nỗ lực của công ty trong việc tung ra nhiều bộ sưu tập mới phù hợp thị hiếu khách hàng, triển khai nhiều chiến dịch marketing và chương trình bán hàng hiệu quả. Công ty cũng thu hút nhiều khách hàng mới và tăng cường tỷ lệ khách hàng cũ quay lại.
Năm 2024, PNJ đặt mục tiêu doanh thu 37.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 2.089 tỷ đồng. Sau 5 tháng, công ty đã thực hiện được 52,6% kế hoạch doanh thu và 50,3% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm.
Cũn trong 5 tháng đầu năm 2024, PNJ mở thêm 12 cửa hàng mới và đóng 7 cửa hàng. Tính đến 31/5/2024, PNJ có tất cả 405 cửa hàng tại 57/63 tỉnh/thành cả nước.
Kết thúc quý I/2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.594 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ và vượt mức kỷ lục năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 738 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% so với mức kỷ lục cùng kỳ năm 2023.
Biên lợi nhuận gộp trung bình quý I/2024 đạt 17,1%, giảm so với mức 19,4% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu hàng bán, sự biến động giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác.
Tuy nhiên, với số liệu kinh doanh lợi nhuận sau thuế 5 tháng đầu năm có thể thấy mỗi tháng, PNJ thu về trung bình 210,2 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, PNJ lãi gần 7 tỷ đồng từ doanh thu bán vàng miếng và trang sức.
Trong quý I, báo cáo tài chính của PNJ cũng cho thấy tổng chi phí hoạt động tăng 28,7% so với cùng kỳ 2023 do chi phí bán hàng tăng tỷ lệ với doanh thu. Tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp quý I tăng từ mức 49,2% lên mức 56%.
Về thị phần, trong các năm trước, SJC đứng đầu về doanh thu. Tuy nhiên, gần đây, vị trí số 1 đã thuộc về PNJ. Về lợi nhuận, từ lâu PNJ đã chiếm vị trí số 1. Cụ thể, từ năm 2018, lợi nhuận của PNJ đã đạt gần 960 tỷ đồng, gấp nhiều lần lợi nhuận của Doji và SJC cộng lại. Lợi nhuận Doji (công ty mẹ) và SJC chỉ vài chục tỷ đồng.
Hàng trăm chi nhánh, trung tâm kinh doanh và đại lý, điểm bán trang sức trên toàn quốc mang về cho Doji mỗi năm hàng chục, thậm chí cả trăm nghìn tỷ đồng doanh thu, tuy nhiên, lợi nhuận lại rất mỏng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và đây là thương hiệu trong vòng khoảng một năm qua có giá bán cao hơn 10-18 triệu đồng/lượng so với các nhãn khác. Tuy nhiên, ông lớn vàng Nhà nước này có kết quả kinh doanh không ấn tượng. Theo báo cáo kiểm toán, năm 2022 SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) nhưng lợi nhuận chưa tới 49 tỷ đồng.
Còn Bảo Tín Minh Châu (BTMC) gây bất ngờ với nhiều năm bị lỗ. Theo báo chí trong nước, trong năm 2019, BTMC ghi nhận doanh thu đạt 531 tỷ đồng, còn nhiều năm trước đó, doanh thu chỉ khoảng 50% của năm 2019. BTMC lỗ trong giai đoạn từ 2016-2018. Năm 2019, doanh nghiệp này lãi 1,2 tỷ đồng.
Cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước quyết định thanh tra việc kinh doanh vàng của SJC, Doji, PNJ và Bảo Tín Minh Châu, TPBank và Eximbank.