|
Hành trình “theo dấu vết”
Phóng viên đã đi tìm hiểu một số địa chỉ tại thành phố và phát hiện có rất nhiều địa chỉ ảo không đúng như trong hồ sơ: Truong Thi Kim Soan có địa chỉ đăng ký là 112 Nguyễn Thị Định, P.11 quận Phú Nhuận là cổ đông của 6 công ty có địa chỉ tại Hồng Kông, nhưng trên thực tế đây là địa chỉ không có thật vì ở quận Phú Nhuận không có con đường này.
Tại địa chỉ của cá nhân có tên Tran Ngoc Duc, ở 354/70 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10 là cổ đông của hai công ty có địa chỉ tại Singapore, ở đây là một nhà xe có tên Xuân Hương, khi phóng viên hỏi người quản lý nhà xe này, họ cho biết họ thuê nhà của một cá nhân nhưng không phải tên như trong hồ sơ. Theo thông tin chúng tôi có được thì trước khi nhà xe thuê căn nhà ở địa chỉ này, căn cứ vào hồ sơ đăng ký đây là địa chỉ của một công ty xử lý môi trường Bình Minh được đăng ký giấy phép kinh doanh từ năm 2010.
Hồ sơ của cá nhân có tên Truong Nguyen Anh Minh, địa chỉ đăng ký 134 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1 là cổ đông của một công ty có địa chỉ ở Hồng Kông, nhưng khi phóng viên kiểm tra thực tế lại là một nhà hàng đồ nướng Hàn Quốc. Đại diện của công ty này cho biết, công ty cũng bất ngờ khi được rất nhiều người hỏi về việc có tên trong danh sách Hồ sơ Panama, bởi căn nhà này là do công ty thuê của một người khác cách đây vài năm và cũng không liên quan gì đến tên trong Hồ sơ Panama. Tương tự như vậy thì địa chỉ của hồ sơ có tên Nguyen Hung Manh được đăng ký là số 29 Lê Quý Đôn, quận 3, nhưng trên thực tế đây là trụ sở làm việc của Ban Quản lý đường sắt đô thị.
Trong những cái tên và địa chỉ ở Hà Nội xuất hiện trong Hồ sơ Panama, thì Đoàn Hồng Nam có lẽ là cái tên khiến nhiều người cảm thấy thân thuộc nhất, bởi ông Nam, ngoài là một doanh nhân thành đạt (Chủ tịch Công ty IIG Việt Nam), còn được nhiều thế hệ học sinh gọi bằng thầy bởi các hoạt động năng nổ trong lĩnh vực đào tạo. Theo thể hiện trong hồ sơ, tên ông Nam được gắn với địa chỉ số 2, ngõ 31, đường Nguyễn Chí Thanh.
Để tìm gặp ông Nam, chúng tôi đã tìm đến trụ sở Công ty IIG Việt Nam tại số 75 Giang Văn Minh. Tại đây chúng tôi được những người cấp dưới của lãnh đạo này cho biết là ông đang đi công tác TPHCM, cuối tuần mới trở lại Hà Nội. Theo chia sẻ của nhân viên công ty này, ông Nam là người dễ gần, thường quan tâm lo lắng cho anh em trong cơ quan cũng như bên ngoài. Ông cũng thường sử dụng một chiếc xe ôtô hạng sang để đi lại.
Tại địa chỉ số 2 ngõ 31 đường Nguyễn Chí Thanh, đây là một ngôi nhà 3 tầng rộng rãi đã cũ, nằm ở một vị trí rất đẹp với cánh cửa sắt đóng kín. Theo quan sát, phía bên trong ngôi nhà rất nhiều bụi bẩn và không có người ở. Ngoài cổng lắp hệ thống camera theo dõi. Được biết, thỉnh thoảng mới có người đến mở cửa ra vào xong rồi lại đóng kín. Theo lời ông Nguyễn Chiến Hải - tổ trưởng dân phố 31 (phường Ngọc Khánh), thì ngôi nhà này trước đây là của ông Nguyễn Lân - nguyên là Kiến trúc sư trưởng Hà Nội và hiện tại thuộc sở hữu của cô con gái tên Hồng Anh.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Lân xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết, ông Đoàn Hồng Nam là con rể của mình. Liên quan đến việc tên ông Nam xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”, ông Lân từ chối đưa ra bình luận và cho biết ông không biết nhiều về các hoạt động kinh doanh của vợ chồng con gái mình. Theo tìm hiểu của PV, Công ty CLVN (B.V.I.) Ltd của Hồng Kông - nơi ông Nam được Hồ sơ Panama thể hiện là cổ đông, đã ngừng hoạt động từ năm 2014.
Còn một doanh nhân khác là ông Phạm Thành Đô, địa chỉ số 8/82 phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội. P1102, tòa nhà Harec, số 4A Láng Hạ, Hà Nội. Cổ đông của 1-2-Call Technoloties Ltd, Hồng Kông. Nhưng khi chúng tôi tìm đến P1102 tòa nhà Harec, số 4A Láng Hạ, Đống Đa (Hà Nội) thì cả tầng 11 đã được Ngân hàng Agribank thuê lại. Chỉ có một căn phòng nhỏ bên tay trái, nhưng theo quan sát, căn phòng này có dán biển hiệu chữ Trung Quốc. Một nhân viên ở đây cho hay, tại tòa nhà này không có bất cứ căn phòng 1102 nào. Điều đáng nói, địa chỉ đăng ký và một số thông tin về cổ đông của Phạm Thành Đô đều trùng khớp với người có tên Nguyen Huu Phuc trong danh sách Hồ sơ Panama.
