Nhật Bản đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam với 2.494 dự án tính tới 20/1/2015 và tổng vốn đăng ký đạt gần 36,9 tỷ USD. Tuy vậy, từ năm 2011, khi kinh tế Nhật Bản nói riêng và môi trường kinh doanh quốc tế nói chung gặp nhiều khó khăn, rơi vào suy thoái, đầu tư của nước này lại có chiều hướng đi xuống.
Số liệu của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy, năm 2014, có 436 dự án Nhật Bản được cấp phép, thấp nhất trong 3 năm qua. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, chưa bằng một nửa hai năm trước. Đặc biệt, ngành sản xuất từng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kế hoạch đầu tư ra nước ngoài lại giảm tới 53 dự án trong năm qua, vốn cũng sụt gần 30% từ gần 1,2 tỷ USD năm 2013 xuống gần 830 triệu USD năm 2014.
Nguồn:Jetro |
Chia sẻ với VnExpress, một chuyên gia trong ngành Kế hoạch & Đầu tư nhận định các dự án trong lĩnh vực sản xuất thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường. Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang vấp phải những khó khăn cũng như nền kinh tế toàn cầu chưa sáng sủa hẳn, vị này cho rằng việc giảm đầu tư vào ngành sản xuất cũng là điều dễ hiểu. Ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng Nhật Bản sẽ thiếu vắng đi các dự án quy mô tỷ USD trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất do ảnh hưởng của điều kiện kinh doanh.
Ngay cả trong đầu tư gián tiếp, theo báo cáo của Stoxplus công bố trong tháng 2/2015, Nhật Bản vẫn đứng thứ 6 trong danh sách các quốc gia tiến hành các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) ở Việt Nam, song lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ chỉ chiếm 10% tổng giá trị. "Các thương vụ lớn của Nhật Bản không xuất hiện trong năm nay. Sau một số thương vụ lớn trong năm ngoái, hiện các nhà đầu tư Nhật Bản chuyển hướng sang đầu tư dài hạn với quy mô vốn nhỏ hoặc trung bình nhưng tiềm năng lớn", báo cáo này cho biết.
Việc Nhật Bản giảm vốn vào ngành sản xuất cũng tác động phần nào lên các đối tác Việt Nam. Một công ty có trụ sở tại Hưng Yên chuyên sản xuất linh kiện nhựa cho hay năm nay tổng giá trị đơn hàng nhận được từ "xứ sở Mặt trời mọc" chỉ bằng một nửa so với năm ngoái do nhu cầu của phía nước ngoài giảm đi và ngày càng khắt khe hơn về giá cả. “Năm ngoái, nhà máy nhận được 4 khuôn thì năm nay chỉ còn 2 khuôn. Ra Tết, lượng công việc bị giảm xuống, một số công nhân có thể bị nghỉ việc tạm thời”, lãnh đạo công ty cho hay.
Tuy vậy, khảo sát của các tổ chức nghiên cứu cũng cho thấy đang có một làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào các lĩnh vực khác như xây dựng, bất động sản, vận tải hay đầu tư tài chính.
Recof - một công ty có trụ sở ở Tokyo chuyên tư vấn cho các thương vụ M&A đã tăng sự hiện diện tại Việt Nam khi làn sóng mua bán sáp nhập ngày càng sôi động trong những năm qua. Ông Masataka Yoshida - Giám đốc điều hành Recof chia sẻ rất nhiều công ty Nhật Bản quan tâm tới việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. "Hiện một nửa danh mục thông tin của Recof là các thương vụ của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm dịch vụ tài chính phi ngân hàng, vận tải, công nghệ, khách sạn, dịch vụ marketing và ngành hàng bán lẻ", ông nói.
