Nhiều nước phạt nặng những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19

VietTimes -- Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona chủng mới đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa ra các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi trốn cách ly, khai báo không chính xác hoặc vi phạm các quy định phòng chống dịch.
Thông điệp chống virus corona được đăng tải trên một biển hiệu ở London, Anh (Ảnh: New Scientist)
Thông điệp chống virus corona được đăng tải trên một biển hiệu ở London, Anh (Ảnh: New Scientist)

Anh

Theo tờ The Sun, cảnh sát Anh có thể phạt tù hoặc áp dụng mức phạt tiền 1.000 bảng đối với những người vi phạm các quy tắc chống dịch do virus corona chủng mới gây nên.

Chính quyền các cấp ở Anh sẽ được trao quyền lực khẩn cấp, dự kiến được công bố trong tuần này, cho phép lực lượng cảnh sát sử dụng “vũ lực hợp lý” để bắt giữ những cá nhân bị cho là có thể lây nhiễm COVID-19 cho người khác.

Được công bố trên website chính phủ Anh, Các Quy định Bảo vệ Sức khỏe (virus corona) 2020 chỉ rõ rằng, người dân có thể bị giữ 14 ngày trong một bệnh viện hay một địa điểm hợp lý nào khác. Và nếu họ rời khỏi đó trước khoảng thời gian cách ly được quy định, họ có thể bị bắt giữ và liệt vào diện cần theo dõi.

Không tuân thủ các biện pháp chống dịch cũng bị coi là vi phạm pháp luật, với mức tiền phạt lên tới 1.000 bảng, thậm chí đối mặt với án tù nếu một người không đủ khả năng trả tiền phạt.

Những người bị nghi nhiễm virus corona chủng mới cần phải hợp tác với chính quyền trong việc cho máu để mang đi xét nghiệm, phải thông báo với chính quyền về nơi mà họ từng đến và những người mà họ từng gặp gỡ.

Đài Loan

Khử trùng tại một trạm xe lửa ở Đài Loan (Ảnh: CNA)
Khử trùng tại một trạm xe lửa ở Đài Loan (Ảnh: CNA)

Những người vi phạm các biện pháp cách ly phòng chống dịch do virus corona có thể đối mặt với bản án 2 năm tù giam hoặc mức tiền phạt lên tới 2 triệu Đài tệ (65.950 USD) nếu khiến người khác chịu rủi ro nhiễm bệnh.

Từ hồi đầu tháng này, chính quyền Đài Loan đã liệt danh sách các biện pháp ngăn dịch, trong đó bao gồm cả các biện pháp hỗ trợ và trừng phạt. Đối với những người tích trữ các loại trang bị phòng dịch như khẩu trang, họ sẽ phải đối mặt với mức phạt tù tối đa là 5 năm hoặc mức phạt tiền lên tới 5 triệu Đài tệ, theo Channel News Asia.

Những người phát tán thông tin giả về dịch COVID-19 sẽ đối mặt với bản án 3 năm tù giam và mức phạt tiền tối đa là 3 triệu Đài tệ.

Những người trốn cách ly có thể chịu mức phạt tiền tối đa 1 triệu Đài tệ, và nếu họ tìm đến những nơi đông người và di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, thì sẽ bị khởi tố, đối mặt với mức phạt tiền 2 triệu Đài tệ và bản án 2 năm tù giam.

Kể từ khi Đạo luật đặc biệt về phòng ngừa, cứu trợ và phục hồi COVID-19 đi vào hiệu lực, đã có trên 70 trường hợp bị phạt ở Đài Loan, trong đó 63 người bị phạt 10.000 Đài tệ, một người bị phạt 50.000 Đài tệ, một người bị phạt mức 70.000 Đài tệ, và một trường hợp bị phạt 1 triệu Đài tệ.

Australia

Chính phủ liên bang của Australia đề ra các hình phạt cực kỳ mạnh tay với những trường hợp vi phạm quy định chống dịch COVID-19 (Ảnh: Getty)
Chính phủ liên bang của Australia đề ra các hình phạt cực kỳ mạnh tay với những trường hợp vi phạm quy định chống dịch COVID-19 (Ảnh: Getty)

Ở Australia, chính quyền cũng áp dụng hình thức phạt tiền và án tù đối với những người không tuân thủ các quy định về phòng dịch virus corona chủng mới.

Hôm Chủ nhật tuần trước, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố rằng những người từ nước ngoài đến Australia phải tự cách ly trong vòng 14 ngày. “Nếu như một người từng đến Bali và trở về (Australia), sau đó họ đi làm như bình thường…điều này là vi phạm pháp luật” – ông Morrison nói.