Tìm về căn nhà số 8/82 phố Nguyễn Phúc Lai với hy vọng là gặp được Phạm Thành Đô để biết thêm được câu chuyện bí ẩn này, tuy nhiên, khi đến thì đây thì lại là nhà bố mẹ đẻ của anh Đô. Tìm hiểu được biết, người đàn ông tên Đô năm nay khoảng 40 tuổi, đã có vợ và hai con trai. Anh này cũng được hàng xóm khen ngợi là người có uy tín, hiện là lãnh đạo Công ty khoáng sản Đông Dương. Bố của anh Đô, trong cuộc trao đổi với PV, đã từ chối đưa ra các nhận định về hoạt động kinh doanh của con trai mình.
Ngẩn người khi được nhắc tên...
Sau nhiều nỗ lực liên hệ, nhóm P.V cũng tiếp cận được với bà Phạm Thị Thu Hà, người được Hồ sơ Panama thể hiện là cổ đông của Imex Asia Group Limited, Hồng Kông. Tại địa chỉ đăng ký số 8 Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội, theo tìm hiểu, đây là nhà riêng của bà Hà, hiện cho Ngân hàng Á Châu (ACB) thuê để mở chi nhánh. Giữa 2 bên đơn thuần chỉ là mối quan hệ dân sự thuê - cho thuê.
Trước câu hỏi của chúng tôi, bà Hà tỏ ra khá ngạc nhiên, ngẩn người nói “không hiểu chuyện gì”. Sau nhiều phút suy tư, người phụ nữ trung niên mới sực nhớ lý do tại sao tên bà lại xuất hiện trong Hồ sơ Panama. “Mấy năm trước, tôi và một người bạn định thành lập một công ty về chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, do không đủ các dữ kiện cần thiết nên công ty đã không thể thành lập được nên chưa hoạt động được gì cả. Tôi chẳng có tài khoản nào ở nước ngoài cả, cũng không giao dịch và làm việc gì ở nước ngoài...” - bà Hà nói. Bên cạnh đó, bà Hà cũng thừa nhận không có nhiều thông tin về vụ rò rỉ đang gây rúng động thế giới này.
Còn tại địa chỉ 55 Yên Ninh, nơi tọa lạc của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc nổi tiếng, bác sĩ Từ Đức Sắc - Phó Giám đốc - xác nhận với chúng tôi rằng, ông Nguyễn Ngọc Long hiện đang là cán bộ của bệnh viện, phụ trách mảng truyền thông. Ngoài ra, ông Long còn là người đại diện pháp luật cho Phòng khám Đa khoa - chi nhánh của Bệnh viện Hồng Ngọc đặt tại tầng 3 khối B, TTTM Savico Megamall, 79 Nguyễn Văn Linh, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội. Theo Hồ sơ Panama, người đàn ông này là cổ đông của Springful Chapter Ltd. (Singapore), một công ty mới được thành lập đầu năm 2015 và hiện vẫn đang hoạt động.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Long tỏ ra là người khá cởi mở, thân thiện. Ông xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết: “Việc một người đầu tư ở nước ngoài là bình thường” miễn là “chấp hành đúng pháp luật”. Ông Long cũng giới thiệu mình từng là du học sinh. Sau đó, ông từ chối cung cấp thêm thông tin bởi ông cho rằng đây là việc riêng tư của mỗi cá nhân. “Việc đưa ra danh sách sẽ gây bức xúc nhiều người”, ông Long bình luận.
Không vội vàng phán xét
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, cần phải cẩn thận và không nên vội vàng kết luận hay phán xét bất kỳ điều gì chỉ vì các cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách Hồ sơ Panama. Bởi vì, đây chỉ đơn thuần là một danh sách những tổ chức, cá nhân hoặc cổ đông của những công ty có sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca để thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài chứ không hẳn đây là “danh sách trốn thuế” hay “danh sách rửa tiền”.
Chính Tổ chức ICIJ, đơn vị cung cấp Hồ sơ Panama cũng khẳng định rằng, không phải cứ có tên trong danh sách này thì đều có các hành vi vi phạm pháp luật. Bởi, việc thành lập các công ty và quỹ tín thác là hoàn toàn hợp pháp và là điều bình thường trên thế giới. Để xác định được một cá nhân có tên trong Hồ sơ Panama có làm gì khuất tất hay không, thì quan trọng phải xác định được thu nhập chịu thuế của người đó ở Việt Nam trước khi họ chuyển tiền sang “thiên đường thuế”.
Tuy nhiên, ý kiến của một chuyên gia nước ngoài trong ngành chứng khoán lại cho rằng, một khi đã có tên trong danh sách này thì ít hay nhiều cũng đã dính dáng đến câu chuyện trốn thuế hoặc tránh thuế. Bởi vì một khi được gọi là cổ đông của một công ty nước ngoài và có tên trong danh sách thì nghĩa đó là cổ đông lớn của công ty. Tuy nhiên, một cách công bằng, cần phải điều tra minh bạch, tách biệt các cá nhân, doanh nghiệp Việt có tên trong Hồ sơ Panama là “tránh thuế hay có vi phạm trốn thuế” trước khi có kết luận cụ thể.
Theo Lao động