Báo cáo của Jetro phản ánh tỷ trọng các dự án đầu tư mới trong ngành xây dựng, bất động sản tăng từ 3% năm 2013 lên 6% năm 2014, trong khi về vốn, tỷ trọng đã lên tới 13%, so với 2% của một năm trước. Chẳng hạn, Tập đoàn Tokyu đã liên doanh với Tổng công ty Becamex IDC phát triển dự án thành phố vườn Tokyu Bình Dương, diện tích hơn 110 hécta, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Tập đoàn Daibiru cũng mua lại phần văn phòng tòa nhà Corner Stone với giá trị 60,1 triệu USD...
"Tận dụng lợi thế của thị trường hiện đang nghiêng về phía khách thuê, một số các công ty Nhật Bản lớn đã quyết định chuyển văn phòng để nâng hạng hoặc mở rộng diện tích thuê. Điều này minh chứng rằng các nhà đầu tư Nhật Bản đã nhận ra tiềm năng phát triển của địa ốc Việt Nam khi luật sở hữu đất đai sửa đổi mới được thông qua", Ông Humphrey Morgan - Trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng Nhật Bản, Savills Hà Nội nêu ý kiến.
Cũng theo Stoxplus, trong danh mục các thương vụ M&A của Nhật Bản năm 2014, bất động sản chiếm tới 61%, bỏ xa các lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ...
Ở mảng đầu tư tài chính, cuối năm ngoái, Daiwa PI Partners cùng với quỹ VOF quyết định đầu tư 45 triệu USD vào Công ty Sữa quốc tế. Đây được xem là thương vụ đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn nhất vào một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong năm 2014. Ở nhiều định chế tài chính như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (Vietinbank), tổ chức Nhật Bản cũng đang là nhà đầu tư chiến lược lớn.
Đặc biệt, bán lẻ Việt Nam cũng không thoát khỏi tầm ngắm của những ông chủ Nhật Bản, vốn nổi tiếng với cung cách phục vụ coi chất lượng là hàng đầu. Theo Recof, với quy mô dân số trẻ và thu nhập đang tăng dần, Việt Nam trở thanh thị trường hấp dẫn. Hãng bán lẻ lớn nhất Nhật Bản Aeon sau nhiều năm tìm hiểu thị trường đã đổ hơn 500 triệu USD cho hai trung tâm thương mại đã mở ở TP HCM, Bình Dương và một địa điểm sắp khai trương tại Long Biên (Hà Nội). Tập đoàn này cũng đang lên kế hoạch mở rộng thêm quy mô khi mua cổ phần của hai siêu thị nội là Fivimart và Citimart.
Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam - Yukio Konishi đánh giá đây thị trường bán lẻ tiềm năng hàng đầu thế giới với 90 triệu người, diện tích tương đương nước Nhật và rất chú trọng so sánh chất lượng giữa các nhà cung cấp dịch vụ, do đó, đầu tư vào bán lẻ hôm nay sẽ đạt được thành công trong tương lai.
Thậm chí, hiện nay không chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các chuyến công du để tìm kiếm các bản hợp đồng, mà chính lãnh đạo công ty Nhật Bản cũng “chăm chỉ” sang Việt Nam để tìm kiếm sự hợp tác. Công ty quảng cáo số hàng đầu Nhật Bản - D.A.Consortium (DAC) mới đây đã ký ghi nhớ với FPT Online về việc chuyển giao công nghệ và khả năng tìm hiểu đầu tư.
Chủ tịch DAC, Hirotake Yajima cho biết sau 3 năm phát triển kinh doanh tại các thị trường Đông Nam Á, hãng này đánh giá cao tiềm năng quảng cáo số tại một thị trường có 90 triệu dân, cũng như môi trường Internet, truyền thông phát triển nhanh tại Việt Nam nên đã quyết định hợp tác với FPT Online để bước sang một trang mới của quá trình phát triển.
“Người Nhật đã quá quen với môi trường kinh doanh và tập quán của Việt Nam, hai nước cũng đã có hơn 40 năm hợp tác. Do vậy, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới. Khi lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn, họ sẽ tìm kiếm các lĩnh vực có khả năng hồi sinh hay các thị trường tiềm năng phát triển”, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định.
Theo Vnexpress