Nhiều doanh nghiệp công bố thưởng Tết sớm

Dù mới cuối tháng 11, song nhiều doanh nghiệp đã công bố thưởng Tết. Mức thưởng Tết năm nay được dự báo sẽ không thấp hơn năm ngoái.

Thưởng cả tiền và vàng

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động khiến nhiều người quan tâm khi thông tin về việc thưởng Tết cho hơn 60.000 nhân viên mức bình quân 28 triệu đồng, cao gấp 2,5 lần năm ngoái. Được biết, nhờ kết quả kinh doanh năm nay khả quan hơn, lãnh đạo công ty muốn tăng quỹ thưởng để khích lệ nhân viên.

Chính sách thưởng Tết giúp người lao động an tâm gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Tương tự, Công ty Cổ phần May Sông Hồng (Nam Định) cũng đã công bố chính sách thưởng tết Nguyên đán năm 2025 cho hơn 12.000 lao động, với mức 2 tháng lương bình quân và thưởng theo vị trí việc làm. Mức thưởng theo vị trí việc làm được thực hiện trở lại sau khi đã cắt giảm vào năm ngoái, được kỳ vọng sẽ giữ chân lao động dịp cuối năm.

Một số doanh nghiệp cho biết sẽ thưởng bằng năm ngoài, trong khi nhiều nơi đang chờ kết quả kinh doanh 2 tháng cuối năm mới đưa ra quyết định.

Bà Đào Thị Lan Anh, Giám đốc Hành chính nhân sự, Công ty CP Hãng sơn Đông Á cho biết, năm nay công ty dự kiến vẫn chi thưởng Tết bằng năm ngoái (tháng lương thứ 13) và suất quà Tết trị giá 1.000.000 đồng/người. Người lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên sẽ nhận thêm 1 chỉ vàng. Lao động có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tặng thêm 500.000 đồng và hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT Vinapharma Group cho biết, công ty gặp khó khăn suốt từ thời điểm Covid-19 hiện vẫn chưa vực dậy được. Vì thế, kết quả kinh doanh trông chờ cao điểm tiêu thụ cuối năm. Đây là lý do thưởng Tết hiện vẫn chưa được công bố.

Bộ LĐ,TB&XH cho biết, năm nay nhiều doanh nghiệp đã công bố thưởng Tết sớm để dễ tuyển lao động dịp cuối năm. Bộ đã có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo kế hoạch thưởng Tết trước ngày 15/12.

Sẽ không thấp hơn năm ngoái

Năm 2024, mức thưởng tết Dương lịch cao nhất là 376,3 triệu đồng/người, thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở tỉnh Vĩnh Phúc. Mức thưởng tết Nguyên đán cao nhất là 5,68 tỷ đồng/người, thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại một doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An, cũng là mức thưởng cao nhất từ trước đến nay.

Đại diện Bộ LĐ,TB&XH dự báo, mức thưởng Tết năm nay sẽ không thấp hơn năm ngoái. Vị này lý giải, nguyên nhân do kinh tế đang dần hồi phục, đơn hàng của doanh nghiệp ổn định hơn. Bằng chứng rõ nét nhất là thị trường lao động ổn định, gia tăng nhu cầu tuyển dụng.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), số liệu mới nhất cho thấy, thu nhập bình quân đầu người năm 2024 dự kiến tăng khoảng 8% so với năm ngoái, tương ứng ngưỡng 7,6 - 8 triệu đồng mỗi tháng.

"Các số liệu cho thấy các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, hy vọng họ sẽ có quỹ lương, thưởng Tết cuối năm tốt cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có một bộ phận doanh nghiệp đang gặp khó khăn, khi số doanh nghiệp giải thể, phá sản tính đến hết tháng 10 tăng đột biến, chưa kể số tạm dừng hoạt động, hay một số đã cắt thưởng tháng 13. Điều này không tạo động lực kích thích làm việc cho lao động", ông Việt nhìn nhận.

Thưởng Tết có nên là khoản "cứng"?

Theo ông Việt, về nguyên tắc, doanh nghiệp làm ăn có lãi thì mới trích quỹ để lo cho người lao động, trong đó có thưởng Tết. Còn kế hoạch sản xuất kinh doanh không đạt thì đương nhiên sẽ tính toán chi li.

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, nhìn rộng ra, nếu muốn ổn định thị trường lao động, hướng tới phát triển bền vững, việc người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp rất quan trọng. Trong đó, chính sách thưởng Tết là một trong những yếu tố quyết định đến việc giữ chân họ.

"Có lẽ chúng ta cần có phương án để thưởng Tết là khoản quy định "cứng". Ở nước ngoài họ làm vậy và đó là khoản đã được đưa vào quỹ chung chứ không phải phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp. Đương nhiên những công ty phá sản thì không bàn tới.

Ngoài ra, cũng cần nhìn lại cách quản trị doanh nghiệp. Ở nước ngoài, người lao động ở nhiều doanh nghiệp được chia lợi nhuận, cổ tức từ hoạt động đầu tư. Đây sẽ là khoản họ trông chờ hơn là thưởng Tết", ông Việt nói và cho rằng, văn hóa thưởng Tết cần thay đổi theo hướng gắn kết lợi ích doanh nghiệp với cá nhân người lao động, từ đó kích hoạt năng suất lao động ở mỗi người.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, với kịch bản cao, tăng trưởng quý IV sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu 7,0% mà Chính phủ đề ra. Với kịch bản thấp, tăng trưởng quý IV sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.

Theo Báo Giao thông