Nhiều doanh nghiệp ICT gặp khó vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có 92% doanh nghiệp ICT tham gia khảo sát cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động “tiêu cực” hoặc “rất tiêu cực” tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi làm việc về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp ICT
Toàn cảnh buổi làm việc về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp ICT

Thông tin trên được công bố tại buổi làm việc giữa ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), và Ban Kinh tế Trung ương về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp ICT trong đại dịch Covid-19 diễn ra vào sáng nay (4/11).

Tại buổi làm việc, đại diện VDCA đã trình bày kết quả của cuộc khảo sát về tác động của đại dịch Covid-19 tại 25 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (68% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 100 tỉ đồng).

Theo đó, có tới 92% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động “tiêu cực” hoặc “rất tiêu cực” tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ có 2 doanh nghiệp cho rằng hoạt động của doanh nghiệp không chịu tác động của đại dịch.

Về kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2019-quý 3/2021 so với giai đoạn 2016-2018, có 76% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có kết quả kinh doanh sụt giảm, trong đó, phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm từ 10-25% (7 doanh nghiệp) và từ 25-50% (9 doanh nghiệp).

Có 3 doanh nghiệp tham gia khảo sát ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm trên 50%. Trong khi đó, có 20% doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh của họ có sự gia tăng, và 1 doanh nghiệp cho rằng không có sự thay đổi.

Tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ICT khá đa dạng, song tập trung vào 5 khó khăn, tác động chính gồm: (i) Khó khăn từ việc mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng; (ii) Thiếu vốn; (iii) Chi phí gia tăng trong khi doanh thu giảm; (iv) Vấn đề lưu thông, vận chuyển; (v) Chính sách hỗ trợ chưa phù hợp.

Trong bối cảnh đại dịch, Chính phủ và các địa phương đã có những biện pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoảng 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng họ không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ.

Nguyên nhân mà các doanh nghiệp cho rằng các chính sách, biện pháp hiện nay không hiệu quả phần lớn là do thủ tục phức tạp, doanh nghiệp khó đáp ứng các điều kiện để hưởng những biện pháp hỗ trợ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, rào cản về chính sách để phù hợp với tình hình mới, các doanh nghiệp đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Miễn giảm một số loại thuế và thủ tục hành chính; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động cần thống nhất trên toàn quốc; Đẩy nhanh quá trình số hoá, xây dựng hệ thống điện tử tiếp nhận thông tin, đăng ký chính sách; Hỗ trợ chi phí chuyển đổi số; Mở cửa thị trường; Các doanh nghiệp nên được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi./.