|
Công ty Chín Nghĩa xin tăng giá vé tuyến Hà Nội - Quảng Ngãi tới 60%. |
Không giảm cước còn đòi tăng phụ thu
9 DN vận tải hoạt động ở 2 bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát (Hà Nội) đã có thông báo tăng giá vé trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi; trong đó, phần lớn đều tăng phụ thu giá vé 50-60% so với ngày thường. Ông Nguyễn Tất Thành- Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, bến đã nhận được đề nghị tăng giá vé trong dịp tết sắp tới của 7 DN vận tải.
Trong đó, Công ty TNHH Vận tải và Du lịch vận tải Hải Vân chạy tuyến Giáp Bát - Đà Nẵng xin tăng 60% giá vé (mức tăng cao nhất) bắt đầu từ ngày 19.2-6.3. Các công ty còn lại đề nghị tăng giá vé 40-50%. Riêng Công ty TNHH Hiền Phước, chạy tuyến Giáp Bát - TP.HCM, tăng giá cước từ 20-60%, tùy thời điểm. Tại Bến xe Nước Ngầm cũng có 2 đơn vị, gồm Công ty TNHH Vận tải Chín Nghĩa đăng ký giá vé phụ thu cho tuyến Hà Nội - Quảng Ngãi và ngược lại với 2 mức 40% (từ ngày 19-21.2) và 60% (từ 22.2-15.3). HTX Xe khách Trung Nam đăng ký tăng giá vé 2 tuyến TP.HCM-Hà Nội; TP.HCM-Lào Cai, mức phụ thu cao nhất 60% áp dụng từ 9-18.2; mức 40% từ 5-8.2 và 19-21.2, mức 20% từ 31.1-4.2. Trong số 9 đơn vị này có DN chưa hề giảm giá vé trong thời gian qua, như HTX Trung Nam.
Bà Vương Thu Hằng-Trưởng phòng Giá, Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, có nhận được một số hồ sơ tự ý đề xuất xin tăng giá cước vận tải (phụ thu) vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, Sở chưa chấp thuận cho bất kỳ DN nào tăng. Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cũng cho rằng, đây mới là kiến nghị của các DN, có cho phép DN phụ thu hay không, mức phụ thu bao nhiêu để phù hợp với tình hình thực tế sẽ được cơ quan quản lý cân nhắc, tính toán kỹ.
Giảm giá cước: Cơ quan nhà nước “bó tay”?
Có thể nói, động thái đề nghị tăng giá vé dịp tết của các DN vận tải đang thách thức các cơ quan chức năng trong việc điều hành giá dịch vụ này phù hợp với biến động giảm sâu của giá xăng dầu hiện nay.
Ước tính, từ giữa tháng 7.2014 đến 21.1.2015, giá xăng trong nước đã giảm lên đến gần 10.000 đồng mỗi lít (tương ứng mức giảm gần 39%), nhưng thực tế, giá cước taxi chỉ giảm từ 1.000-1.500 đồng/km, còn cước vận tải chỉ giảm từ 3-8%.
Báo cáo nhanh kết quả giảm giá cước của 10 tỉnh, thành phố sau kiểm tra sơ bộ của Bộ Tài chính, đến hết tháng 1.2015 cũng cho thấy: Vẫn còn rất nhiều DN chưa thực hiện giảm giá cước. Trong số 10 tỉnh có DN không giảm cước này, có 10 DN ở Lâm Đồng, 11 DN ở Khánh Hoà, 12 DN ở Hoà Bình, 6 DN ở Vĩnh Phúc. Ở Lâm Đồng, qua kiểm tra 40 công ty vận tải hoạt động Bộ Tài chính cho biết, mới ghi nhận 30 công ty giảm cước trung bình từ 4-33%, 2 công ty có kê khai giá nhưng không giảm cước và đặc biệt, 8 công ty còn lại vẫn chưa chịu nộp kê khai giá.
Tại Khánh Hòa, tính đến 22.1, đã có 50/64 đơn vị kinh doanh vận tải kê khai giảm giá cước. Còn lại, 11 đơn vị vẫn chưa thực hiện giảm giá hoặc không giảm, ngoài ra còn có 2 đơn vị kê khai giảm giá cước nhưng không giảm tuyến vận tải cố định và 1 đơn vị kê khai giá lần đầu. Ở Hòa Bình, đến nay vẫn còn có 12 đơn vị vận tải trên 81 đầu tuyến chưa giảm cước. Trên địa bàn Vĩnh Phúc, mới có 4/10 DN vận tải hành khách giảm giá cước. Bộ Tài chính cho biết, mặc dù các Sở Tài chính đều có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng một số DN vẫn chây ì, chưa giảm giá cước. Các DN này đều đưa ra lý do các chi phí đầu vào khác tăng và gặp khó khăn về nhu cầu hành khách giảm trên các đầu tuyến địa phương.
Để siết chặt vấn đề giá cước, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đưa giá cước vận tải vào diện bình ổn giá.
Theo Dân Việt