Các cơ quan y tế của chính phủ liên bang Australia đã đưa ra các chỉ thị về tự cách ly, và bất cứ ai không tuân thủ các quy định này đều phải đối mặt với những hình phạt thích đáng – tuy nhiên, mỗi bang lại áp dụng các hình phạt riêng.

Ở bang New South Wales, những người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch do chính quyền ban hành sẽ chịu mức phạt tiền 11.000 USD hoặc 6 tháng tù giam. Mức phạt sẽ nặng hơn nếu một người liên tục vi phạm.

Ở bang Queensland, người vi phạm các quy định phòng chống virus corona sẽ đối diện với mức phạt tiền 13.345, đã nêu trong Đạo luật Y tế công của bang này.

Bang Western Australia, trong khi đps, áp dụng mức phạt cao hơn: 50.000 USD phạt tiền và 12 tháng tù giam. Đây là bang áp dụng mức phạt mạnh tay nhất ở Australia, trong đó bất cứ ai vi phạm Đạo luật Y tế công đều phải vừa đóng khoản tiền phạt 50.000 USD vừa phải ngồi sau song sắt tới 1 năm.

Ở bang South Australia, vi phạm quy định về chống dịch COVID-19 sẽ đối mặt mức phạt tiền 25.000 USD. Mức tiền phạt ở bang Victoria là 20.000 USD, ở bang Tasmania là 8.400 USD.

Singapore

Đài quan sát Skypark ở khu Marina Bay của Singapore vắng vẻ trong bối cảnh dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters)
Đài quan sát Skypark ở khu Marina Bay của Singapore vắng vẻ trong bối cảnh dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters)

Singapore, một trung tâm kinh tế thu hút lượng lớn du khách quốc tế mỗi năm, là nước áp dụng các biện pháp cách ly tại gia cực kỳ hà khắc. Chính quyền Singapore cũng áp dụng các hình thức phạt mạnh tay đối với bất kỳ ai vi phạm các hướng dẫn về phòng chống dịch COVID-19.

Kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát ở Singapore, đã có hàng nghìn người ở nước này phải tự cách ly. Bất cứ ai trong diện cách ly đều nhận được nhiều cuộc gọi điện để kiểm tra mỗi ngày, và được yêu cầu phải bấm vào một đường link để khai báo vị trí hiện tại của họ. Giới chức Singapore cũng thực hiện các cuộc kiểm tra bất chợt đến từng hộ cách ly để xác nhận sự tuân thủ của người dân. Những người thuộc diện cách ly mà rời khỏi nhà sẽ chịu mức phạt tiền lên tới 10.000 USD hoặc 6 tháng tù giam.

Nga

Từ đầu tháng 3, chính quyền thành phố Moscow (Nga) đã tuyên bố sẽ phạt tù tới 5 năm đối với những người không tự cách ly tại nhà trong 2 tuần sau khi trở về từ những nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chính quyền thành phố Moscow quy định, những người trở về từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và những nước khác nếu có các dấu hiệu nhiễm bệnh nên tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Những người không tuân thủ quy định này có thể bị phạt nặng, với mức phạt tù lên tới 5 năm. 

Hàn Quốc

Quốc hội Hàn Quốc hôm 26/2 đã thông qua luật nhằm chống lại sự bùng phát dịch. Theo đó, những bệnh nhân cố tình vi phạm lệnh cách ly sẽ phải đối mặt với án tù lên đến một năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 10 triệu won (8.200 USD).

Chính phủ nước này cũng quy định hạn chế xuất khẩu khẩu trang và chất khử trùng để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Iran

Tích trữ, đầu cơ trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 bị xem là trọng tội ở Iran (Ảnh: PressTV)
Tích trữ, đầu cơ trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 bị xem là trọng tội ở Iran (Ảnh: PressTV)

Ở Iran, trưởng công tố nước này cho rằng việc tích trữ, đầu cơ cùng các hành vi trái phép khác gây gián đoạn chuỗi cung ứng các trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng sẽ phải chịu những hình thức phạt nghiêm khắc, thậm chí là tử hình.

Ông Mohammad Ja’far Montazeri nói rằng Điều 286 trong Bộ Quy tắc Trừng phạt Hồi giáo chỉ rõ rằng, bất kỳ hành động nào gây “gián đoạn các cơ chế y tế công” sẽ bị coi là “xâm phạm tới sự toàn vẹn cơ thể” của những cá nhân đang sống trong xã hội. Ông nói rằng văn phòng công tố của ông luôn sẵn sàng truy vết nhanh những trường hợp cá nhân mua tích trữ, đầu cơ trang thiết bị y tế cùng nhiều hành vi trái phép khác trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.